28/12/2012 07:00 GMT+7

Myanmar cải cách hành chính

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Sau cải cách chính trị và kinh tế, Myanmar chuẩn bị bước vào cuộc cải cách bộ máy hành chính mà theo Tổng thống Myanmar Thein Sein, đây là cuộc “cải cách giai đoạn ba” nhằm xóa bỏ nạn tham nhũng.

ypPxjfF4.jpgPhóng to

Tổng thống Myanmar Thein Sein đang thực hiện hàng loạt bước cải tổ khiến cả thế giới ngạc nhiên - Ảnh: AFP

Báo Irrawaddy News cho biết trong bài phát biểu ngày 26-12 trước chính phủ, Tổng thống Thein Sein thừa nhận tình trạng tham nhũng nghiêm trọng đang diễn ra ở các cơ quan nhà nước Myanmar. “Nhiều cơ quan ở các cấp chính phủ không lắng nghe tiếng nói của người dân và hoạt động hoàn toàn không minh bạch - ông Thein Sein khẳng định - Quản trị công ở Myanmar vẫn rất yếu kém, kém xa tiêu chuẩn quốc tế”.

Theo ông Thein Sein, chính phủ cần ngăn chặn được nạn tham nhũng, hối lộ trong bộ máy nhà nước thì mới đảm bảo được quản trị công hiệu quả.

Thừa nhận sự thật

“Đất nước cần cải cách hành chính từ cấp cơ sở đến cấp chính quyền trung ương - tổng thống Myanmar tuyên bố - Để đảm bảo sự tồn tại của chế độ dân chủ và sự phát triển của đất nước, chúng ta cần thay đổi hệ thống hành chính theo cách mà người dân có thể tham gia và hợp tác với chính phủ”. Ông kêu gọi các quan chức cũng “đề nghị nhân dân hợp tác để chống lại nạn tham nhũng, sự thiếu trung thực trong chính phủ”.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Myanmar thừa nhận tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Tổng thống Thein Sein chưa đưa ra các nội dung cải cách hành chính cụ thể. Tuy nhiên, hồi tháng 5-2012 Phó tổng thống Sai Mauk Kham đã đề cập vấn đề này. Theo báo New Light of Myanmar, khi đó ông Sai Mauk Kham cho rằng chính quyền Myanmar cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử và quy tắc đạo đức cho khối hành chính công để đạt được mục tiêu quản trị công hiệu quả. Ông Sai Mauk Kham thừa nhận tại Myanmar, nông dân và công nhân đang sống trong cảnh khó khăn do nhà đất của họ bị quân đội, chính quyền địa phương và các nhóm lợi ích tịch thu một cách bất hợp pháp. Do đó tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng cao.

Khảo sát của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) cho thấy Myanmar là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của TI, Myanmar xếp thứ 181/183 quốc gia, chỉ trước Somalia và Triều Tiên. Hãng tin Bloomberg dẫn lời một số doanh nhân Myanmar tiết lộ nạn hối lộ và con ông cháu cha là “chuyện thường ngày ở huyện” tại đất nước này.

Doanh nhân Zaw Naing, giám đốc Công ty Credent Technology ở Yangon, cho biết các công ty đều phải lập một quỹ để “lại quả” cho các quan chức. Đi đánh golf với các quan chức chính phủ hay quân đội và đưa hối lộ tại sân golf là cách hiệu quả nhất để ký được các hợp đồng kinh doanh. Doanh nhân Hong Kong Howard Kuan, quản lý một nhà máy may mặc ở Yangon, kể các doanh nhân khi mở công ty, nhà máy luôn bị quan chức địa phương đến gõ cửa đòi đủ loại giấy phép lằng nhằng. Cách duy nhất để công việc trôi chảy là xì tiền. “Ở xứ này, là doanh nhân bạn phải biết chi tiền” - ông Kuan nói.

Nền hành chính trục lợi

Báo Financial Times đưa tin hồi tháng 5-2012, chính quyền Tổng thống Thein Sein đã ra lệnh cho Văn phòng Kiểm toán quốc gia thực hiện kiểm toán các bộ ngành trong chính phủ. Theo kết quả kiểm toán được trình lên quốc hội, có sáu bộ gồm Bộ Khai thác mỏ, Nông nghiệp, Công nghiệp, Truyền thông... bị cáo buộc là đã “sử dụng sai” hàng tỉ kyat (800 kyat = 1 USD) chỉ trong ba năm từ 2009 đến 2011. Khi đó, Quốc hội Myanmar đã bắt đầu thảo luận việc thành lập một ủy ban chống tham nhũng.

Theo báo cáo “Nền hành chính dân sự Myanmar và nhu cầu cải tổ” của giáo sư Alex Mutebi thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, từ năm 1988 đến nay khối hành chính công Myanmar ngày càng trở nên cồng kềnh, thiếu hiệu quả. Phần lớn công chức nhận mức lương rất thấp, do đó đã tìm cách khai thác và tận dụng hệ thống quy tắc rắc rối, rườm rà và cồng kềnh để trục lợi từ người dân.

“Nền hành chính công Myanmar tạo điều kiện cho các công chức moi tiền của người dân một cách độc đoán và vô trách nhiệm - báo cáo viết - Dù lương công chức rất thấp, song nhiều người vẫn tìm cách chạy chọt cho bằng được để xin vào cơ quan nhà nước. Bởi đó là cơ hội và chỗ đứng thuận lợi để vơ vét tiền của người dân”.

Theo Bloomberg, dù Myanmar đang mở cửa thị trường nhưng nhiều tập đoàn Mỹ và châu Âu vẫn đang e ngại, chưa vội lao vào quốc gia Đông Nam Á giàu tài nguyên này. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng tham nhũng và hệ thống hành chính cồng kềnh. Do đó, Tổng thống Thein Sein nhấn mạnh để thoát nghèo, Myanmar cần phải có những cải tổ mạnh mẽ. “Chỉ có các chính sách hiệu quả mới có thể giúp nâng cao mức sống” - ông khẳng định và kêu gọi chính phủ “phải nỗ lực cải tổ vì nền kinh tế của người dân”.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên