25/02/2011 08:37 GMT+7

Người Thái nói không với Xayabury

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TT - Cuối tháng 1-2011, hộp thư của tôi đầy ắp thông tin từ bốn người bạn ở Thái Lan tường thuật qua email không khí của hội nghị tham vấn về thủy điện Xayabury tại tỉnh Chiang Khong.

6mgexuSJ.jpgPhóng to
Người dân phản đối thủy điện Xayabury ở hội nghị tham vấn được tổ chức tại Đại học Nakorn Phanom tháng 2-2011 - Ảnh: Tanasak Phrosikun

Một trong bốn người đó là Saengsawang Saehang viết: “Chúng tôi phản đối rất mạnh mẽ tại hội nghị và chúng tôi gửi đến Ủy hội sông Mekong (MRC) rất nhiều góp ý và đề nghị. Chúng tôi nói với MRC rằng hội nghị ở Thái Lan không phải là tham vấn mà đơn giản là cung cấp những thông tin rất cơ bản. Chúng tôi đề nghị MRC mời đại diện của EGAT (Tổng công ty điện lực Thái Lan) và đại diện Chính phủ Lào tham dự để trả lời câu hỏi cho những người quan tâm”.

Ngày 12-2-2011, cuộc họp cũng mang tên tham vấn về thủy điện Xayabury tại Đại học Nakorn Phanom, tỉnh Nakorn Phanom diễn ra một mạch từ 9g-15g với gần 200 người tham dự cũng bị người dân chỉ trích là thiếu thông tin và thiếu sự tham gia của những người dân địa phương sống dọc sông Mekong của tỉnh này. Họ kêu gọi một cuộc họp khác, trong đó người dân bị ảnh hưởng nếu thủy điện Xayabury được xây dựng có thể nói tiếng nói của họ.

Từ cuộc họp, Tanasak Phrosikun, một nhân viên xã hội ở Thái Lan, kể nhiều người dân đến với hội nghị và góp ý mạnh mẽ tác động môi trường của thủy điện Xayabury bởi họ đã chứng kiến và trải qua những mất mát quá lớn về môi trường ở thủy điện Pak Moon tại Thái Lan. Họ cũng chỉ trích Tập đoàn xây dựng Chor Karn Chang vì đã tham gia quá trình tư vấn, khảo sát xây dựng thủy điện Xayabury tại Lào.

Đối với người dân Thái Lan, họ có ít nhất hai lý do chính để phản đối sự có mặt của thủy điện trong nước Thái và ở các nước láng giềng. Sau nhiều năm gánh chịu hậu quả về suy thoái môi trường, thủy sản và thiệt hại xã hội khác liên quan đến thủy điện... họ không muốn nhìn thấy những tác động môi trường, sinh kế và xã hội do thủy điện gây ra ở bất kỳ nơi đâu khác cho bất kỳ dân tộc nào.

Thứ hai, họ kiên quyết phản đối việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong là để gửi thông điệp đến Trung Quốc, quốc gia đã xây dựng và cho hoạt động bốn trong tổng số 15 con đập dự kiến xây dựng. Người Thái ở miền bắc Thái Lan đã trải qua những cơn lũ đột ngột lên xuống trong đêm hay trong một vài ngày gây thiệt hại đến những hoa màu bên sông. Họ cũng đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng vào đầu năm 2010 dẫn đến việc gây áp lực đòi hỏi Trung Quốc phải công bố thông tin việc tích nước, xả nước liên quan đến các con đập ở thượng nguồn. Nếu Thái Lan ủng hộ xây đập ở Lào, họ sẽ phải “ngậm tăm” trước việc Trung Quốc xây đập thủy điện ở Vân Nam cũng trên sông Mekong.

Điện đã trở thành một thứ quyền lực mới. Nhưng điện cũng là một thứ trách nhiệm xã hội đối với cả người bán lẫn người mua, trong đó có người tiêu thụ cuối cùng là mỗi gia đình, mỗi cá nhân.

Người Thái tin nếu dùng quyền lực của người tiêu dùng để cất lên tiếng nói không đồng tình với thủy điện Xayabury, con đập khó có thể triển khai bởi 95% lượng điện sẽ được bán cho Thái Lan. Sông Mekong cần được chảy tự do để duy trì sự sống của hơn 60 triệu con người, chủ yếu là nông dân, ngư dân ở các nước nó chảy qua. Nhiều cộng đồng của Thái Lan, như những nông dân canh tác ven bờ ở tỉnh Nakorn Phanom cũng sẽ bị ảnh hưởng từ những tác động xuyên biên giới gây ra bởi đập Xayabury.

Cần điện, nhưng là điện xanh hơn, sạch hơn, ít tác động hơn cũng đã được nói đến ở những hội nghị tham vấn liên quan đến thủy điện Xayabury tại Thái Lan diễn ra gần đây.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đừng bỏ dài, trông ngắn“Án tử” cho đồng bằng sông Cửu Long?Lào nên hoãn quyết định xây dựng đập XayaburyĐập Xayabury sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt NamXayabury làm suy yếu nông nghiệp và thủy sản

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên