08/01/2013 06:22 GMT+7

39 hóa chất đổ ra sông

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Cư dân ba tỉnh Sơn Tây, Hà Nam và Hà Bắc ở Trung Quốc đang hoảng loạn do nguồn nước sinh hoạt trên sông Chương Hà chảy qua ba tỉnh này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hóa chất độc hại.

X9QSMsUs.jpgPhóng to
Người dân thành phố Hàm Đan phải xếp hàng chờ hứng nước sinh hoạt lấy từ lòng đất thay nước máy đang bị ô nhiễm aniline - Ảnh: shanghaidaily.com

Ngày 7-1, Tân Hoa xã cho biết ông Trương Bảo - chủ tịch thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Tây, nơi khởi nguồn vụ rò rỉ aniline - đã lên báo đài chính thức xin lỗi người dân các địa phương bị tác hại và nhìn nhận chính quyền địa phương đã xử lý kém vụ ô nhiễm. Song dường như lời xin lỗi này vẫn không xoa dịu được những phẫn uất trong người dân.

Giới chuyên gia cho rằng nguồn nước sinh hoạt trên sông Chương Hà bị nhiễm độc cực cao vì aniline là hóa chất được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp dược, có thể gây tổn thương nghiêm trọng các cơ quan nội tạng như thận và gan. ông Trương Bảo cũng thừa nhận chính quyền Trường Trị đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của vụ rò rỉ, sau khi nhận được tin báo từ ngày 31-12-2012.

Cố tìm cách ém nhẹm!

Thậm chí đến năm ngày sau, chính quyền Trường Trị vẫn chưa chịu báo cáo vụ ô nhiễm cho cơ quan môi trường tỉnh Sơn Tây, theo đúng quy định là phải báo cáo trong vòng hai giờ nếu là một vụ ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ cho đến khi sự việc được báo chí phanh phui thì khoảng 9 tấn hóa chất aniline từ Tập đoàn công nghiệp hóa chất than Thiên Tích đã đổ xuống sông Chương Hà.

Điều tra sơ bộ ban đầu cho biết van xả nước thải của nhà máy này đã bị lỏng khiến một lượng hóa chất lớn chảy ra sông. Thế nhưng, trái với thông tin đưa trên báo đài, Tập đoàn Thiên Tích vẫn cố tìm cách giấu giếm khi báo cáo chính quyền chỉ có 1,5 tấn hóa chất bị rò rỉ ra sông. Thế nhưng, thực tế như Văn phòng phản ứng khẩn cấp Trường Trị khẳng định, còn đến 30 tấn khác đang trên đường thoát ra nhưng đã được chặn lại tại một hồ chứa nước thải khác.

Theo Tân Hoa xã, hàm lượng aniline trên sông Trường Trị vẫn còn ở mức 2,15mg, giảm từ mức 72mg từ những ngày trước đó. Song, nước sông Trường Trị và nhánh sông Hàm Đan vẫn chưa dùng được do mức aniline vẫn cao hơn mức quy định an toàn của Trung Quốc đến 2,05mg.

Theo Nhân Dân Nhật Báo, nước sông nhiễm hóa chất aniline đã ngấm vào cả hệ thống cung cấp nước sinh hoạt của thành phố Hàm Đan (tỉnh Hà Bắc), nơi có 1 triệu dân sinh sống. Cá chết trắng hàng loạt trên các nhánh sông ở thượng nguồn sông Chương Hà. Tỉnh Hà Nam bên cạnh cũng đang rúng động vì thông tin ô nhiễm này.

Hoảng loạn

Hàng triệu người dân ở thành phố Hàm Đan ở tận hạ lưu con sông này đang phải chịu cảnh không có nước để dùng từ những ngày qua. Họ đang bấn loạn và hoang mang vì nguồn cung cấp nước uống duy nhất trong vùng đang bị nhiễm độc. Khắp thành phố Hàm Đan, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân xếp hàng dài chờ mua nước uống đóng chai.

Người dân phẫn nộ cho rằng chính quyền Trường Trị đã bưng bít vụ việc, đẩy người dân vào tình thế khó khăn, bỏ mặc dân trong hoạn nạn khi phản ứng chậm chạp đến sáu ngày sau khi xảy ra vụ ô nhiễm mới đóng cửa thoát nước dẫn ra sông Chương Hà.

Bốn quan chức của Nhà máy Thiên Tích đã bị sa thải, trong đó có tổng giám đốc Trần Kiến Ôn, phó tổng giám đốc phụ trách an toàn Nhiệm Dũng Kiệt và hai nhân viên làm việc ở kho của nhà máy. Chính quyền địa phương cũng đã ra lệnh cho 122 nhà máy hóa chất dọc sông Chương Hà ngừng hoạt động.

“Các siêu thị đã hết sạch nước do người dân hoảng loạn đổ xô đến mua, giá cả đang tăng vọt. Chúng tôi không thể giội toilet và không thể nấu ăn tại nhà. Nhiều nhà hàng cũng chẳng có nước để phục vụ”- báo Đô Thị Yến Triệu dẫn lời một người dân ở Hàm Đan phẫn nộ.

Giới chuyên gia môi trường

Trung Quốc đã lên án vấn đề ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc không được cải thiện do tăng trưởng kinh tế quá nhanh. Giáo sư Vương Anh Huy, Đại học Môi trường Quảng Tây, nói các vụ ô nhiễm hóa chất nghiêm trọng xảy ra là do chính quyền các địa phương và doanh nghiệp hám lợi mà bỏ qua những quy định kiểm soát ô nhiễm. “Sự thiếu ý thức và yếu kém của chính quyền địa phương trong việc xử lý khẩn cấp đã làm ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn” - ông Vương cảnh báo.

Chỉ tính riêng một làng ở tỉnh Hồ Bắc đã có đến 60 cư dân thiệt mạng vì ung thư, cây cối và gia cầm chết sạch. Dân làng ở đây cáo buộc chính 20 nhà máy hóa chất trong vùng là nguyên nhân gây nên thảm kịch này. “Quá nhiều nhà máy hóa chất đã được phép xây dựng trên nhiều dòng sông, nơi sinh hoạt của hàng triệu người dân. Nhưng họ chỉ bị phạt rất nhẹ khi đổ hóa chất ra sông và người dân lãnh đủ” - chuyên gia Ngạc Học Lễ thuộc Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Trung Quốc nhận định.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên