20/06/2011 04:33 GMT+7

Kỳ 2: Cơn ác mộng công chức

VÕ TRUNG DUNG
VÕ TRUNG DUNG

TT - Cơn thịnh nộ của người dân ở Hi Lạp trước các giải pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ đã được thể hiện. Nhưng đâu là căn nguyên bước đi chẳng đặng đừng này của những người lèo lái đất nước?

NV7PtDSe.jpgPhóng to

Người dân Hi Lạp xuống đường đối đầu với cảnh sát tại trung tâm thủ đô Athens ngày 15-6. Hi vọng những uất giận sẽ sớm nhường chỗ cho việc siết tay nhau xây dựng lại đất nước - Ảnh: Reuters

Hy Lạp: Biểu tình lớn, chính phủ xin từ chứcHi Lạp trước nguy cơ vỡ nợ

Ở Hi Lạp, bất kỳ ai, từ anh sinh viên xin đóng dấu cho bằng tốt nghiệp đến ông chủ doanh nghiệp xin nộp thuế, đều phải đối mặt với cơn ác mộng mang tên “công chức”. Họ hoạnh họe dân, bắt nộp hết giấy tờ này đến giấy tờ khác, đi lên đi xuống cả chục lần.

Ông Kostas Lazaris - chủ doanh nghiệp vận tải ở Hi Lạp - phản ứng: “Thà có ít công chức hơn nhưng họ được trả lương cao, nhất là phải làm việc hiệu quả!”. Ông thật sự giận dữ bởi đã mất rất nhiều thời gian vì nạn quan liêu của giới công chức ở đây.

Dân Hi Lạp có rất nhiều câu chuyện hài hước để kể về nạn quan liêu ở nước mình: trong một phòng làm việc ở công sở, có đến 10 ông công chức ngồi chơi xơi nước và một ông chỉ làm nửa công suất. Còn đây chuyện cười mới nhất: có một phái đoàn châu Âu đến một bộ ở Athens và chẳng thấy ai ở đó. Họ bèn hỏi bảo vệ: “Chẳng ai làm việc ở đây sao?”. Ông bảo vệ đáp: “Đâu có, buổi chiều họ làm được cái việc là về nhà. Còn buổi sáng họ mới không làm việc”.

Lót tay qua các con số

Trong lĩnh vực công, lót tay xảy ra nhiều nhất ở các bệnh viện (33,5%), nhà đất (15,9%) và thuế (15,7%). Trong lĩnh vực tư, bệnh viện cũng đứng hàng đầu (15,9%), ngân hàng (10,8%) và luật sư (9%). Số tiền trung bình của các khoản hối lộ là 1.355 euro trong lĩnh vực công và 1.671 euro trong lĩnh vực tư.

“Đại binh đoàn” công chức

Hi Lạp có bao nhiêu công chức? Chẳng ai trả lời được câu hỏi dễ dàng đó! Mới đây, ông Constantinos Michalos, chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Athens, còn cam đoan: “Chẳng có ai, thậm chí cả thủ tướng, có thể nói đích xác số công chức của Hi Lạp”.

Trong số 4,9 triệu người lao động của Hi Lạp, ông Michalos cho biết: “Chúng tôi ước chừng số công chức khoảng 1,2 triệu, gồm cả số nhân viên có hợp đồng mà Liên đoàn Công chức bảo là 700.000 người, còn Bộ Tài chính nói là 800.000”.

Còn theo Bộ Nội vụ Hi Lạp, số công chức chính danh đã tăng thêm 28.000 người trong khoảng thời gian 2006-2008. Với số công chức chiếm đến 1/4 số lao động chính, Hi Lạp đang giữ kỷ lục châu Âu về tỉ lệ đó.

Nhà kinh tế Jens Bastian thuộc Hội Hi Lạp vì chính sách châu Âu và nước ngoài (Eliamep) cho biết: “Năm 2009, ở Hi Lạp có 12.000 công chức về hưu và hơn 29.000 người được nhận vào. Như vậy số nhận mới cao gấp 2,5 lần số ra đi”. Dường như cả chính phủ trung ương lẫn cấp địa phương chẳng lo lắng gì về những khoản lương bổng cần trả khi tuyển người.

Chuyên gia Bastian nói một cách mỉa mai: “Cho đến thời của chính quyền Papandreou, ngành dịch vụ công đã hoàn thành xuất sắc vai trò cơ quan tìm việc. Giới chính trị gia cũng tranh thủ trưng dụng các công chức làm việc thêm cho mình trong mỗi kỳ vận động tranh cử”.

Theo nhật báo Hi Lạp Kathimerini, chính sách lợi dụng kiểu đó từng xuất hiện trong thập niên 1980 và do Đảng Xã hội (Pasok) cùng thủ tướng thời đó là ông Andreas Papandreou khởi xướng. Tờ Kathimerini, theo tư tưởng trung hữu, giải thích: “Đảng Pasok khi đó muốn dành cho những người ngoài rìa - vốn chiếm đa số cử tri ủng hộ mình - những cơ hội để được sống như giới trung lưu”.

Giới công chức Hi Lạp đông nhưng chẳng chịu làm việc. Thật ra, họ trốn việc nhà nước để dành thời gian làm chui. Nhà nước lại thiệt đôi đường vì những khoản tiền chui kiếm được này không vào hệ thống thuế. Theo các nhà ngoại giao châu Âu tại Hi Lạp, nền kinh tế “đen” ở nước này chiếm 30-40% GDP và mức thất thu thuế lên đến 30 tỉ euro.

Cắt và cắt

Vì sao Hi Lạp chọn giải pháp cắt giảm mạnh tiền lương công chức? Vì đó chính là khoản chi tiêu công lớn nhất và cũng là yêu cầu của các quốc gia cứu trợ cho con nợ Hi Lạp. Ở Hi Lạp, lương công chức bị buộc giảm 15% và chi tiêu công giảm 10%; số công chức cũng phải giảm 15%, thời hạn là đến năm 2013.

Không những thế, những khoản chi gọi là “phúc lợi xã hội” - khoản chi tiêu công nhiều thứ hai trong ngân sách của Hi Lạp cũng bị yêu cầu cắt giảm mạnh mẽ. Lương hưu tháng 13 và 14 bị cắt, tuổi về hưu của nữ giới bị kéo dài thêm năm năm, lên 65 tuổi... Điều đó hẳn nhiên đụng chạm đến quyền lợi của rất đông người dân khiến họ phẫn nộ, xuống đường... Nhưng chính họ quên rằng những chế độ phúc lợi hậu hĩ trước đây không xuất phát từ sự thịnh vượng thực của quốc gia.

Giáo sư Giorgos Piperopoulos, Đại học Macédoine (Hi Lạp), giải thích: “Chúng ta đổ lên đầu công chức mọi tội lỗi nhưng chính chúng ta, rất nhiều thế hệ, chỉ có mỗi suy nghĩ: mong chờ đảng chính trị mà chúng ta ủng hộ lên nắm quyền để có thể đưa được con cái mình vào công chức”.

Tham nhũng và hối lộ

Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh lý do vì sao người Hi Lạp thích làm công chức đến thế: những khoản tiền hối lộ. Làm ở lĩnh vực thuế, nhà đất và bệnh viện thì tiền lót tay càng nhiều. Tổ chức Minh bạch quốc tế khẳng định tình hình hối lộ, tham nhũng tại nước này đã tệ hại đi từ năm 2009, đạt đến con số 790 triệu euro, tức nhiều hơn 50 triệu so với năm 2008.

Vì lẽ đó, ông Costas Bakouris - chủ tịch Tổ chức Minh bạch quốc tế ở Hi Lạp, mạnh dạn khẳng định: “Cuộc khủng hoảng của chúng ta phần lớn do tham nhũng”. Theo thống kê của tổ chức này, có khoảng 600.000 người Hi Lạp dính dáng chuyện tham nhũng trong lĩnh vực công và 360.000 người trong lĩnh vực tư. Một con số đáng sợ nếu biết số dân trên 18 tuổi ở Hi Lạp chỉ là 8,9 triệu.

Ngay cả giới chức ngành thuế cũng bị coi là “bọn mafia” ở Hi Lạp. Một giám đốc doanh nghiệp kể: “Ở đây, người ta mô tả chuyện trốn thuế theo công thức 4-4-2 như trong bóng đá: thanh tra thuế bỏ túi 4, bạn được 4 và nhà nước chỉ được 2”. Bà Electra - chủ nhiều cửa hàng hiệu tại thủ đô Athens - phàn nàn: “Thanh tra thuế thương lượng trực tiếp với kế toán của công ty. Tố cáo cũng chẳng ăn thua vì sếp của hắn cũng cùng một giuộc. Đành phải trả để được yên ổn làm ăn”.

Đau đớn, xấu hổ nhưng Hi Lạp không còn giải pháp nào khác. Nói như Thủ tướng Georges Papandreou là “sử dụng cuộc khủng hoảng này để quét dọn hàng thập niên tham nhũng và điều hành kém cỏi của nền hành chính công”.

VÕ TRUNG DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên