13/12/2012 07:45 GMT+7

Triều Tiên phóng tên lửa: nhiều đích ngắm

VIỆT PHƯƠNG - SƠN HÀ
VIỆT PHƯƠNG - SƠN HÀ

TT - Một lần nữa CHDCND Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế ngạc nhiên và đau đầu khi phóng thành công tên lửa Unha-3 vào “ngày đẹp” 12-12-2012. Một tên lửa nhắm đến nhiều mục tiêu.

Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa thời điểm này?Triều Tiên tuyên bố phóng vệ tinh thành côngNhiều nước phản ứng việc Triều Tiên phóng tên lửaMột quả tên lửa, nhiều mục tiêu

kskxvWrZ.jpgPhóng to

Các nhà khoa học CHDCND Triều Tiên quan sát bệ phóng tên lửa Unha-3 tại trung tâm điều khiển vệ tinh ở Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan ngày 12-12 - Ảnh: Reuters/KCNA

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin lúc 10g sáng 12-12 (giờ địa phương, 8g sáng giờ VN), tên lửa Unha-3 từ Trung tâm vũ trụ Sohae ở Triều Tiên đã bay lên quỹ đạo, mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 phiên bản hai. Đây là diễn biến hoàn toàn bất ngờ, bởi trước đó giới truyền thông quốc tế đưa hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng đã dỡ bỏ tên lửa ra khỏi bệ phóng để sửa chữa.

Báo Asahi cho biết tên lửa đã bay ngang qua vùng trời Okinawa nhưng Nhật không bắn chặn. Tầng thứ nhất của tên lửa rơi xuống vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, tầng thứ hai rơi xuống vùng biển Philippines. Bộ chỉ huy phòng vệ không gian Bắc Mỹ (NORAD) xác nhận tên lửa Triều Tiên “đã đưa một vật thể lên quỹ đạo Trái đất”.

“Một vụ phóng chính trị”

Báo Le Point của Pháp nhận định việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa Unha-3 là một mũi tên nhắm vào ba mục tiêu: quốc tế, khu vực và chính trị nội bộ. “Một vụ phóng chính trị”, như Paik Hak Soon, chuyên gia Viện Sejong của Hàn Quốc, nhận định.

Nhưng tại sao Bình Nhưỡng lại chọn thời điểm này để phóng tên lửa Unha-3?

Hàn Quốc ước tính CHDCND Triều Tiên đã bỏ ra tới 1,3 tỉ USD cho chương trình tên lửa của mình trong năm nay. Cụ thể, Bộ Thống nhất của Hàn Quốc ước tính hai lần phóng tên lửa ngày 12-12 và hồi tháng 4 tiêu tốn khoảng 600 triệu USD, bệ phóng trị giá khoảng 400 triệu USD, các cơ sở vật chất liên quan tiêu tốn khoảng 300 triệu USD. Con số này tương đương 4,6 triệu tấn bắp, đủ giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực cho người dân trong 4-5 năm. CHDCND Triều Tiên là một trong những nước nghèo nhất châu Á với nền kinh tế trị giá chỉ 40 tỉ USD. (CNN)

Trước hết về mặt chiến lược, Bình Nhưỡng đã khéo chọn đúng thời điểm trong chương trình nghị sự của các cường quốc, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã kiên nhẫn chờ đợi thời cơ của mình khi không “động binh” ngay vào mùa thu, lúc diễn ra các cuộc chuyển giao quyền lực chính trị ở Bắc Kinh và Washington.

Để chẳng gây bực bội thêm cho nhà bảo trợ của mình, nhà lãnh đạo trẻ này đã tránh “chơi nổi” trong lúc đang diễn ra cuộc chuyển giao giữa ông Hồ Cẩm Đào và nhân vật số 1 mới của Trung Quốc là ông Tập Cận Bình. Bình Nhưỡng cũng đã quan sát cuộc đấu giữa hai ứng cử viên Obama và Romney.

Khi danh tánh vị tổng thống mới của Mỹ còn chưa rõ ràng thì không cần phải vội tốn hao vô ích một quả tên lửa quý giá. Thậm chí dường như còn có một thỏa thuận ngầm giữa Bình Nhưỡng và Nhà Trắng nhằm tránh cho tổng thống hết nhiệm kỳ không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngay trong lúc đang tranh cử. Như báo Donga IIbo của Hàn Quốc tiết lộ, chiếc chuyên cơ US Air Force đã bí mật bay sang Bình Nhưỡng ngày 17-8 và mang theo một cố vấn của ông Obama.

Thế nhưng ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama lại đã bay đến Myanmar, một đồng minh cũ của CHDCND Triều Tiên, để từ đây kêu gọi Bình Nhưỡng hãy học tập cải cách của Myanmar. Đây đúng là một hành động khiêu khích thật sự với Bình Nhưỡng vốn rất lo sợ sự thờ ơ của Washington. Bởi vậy CHDCND Triều Tiên lại mở ra một chương căng thẳng mới với Washington qua việc bắn tên lửa Unha-3. “Ông Obama đã không hề đưa ra một đề nghị nối lại đàm phán. Việc phóng tên lửa là một thông điệp được gửi đến chính quyền mới để nhắc nhở” - Paik Hak Soon nhận định.

Bởi vậy, vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên diễn ra trong một thời điểm chính trị quốc tế đặc biệt khi Mỹ và Trung Quốc đã chuyển giao xong quyền lực, trong khi các cuộc chuyển giao khác lại sắp diễn ra ở Nhật (16-12) và Hàn Quốc (19-12). Đây là bốn nước trong vòng đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Trên CNN, chuyên gia chính trị Benjamin Habib thuộc ĐH La Trobe (Úc) cho rằng vụ phóng tên lửa vào thời điểm này là một thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn gửi đến bốn quốc gia trên. Đó là Bình Nhưỡng không muốn bị các chính phủ mới ngó lơ. Sự khẳng định sức mạnh tên lửa đạn đạo giúp Bình Nhưỡng tăng cường lợi thế chiến lược và ngoại giao trong quan hệ với Mỹ và các nước láng giềng Đông Bắc Á. Đó cũng là “lợi thế mặc cả” để Bình Nhưỡng đòi Mỹ khởi động lại vòng đàm phán vốn đã bị ngưng trệ từ lâu, cũng như đòi viện trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế.

“Khán giả trong nước”

Thế nhưng đích nhắm đầu tiên mà nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un nhắm đến, như nhiều nhà phân tích nhận định, là “những khán giả nội địa”. “Điều quan trọng nhất đối với ông Kim Jong Un là xây dựng uy thế chính trị và lên dây cót tinh thần cho người dân” - CNN dẫn nhận định của chuyên gia James Schoff thuộc Tổ chức Carnegie Endowment for International Peace.

Với việc phóng tên lửa thành công, như một tờ báo Pháp khác mô tả, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã như “trúng số độc đắc” khi điều này diễn ra đúng một năm sau khi ông lên nắm quyền, lại trùng hợp với lễ kỷ niệm một năm ngày mất của cha mình là cố lãnh đạo Kim Jong Il vào ngày 17-12. Vào lúc mà khoảng cách kinh tế với Hàn Quốc là quá lớn thì thành công của công nghệ này là một thắng lợi cho nhà lãnh đạo trẻ này, khi ông ta đang muốn thiết lập vị trí của mình trước 23 triệu người dân sau thất bại của vụ phóng tên lửa vào tháng 4.

“Với vụ thử tên lửa thành công, ông Kim Jong Un đã đưa ra thông điệp rằng ông ấy đã đúng khi thay thế hàng loạt tướng lĩnh kỳ cựu, rằng ông ấy đã tìm ra sự cân bằng và giờ nắm toàn bộ quyền lực - chuyên gia John Park thuộc Viện Công nghệ Massachussetts (Mỹ) phân tích - Giờ ông ấy đã có thể bước ra khỏi cái bóng của cha mình”.

Chuyên gia Cho Min thuộc Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc cũng đánh giá đây là cú hích quan trọng đối với vị thế của nhà lãnh đạo trẻ.

Với một quả tên lửa bắn qua nước Nhật, Bình Nhưỡng đã như đạt được nhiều mục tiêu chiến lược.

VIỆT PHƯƠNG - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên