21/12/2012 07:20 GMT+7

Từ "thủ lĩnh xóm" đến lãnh đạo đất nước

NGỌC LAN - THANH SỬ (Từ Seoul)
NGỌC LAN - THANH SỬ (Từ Seoul)

TT - Với lời hứa “một đất nước Hàn Quốc của toàn dân”, nữ Tổng thống Park Geun Hye sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 25-2-2013, mở đầu một thời đại lịch sử mới cho nền kinh tế thứ 15 toàn cầu này.

QdM3CP9o.jpgPhóng to
Nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Geun Hye - Ảnh: AFP

...Năm 22 tuổi, Park Geun Hye đang theo học tại Grenoble, Pháp. Cuộc đời bà đã đảo lộn hoàn toàn vào một ngày tháng 10-1974 khi đang ở sân bay Orly và được tin mẹ mình, “đệ nhất phu nhân” Hàn Quốc, đã bị sát hại. “Tôi đã khóc suốt chuyến bay trở về nhà. Rồi tôi quyết định phải vượt lên nỗi đau để hoàn thành nghĩa vụ của mình” - bà Park lạnh lùng giải thích.

Đặt chân lên mảnh đất quê hương, cô gái trẻ này hiểu rằng cuộc đời mình như được sắp đặt cho một định mệnh khác...

Park Geun Hye là con gái cả trong gia đình có ba chị em sinh ra ở Daegu. Mẹ của Park là bà Yuk Young Su, một cô giáo, là vợ thứ hai của tổng thống Park Chung Hee sau khi đã ly dị. Tuổi thơ Park bình yên như bao đứa trẻ khác và được xem là một cô bé tinh nghịch. Trong tự truyện của mình, bà đã viết: “Ngày đó, chỉ cần chơi giỏi chuyền chuyền, trò thảy đá, búng thun vòng thì có thể được phong làm thủ lĩnh trong xóm. Mình nghĩ mình dư sức để có thể trở thành một thủ lĩnh trong xóm kia mà”.

Những năm tháng biến động

Những năm đầu thập niên 1970, ở các làng đại học dấy lên phong trào chống chính quyền Park Chung Hee. Park Geun Hye tránh tranh luận về chính trị với bạn bè, nhưng cô lại lén giúp đỡ những người bạn gặp khó khăn khi bị đàn áp trong các cuộc biểu tình.

Từ năm 22 tuổi bà Park Geun Hye đã bắt đầu giúp cha trong các hoạt động ngoại giao, tiếp khách quốc tế. Vốn tiếng Anh và tiếng Pháp của bà được mang ra sử dụng rất hữu ích. Lúc này bà còn đóng vai trò quan trọng trong phong trào vận động Saemauel (phong trào vận động cải cách nông thôn) do cha mình phát động. Đây là cơ duyên đầu tiên dẫn đến vai trò nữ tổng thống ngày nay của Park Geun Hye.

Tháng 10-1979, ông Park Chung Hee bị ám sát. Trong hồi ký, bà Park Geun Hye đã viết: “Tôi giặt cái áo trắng và cà vạt có dính máu của cha tôi mà bật khóc, suy sụp. Tôi khóc bằng tất cả nước mắt của một đời người. Đó là khoảng thời gian đau đớn khủng khiếp của cuộc đời tôi”.

Sau tang lễ của cha, bà Park Geun Hye đưa hai em về lại nhà cũ ở Sindang - dong sinh sống, đối diện với không chỉ nỗi đau mất mát mà cả sự phản đối dữ dội của những người căm thù ông Park Chung Hee. Nhiều người thân đã khuyên bà Park Geun Hye nên ra nước ngoài sinh sống nhưng bà luôn từ chối.

Tham gia chính trường

Năm 1997, Hàn Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Bà Park Geun Hye tuyên bố tham gia chính trường với suy nghĩ: “Đối mặt với khó khăn của khủng hoảng tài chính lần này là sự choáng váng khi hiểu ra rằng những công trạng của bao thế hệ lâu nay cho đất nước có thể phút chốc tan như bọt nước nên tôi quyết định tham gia con đường chính trị”.

Vào năm sau, năm 1998, bà đã thắng cử vào ghế nghị sĩ quốc hội thành phố Daegu. Phát biểu ở lễ chúc mừng vào ngày 2-4-1998, bà đã nói: “Tôi xin mang hết tấm lòng và sức lực của mình để tiếp nối sự nghiệp mà cha tôi đã cùng toàn dân thực hiện bất chấp mọi khó nhọc vì sự phồn thịnh của đất nước”.

Tuy nhiên, con đường đi của nữ chính trị gia này cũng liên tiếp gặp nhiều khó khăn do những nạn nhân của 18 năm độc tài của cha bà vẫn còn ghi khắc những oán hận và phản đối sự xuất hiện của bà. Năm 2006, trong khi đang đi vận động bầu cử ở địa phương, bà Park Geun Hye đã rơi vào nguy kịch khi bị một thành phần quá khích tấn công bằng hung khí.

Đảng Dân chủ liên tục mang những vấn đề về cố tổng thống Park Chung Hee ra làm áp lực buộc bà Park Geun Hye phải xin lỗi nhân dân. Bà Park Geun Hye trước những áp lực đó đã chính thức xin lỗi nhân dân, đặc biệt là những người trực tiếp hứng chịu hậu quả từ chế độ hà khắc của cha mình.

Sự lãnh đạo của một người mẹ

Bà Park có 15 năm tại chức với tư cách một nhà lập pháp tại quốc hội với những thành công nổi bật ở vị trí lần lượt là phó chủ tịch, rồi đến chủ tịch Đảng Hanara (hiện nay là Đảng Saenuri - đảng cầm quyền). Trong quá trình vận động bầu cử bà thuyết phục người dân tin rằng chính bà, Park Geun Hye, sẽ là một nữ tổng thống đã được chuẩn bị đầy đủ để mang đến làn gió cải cách cho chính trường Hàn Quốc.

Bà Park Geun Hye cho rằng kinh tế Hàn Quốc phát triển nhưng xã hội Hàn Quốc không mang lại hạnh phúc cho người dân. Sau những bê bối trên chính trường, đã đến lúc cần có một nhà lãnh đạo nữ để mang lại sự lãnh đạo với bản năng của một người mẹ - sự lãnh đạo mang tình mẫu tử, vừa chu đáo, vừa nhẫn nại để chăm lo cho đất nước và lèo lái mọi khó khăn.

Bà còn khẳng định đã đến lúc Hàn Quốc phải công nhận những lợi điểm vượt trội của các nhà lãnh đạo nữ để đưa đất nước đột phá và phát triển nhảy vọt từ sự thay đổi chính trị giờ đã bắt đầu.

Rất nhiều người kỳ vọng vào tổng thống mới của Hàn Quốc. Bà Kim Hae Eun, 64 tuổi, buôn bán nhỏ ở chợ Jaegidong, nói: “Tôi tin rằng nữ tổng thống lần này đã cảm nhận được rõ rệt những khó khăn của các tiểu thương và sự cạnh tranh khốc liệt với các siêu thị. Tôi tin bà sẽ có những chính sách phù hợp cho chúng tôi”.

Park J. S., 24 tuổi, một sinh viên Đại học Gangwon, cũng nói: “Chúng tôi kỳ vọng vào một chính quyền của nữ tổng thống đầu tiên, trước nhất là thực hiện lời hứa giảm một nửa học phí cho sinh viên”. Chị Lee K. H., 32 tuổi, nhân viên văn phòng ở khu vực Yoeuido, cho biết: “Những bà mẹ trẻ luôn gặp khó khăn rất lớn khi đã sinh con và muốn duy trì việc làm. Tôi tin rằng nữ tổng thống sẽ có những chính sách phù hợp cho sự phát triển của phụ nữ”.

NGỌC LAN - THANH SỬ (Từ Seoul)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên