01/01/2013 06:01 GMT+7

Cải thiện chính sách đón nhà đầu tư Nhật

NHƯ BÌNH thực hiện
NHƯ BÌNH thực hiện

TT - VN đang sở hữu nhiều lợi thế thu hút đầu tư Nhật Bản so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn cần cải thiện thêm thủ tục hành chính cũng như hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng để thuyết phục các nhà đầu tư Nhật Bản.

vNGugPMu.jpgPhóng to
Công ty Nidec Tosok khởi công nhà máy tại Bến Tre, đây là nhà máy thứ chín của tập đoàn này tại VN - Ảnh: ĐÌNH DÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ về xu hướng đầu tư Nhật Bản trong năm 2013, ông Yasuzumi Hirotaka, giám đốc điều hành Trung tâm Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), cho biết:

- Có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế VN đang phục hồi tốt ở cuối năm 2012. Cán cân thương mại được cân bằng, điều này là kết quả của chính sách ưu tiên bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Thông thường, chính sách kinh tế vĩ mô bất ổn là nguyên nhân chính làm e ngại dòng đầu tư nước ngoài vào VN. Chúng tôi rất mong đợi nền kinh tế tiếp tục được vận hành ổn định trong thời gian tới. Trong đó cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cải cách mà Chính phủ đề ra như cải cách lĩnh vực ngân hàng, xử lý một cách có kế hoạch vấn đề nợ xấu, cải cách ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nỗ lực ngăn chặn và hạn chế tham nhũng ở VN hiện nay cũng được đánh giá cao. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng càng sớm càng tốt.

* Vậy năm 2013 nhà đầu tư Nhật có thay đổi gì trong xu hướng đầu tư tại VN?

- Số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực sản xuất và ngành dịch vụ đang tăng lên. Ngoài ra, hình thức đầu tư cũng không còn nghiêng về gia công xuất khẩu mà đang có khuynh hướng đầu tư theo nhu cầu của thị trường VN và thị trường ASEAN sau khi được tự do hóa thương mại. Nghĩa là hàng sản xuất để phục vụ thị trường tại chỗ.

* Theo ông, thời gian tới Chính phủ VN cần phải làm gì để kêu gọi đầu tư và hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản?

- Để kêu gọi đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần xúc tiến chương trình cải cách và theo tôi có ba điều cần thực hiện. Đầu tiên cần bãi bỏ tất cả chính sách gây trở ngại cho các hoạt động đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong ngành công nghiệp xe hơi, tháo gỡ quy chế và nâng cao việc tự do hóa trong các hoạt động doanh nghiệp.

Thứ hai, không chỉ biết đeo đuổi mơ ước mà phải thực hiện một cách rõ ràng các chiến lược công nghiệp đã được xem xét cẩn thận, phù hợp thiết thực với các ngành công nghiệp hiện nay. Không phó mặc hoạt động của các doanh nghiệp riêng lẻ mà phải thiết lập thành nhóm, cụm theo từng ngành công nghiệp. Phải đưa việc hiện thực chính sách phát triển các ngành công nghiệp trong nước vào một mối.

Thứ ba là cần thực hiện nhanh và có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng. Cần chú trọng đến chất lượng các công trình, việc sửa chữa sẽ lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc khi xây dựng những công trình chất lượng thấp.

Thường các nhà đầu tư sẽ so sánh các điểm đến đầu tư trong khu vực châu Á và hướng đến những nơi có nhiều thuận lợi nhất. VN với tư cách là một điểm đến đầu tư có nhiều thuận lợi trong hiện tại và cần phát huy những lợi thế đã có. Hiện doanh nghiệp Nhật Bản cảm thấy lo lắng về sự chậm trễ trong tốc độ thực thi các chính sách của VN. Năm 2015 sẽ là một điểm mốc lớn và những nhà đầu tư Nhật mong muốn VN cố gắng thực hiện ba điều trên với tốc độ nhanh nhất.

Hướng đến thị trường tiêu dùng tại chỗ

Trao đổi với Tuổi Trẻ gần đây, giám đốc đầu tư Quỹ công nghiệp DI châu Á (DIAIF) Hori Shinichiro cho rằng VN hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật vì người Việt rất có thiện cảm với những thương hiệu Nhật, đó là điều thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật thâm nhập thị trường này. Hơn nữa, dung lượng thị trường VN vẫn còn nhiều cơ hội, hiện đầu tư từ Nhật vào các công ty thực phẩm đã xấp xỉ 30 triệu USD, nhưng cạnh tranh trên thị trường chủ yếu diễn ra ở khâu phân phối, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các bí quyết và công nghệ phát triển sản phẩm mang dấu ấn Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật thường chọn một đối tác VN thông qua con đường mua bán và sáp nhập (M&A), tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của doanh nghiệp nội địa.

Hiện nay quỹ DI vẫn đang hỗ trợ các công ty Nhật Bản tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp VN thông qua hình thức M&A hay đầu tư trực tiếp. Lĩnh vực lựa chọn đầu tư cũng khá đa dạng từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ uống đến sản phẩm chăm sóc gia đình, phần cứng, hóa chất, dược phẩm, bán lẻ và phân phối...

NHƯ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên