30/04/2011 07:59 GMT+7

Lốc xoáy ở Mỹ: Như một trận ném bom

HIẾU TRUNG(Theo Reuters, AFP, Washington Post, LA Times)
HIẾU TRUNG(Theo Reuters, AFP, Washington Post, LA Times)

TT - Nhà cửa chỉ còn là đống gạch vụn. Cây cối, cột điện đổ rạp, xe cộ như bị xoắn lại và nằm lăn lóc trên đường phố... Các trận lốc xoáy và bão tố đi qua, nhiều thành phố, thị trấn ở bảy bang miền nam nước Mỹ bị tàn phá giống như vừa qua một trận ném bom.

LcZNUe6U.jpgPhóng to

Khung cảnh hoang tàn ở Tuscaloosa - Ảnh: Reuters

Chính quyền Mỹ thông báo tính đến ngày 29-4, lốc xoáy và bão tố đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 310 người tại bảy bang miền nam. Chỉ riêng ở bang Alabama đã có tới 210 người thiệt mạng và hơn 1.700 người bị thương. Chính quyền các địa phương này thừa nhận số thương vong sẽ còn tăng mạnh bởi lực lượng cứu hộ vẫn đang đào bới các đống đổ nát để tìm kiếm người mất tích. “Đây là một trong những đợt lốc xoáy tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ” - ông Craig Fugate, giám đốc Cơ quan Quản lý thảm họa liên bang, nhận định.

Sức tàn phá khủng khiếp

Cư dân các bang miền nam đã được cảnh báo nguy cơ lốc xoáy trước 24 phút hôm 27-4. Tuy nhiên, các đợt lốc xoáy quá lớn, quá mạnh, di chuyển với tốc độ 112 km/giờ và đánh thẳng vào các khu vực đông dân, khác với những mùa lốc xoáy trước. “Đó là những đợt bão sấm chớp và lốc xoáy mạnh nhất từ trước đến nay” - nhà khí tượng học Greg Carbin thuộc Cơ quan Thời tiết quốc gia (NWS) cho biết.

Thiệt hại nặng do dân đông

Các nhà khoa học cho rằng một nguyên nhân khác dẫn đến việc số người chết gia tăng do lốc xoáy là do dân số miền nam nước Mỹ tăng 14,3% trong vòng 10 năm qua, dẫn đến tình trạng mật độ dân số tăng mạnh tại các vùng thường có lốc xoáy xuất hiện.

“Con quái vật” tấn công thị trấn Tuscaloosa ở bang Alabama có chu vi rộng tới 1,6km, sức gió lên đến 320km/giờ. Tại thị trấn Concord, gia đình ông Randy Guyton nhận được cú điện thoại cảnh báo vài phút trước khi vòi rồng xuất hiện và may mắn kịp chui vào một chiếc xe hơi. Họ nghe tiếng gió gầm rú và thấy từng mảng tường của ngôi nhà lần lượt rã ra. “Cả ngôi nhà sụp xuống chiếc xe hơi - ông Randy Guyton hãi hùng kể lại - Con trai tôi gào lên, và chúng tôi đã thoát chết khi ở trong xe”.

Còn ở Tuscaloosa, sinh viên Steven Niven vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể: “Tiếng lốc xoáy rít lên nghe như một cái cưa máy khổng lồ đang chạy. Thật không thể tưởng tượng nổi”. Toàn bộ thị trấn Tuscaloosa đã “biến mất khỏi bản đồ”. Khoảng 90% nhà cửa ở các thị trấn Hackleburg và Dadeville thuộc bang Alabama bị san phẳng. Thành phố Birmingham lớn nhất trong bang “trông giống như một bãi chiến trường” - một phụ nữ mô tả.

Khoảng 1 triệu người dân Alabama rơi vào cảnh mất điện. Hãng tư vấn Eqecat ước tính thiệt hại do lốc xoáy và bão tố gây ra có thể cao hơn mức 4,5 tỉ USD do đợt lốc xoáy năm 2003 gây ra ở các bang Kansas, Missouri, Arkansas và Oklahoma. Tại thị trấn nhỏ Phil Campbell ở Alabama, thị trưởng Jerry May cho biết nhiều người đã mất sạch nhà cửa, của cải. “Có lẽ một số người sẽ tự sát vì trắng tay” - ông bày tỏ lo ngại.

“Thiệt hại về nhân mạng là khủng khiếp, nhất là tại Alabama” và “sự tàn phá mang tầm thảm họa” - Tổng thống Barack Obama từ Nhà Trắng thừa nhận. Ông sẽ đến thăm các khu vực bị tàn phá ở Alabama để thúc đẩy nhanh sự hỗ trợ của liên bang.

Do biến đổi khí hậu?

Tổng cộng trong tháng 4-2011 có tới hơn 600 cơn lốc xoáy xảy ra ở Mỹ, một con số kỷ lục. Chỉ riêng ngày 27-4 đã có hơn 170 cơn lốc xoáy. Đây là tháng có nhiều lốc xoáy nhất tại Mỹ trong vòng 60 năm qua.

Chuyên gia David Imy thuộc Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia cho biết không khí lạnh, khô từ miền bắc nước Mỹ tương tác với không khí nóng, ẩm từ vịnh Mexico khiến bầu khí quyển ở miền nam nước Mỹ trở nên bất ổn. Khi sự thay đổi hướng và tốc độ gió xảy ra, dẫn tới các dòng không khí đối lưu và tạo ra bão sấm chớp có mây xoay thẳng đứng. Và các trận bão này gây ra lốc xoáy.

Giới khoa học Mỹ đang đặt câu hỏi liệu có phải hiện tượng La Nina (nước ở khu vực xích đạo trên Thái Bình Dương lạnh hơn bình thường) và biến đổi khí hậu đã khiến lốc xoáy xuất hiện nhiều với cường độ mạnh hơn ở miền nam nước Mỹ hay không. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy trong những năm có La Nina, lốc xoáy ở Mỹ xuất hiện nhiều hơn, cường độ mạnh hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa xác định được tác động của biến đổi khí hậu đối với “dịch” lốc xoáy ở miền nam nước Mỹ.

Chuyên gia Greg Carbin thuộc NWS cho biết hiện tượng Trái đất ấm dần lên tạo thêm nhiều hơi nước từ vịnh Mexico trong bầu khí quyển ở miền nam nước Mỹ, và đây là thứ “nhiên liệu” cần thiết của lốc xoáy. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm giảm hiện tượng thay đổi hướng và tốc độ gió, điều kiện cần thiết để lốc xoáy hình thành. Ông cho rằng biến đổi khí hậu không có quan hệ trực tiếp với hiện tượng vòi rồng gia tăng ở Mỹ.

Nhưng một số chuyên gia về biến đổi khí hậu có ý kiến ngược lại. “Trái đất đang nóng lên, khí thải carbon ngày càng gia tăng. Chúng liên quan trực tiếp tới sự gia tăng cường độ các cơn bão” - chuyên gia Sarene Marshall thuộc Tổ chức Bảo vệ tự nhiên khẳng định.

HIẾU TRUNG(Theo Reuters, AFP, Washington Post, LA Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên