29/09/2011 07:39 GMT+7

Báo chí điều tra "mất lửa"

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Đối mặt với sự đe dọa mà mình là nạn nhân, nhiều phóng viên điều tra đã và đang có ý định bỏ nghề. Đó là kết luận trong báo cáo “Môi trường hành nghề của phóng viên điều tra ở Trung Quốc”.

eY326nSj.jpgPhóng to

Trương Hiểu Ba, một trong hai nghi phạm giết phóng viên Lý Tường của Đài truyền hình Lạc Dương, bị bắt ngày 21-9 - Ảnh: China Daily

Báo cáo do giáo sư Trương Trị An thuộc Trường Báo chí của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) và tiến sĩ Thẩm Phi thuộc Đại học Hong Kong cùng thực hiện. Thời Báo Hoàn Cầu, ấn phẩm của Nhân Dân Nhật Báo, đã đăng tải báo cáo này, gây nên sự chú ý lớn trong dư luận Trung Quốc. Báo cáo cho biết trong tương lai gần, phần lớn phóng viên điều tra của các tờ báo lớn ở Trung Quốc có khuynh hướng sẽ bỏ nghề do “kiệt sức vì những đe dọa”.

Đe dọa tính mạng

Giáo sư Trương và tiến sĩ Thẩm đã phỏng vấn 343 phóng viên điều tra (chiếm hơn 95% số phóng viên điều tra của Trung Quốc) thuộc 80 cơ quan truyền thông khác nhau ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và các thành phố lớn khác của Trung Quốc. Trong đó có những tờ báo lớn như Tuần báo Phương Nam, Đô Thị Phương Nam, Nhật báo Đại Hà, Tin Tức Bắc Kinh. Theo nghiên cứu của giáo sư Trương, chỉ 15% có thâm niên làm việc từ 11-15 năm, hơn 50% làm việc từ 6-10 năm, đại bộ phận (84%) là nam. Họ đang phải làm việc trong môi trường đầy áp lực và nguy hiểm.

Những mối đe dọa đến tính mạng và sự an nguy của gia đình khiến cánh phóng viên điều tra ở Trung Quốc phải xem xét lại nghề nghiệp của mình. Trong thời gian gần đây, một số phóng viên điều tra ở Trung Quốc đã thiệt mạng. Dư luận Trung Quốc vẫn bàng hoàng khi biết tin Lý Tường, phóng viên đài truyền hình Lạc Dương (Hà Nam), bị đâm 10 nhát dao và thiệt mạng khi đang trên đường về nhà ngày 19-9. Anh bị giết sau khi đưa tin về đường dây chế biến kinh doanh dầu ăn bẩn ở Trung Quốc.

“Một số chính quyền địa phương và các tập đoàn có lợi ích đặc biệt đã khiến các phóng viên điều tra phải sống khổ sở. Các tổ chức này ngày càng trở nên ma mãnh hơn trong việc cản trở các phóng viên điều tra tác nghiệp” - trưởng ban phóng sự báo Thế Kỷ 21 (Quảng Châu) Tác Chí Kiên cay đắng kết luận. Ông Tác cho rằng không chỉ phóng viên ở những tờ báo quy mô nhỏ mà ngay cả phóng viên điều tra của hãng thông tấn lớn như Tân Hoa xã hay Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng từng phải đối mặt với những nguy hiểm khôn lường khi đến các địa phương làm điều tra.

Bỏ hay cố bám trụ?

Theo kết quả khảo sát của giáo sư Trương và tiến sĩ Thẩm, chỉ 13% phóng viên điều tra cho biết họ sẽ tiếp tục theo nghề trong năm năm tới, còn 40% quyết định bỏ nghề.

Nguyên nhân, như giáo sư Trương cho biết, do họ phải “đối mặt với nguy hiểm rất lớn về tính mạng của mình và các thành viên trong gia đình cũng có thể bị vạ lây. Ngoài ra, thu nhập quá thấp cũng làm họ khó có thể nuôi sống nổi gia đình”. Báo Đô Thị Phương Nam cho biết khoảng 67% phóng viên điều tra ở Trung Quốc có thu nhập từ 5.000-10.000 nhân dân tệ (770-1.550 USD), trong khi 17% có thu nhập trên 10.000 nhân dân tệ và 16% còn lại thu nhập chỉ dưới 5.000 nhân dân tệ/tháng.

Ngày 27-9, tại Hội nghị thượng đỉnh truyền thông thế giới ở Bắc Kinh, lãnh đạo các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh quan tâm hơn đến vấn đề an toàn cho phóng viên.

“Tôi luôn lo lắng khi cử phóng viên đến những nơi nguy hiểm, bởi họ có thể bị đe dọa tính mạng khi tác nghiệp”- chủ tịch Tân Hoa xã Lý Tùng Quân phát biểu. Các chuyên gia cho rằng ngành truyền thông cần huấn luyện phóng viên về kỹ năng tự bảo vệ.

Kết luận báo cáo khảo sát của mình, giáo sư Trương viết: “Báo chí điều tra có tác động và tầm quan trọng rất lớn đối với công luận. Trung Quốc cần có một thế hệ những nhà báo điều tra mới yêu nghề và có tay nghề”.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên