26/11/2010 07:31 GMT+7

Bồ Đào Nha: "con bệnh" mới của EU và IMF

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Sau khi “chẩn bệnh” và kê đơn thuốc trị giá 90 tỉ euro cho Ireland, nay EU và IMF lại sẽ tiếp tục đưa Bồ Đào Nha vào “phòng cấp cứu”.

2CCNggQo.jpgPhóng to
Người dân tỏ thái độ không hài lòng với cung cách điều hành và chính sách của chính phủ trong cuộc xuống đường hòa bình ngày 24-11-2010 - Ảnh: AFP

Cuộc thăm dò 50 nhà kinh tế thế giới trong một tháng qua của Reuters vừa có kết quả: đa số nhận định Bồ Đào Nha sẽ là nước tiếp theo cần gói cứu trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). 34/50 nhà kinh tế cho rằng chính quyền Lisbon sẽ buộc phải tìm trợ giúp từ bên ngoài, mà theo ước tính Bồ Đào Nha cần ít nhất 50 tỉ euro cứu trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, Thủ tướng Jose Socrates vẫn khẳng định chính phủ của Đảng Xã hội do ông lãnh đạo không cần ai giúp, và sẽ không yêu cầu EU hay IMF trợ cứu.

Người lao động phải trả giá!

Theo Reuters, cũng như Ireland và Hi Lạp, Bồ Đào Nha đã thông báo kế hoạch thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt nhất trong 15 năm qua để giảm tỉ lệ thâm hụt ngân sách xuống gần với mức mà EU quy định. Là nước có tỉ lệ thâm hụt ngân sách 9,3% GDP năm 2009, chính phủ hi vọng sẽ giảm xuống còn 7,3% trong năm nay và 4,6% năm tới, dần đưa về 3% vào năm 2013.

Tăng thuế giá trị gia tăng lên hai con số đến mức 23%, hạ lương công chức 5-10%, ngưng thanh toán tiền hưu trí, bãi bỏ các trợ cấp gia đình cho những người có mức lương cao hơn 600 euro, xem xét việc giảm thuế đối với các chi tiêu cho y tế, giáo dục, nhà ở... Chính sách thắt lưng buộc bụng này đã “gặm” vào sức mua của người dân ở một đất nước mà đồng lương tối thiểu đã ở mức dưới 800 euro.

Hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng này đã khiến giới công chức và tư nhân phẫn nộ. Và ngày 24-11, sau người Hi Lạp, Tây Ban Nha, nay đến lượt người Bồ Đào Nha xuống đường với một cuộc tổng đình công lớn nhất trong 27 năm qua ở Bồ Đào Nha. “Đây là cuộc đình công lớn nhất chưa từng xảy ra trước đó, nghiêm trọng nhất từ sau năm 1988” - Joao Proenca, tổng thư ký Tổ chức nghiệp đoàn DGT, nhận định trong một cuộc họp báo. 80% giao thông công cộng ngưng trệ, các cửa hàng, trường học, bệnh viện, nhà máy, kho bãi, bến cảng không có người làm việc.

Tổng nghiệp đoàn lao động Bồ Đào Nha cho biết hầu hết công nhân của hệ thống tàu điện ngầm tại Lisbon đã tham gia đình công cùng với các công nhân làm việc ở tòa thị chính các tỉnh thành như Palmela, Barreiro và Alcochete.

“Đất nước này đang áp dụng những giải pháp quá khắc nghiệt, và những người phải chịu đựng nhiều nhất chính là công nhân - vốn là những người không hề tạo ra khủng hoảng ngay từ đầu” - Rita Silva, quan chức của lực lượng đối lập cánh tả (Left Bloc, đảng lớn thứ tư trong quốc hội), nhận định.

Cùng với hàng chục thanh niên trẻ đánh trống ở trung tâm Lisbon, bà Silva nói: “Lương và lợi tức của chúng tôi sẽ bị cắt giảm. Trong khi đó, giới ngân hàng, những người có cổ phần trong các công ty lớn sẽ vẫn tiếp tục sống khỏe”. “Chính người lao động đang phải trả giá cho cuộc khủng hoảng chứ chẳng phải ngân hàng hay cổ đông của những công ty lớn” - Leandro Martins, người nghỉ hưu 65 tuổi, nói.

Tháng 9-2010, chính phủ thông báo sẽ tiếp tục tăng thuế VAT từ 21% lên 23% năm tới, cùng với cắt giảm 5% lương. “Người dân vô cùng phẫn nộ vì sự bất công đó” - Manuel Carvalho da Silva, thủ lĩnh một nghiệp đoàn, cho biết.

Cuộc xuống đường diễn ra trong hòa bình, mà như Jose Marques, một công nhân lái tàu điện ngầm ở Lisbon, giải thích: “Chúng tôi không gây rối gì cả. Mọi người đều hiểu rõ đây không phải là đình công đề đòi tăng lương, mà là để bảo vệ những quyền lợi cho mọi người, những trợ cấp gia đình...”. Bộ trưởng Lao động Helena Andre cũng thừa nhận cuộc tuần hành thể hiện hành xử có trách nhiệm của người dân Bồ Đào Nha.

Nguy cơ tan vỡ khối đồng euro là “rất thật”!

Trong khi dư luận vẫn đang hồi hộp theo dõi số phận như đèn treo trước gió của Bồ Đào Nha thì số phận của đồng euro tiếp tục rơi vào khủng hoảng sâu hơn nữa, khi các nhà đầu tư bán lượng kỷ lục trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Bỉ do lo ngại các nước này sẽ sớm theo chân Hi Lạp và Ireland. Niềm tin về đồng tiền chung cho khu vực châu Âu tiếp tục sụt giảm.

Theo Global and Mail, các nhà phân tích cho rằng “có dấu hiệu căng thẳng rõ ràng” ở hệ thống tài chính châu Âu, các ngân hàng buộc phải đến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) để xin “thuốc”. Đến nay, ECB đã cho vay khoảng 531 tỉ euro cho các định chế tài chính của châu Âu với tỉ lệ lãi suất siêu rẻ, giống như “máy trợ thở” cho hệ thống mà chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet nhận xét “không phải là cách làm có thể duy trì lâu dài”.

Ivan Miklos, bộ trưởng tài chính của Slovakia, nước mới gia nhập đồng euro năm 2009, đặt câu hỏi về sự tồn tại lâu dài của đồng euro. Ông nói: “Nguy cơ tan vỡ khối euro là rất thật”. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng từng lo ngại cho “vị trí đặc biệt nghiêm trọng” của đồng euro khi nhận định: “Nếu euro thất bại, châu Âu thất bại”.

Tuy nhiên, hiện Tây Ban Nha mới là thách thức lớn nhất cho tương lai của đồng euro. Cho đến nay khoản cứu trợ tài chính 110 tỉ euro và 90 tỉ euro cho Hi Lạp và Ireland là tương đối đủ để đáp ứng yêu cầu của hai nước này trong 2-3 năm tới. Nhưng, các nhà phân tích thuộc Cơ quan nghiên cứu độc lập về kinh tế vĩ mô Capital Economics, lại cho rằng sẽ cần tới một khoản cứu trợ khổng lồ lên đến 420 tỉ euro để cấp cứu “con bệnh” Tây Ban Nha.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên