16/11/2010 08:30 GMT+7

"Tổng tư lệnh bán hàng" Obama

AFP ghi nhận
AFP ghi nhận

TT - Báo Wall Street Journal mô tả trong chuyến công du 10 ngày đến châu Á, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đóng vai trò mới: “tổng tư lệnh bán hàng” cho giới doanh nghiệp Mỹ.

frONd67o.jpgPhóng to
Ông Obama khi đến thăm tượng Phật ở Kamakura, Nhật bên lề Hội nghị APEC Ảnh: Reuters

"Sau một thập niên đương đầu với những cuộc chiến tranh kiệt quệ ở nước ngoài, với những nợ nần chồng chất đến mức gây tê liệt và sự tăng trưởng èo uột, Mỹ không còn là một siêu cường như trước đây nữa"

"Obama đã lết bết giò cẳng trong suốt hội nghị G-20"

"Tại châu Á, sự tỏa sáng của Obama đang giảm xuống"

Sau hai năm đầy căng thẳng giữa Nhà Trắng và các tập đoàn Mỹ, giờ đây ông Obama bắt đầu phát biểu bằng ngôn ngữ của một người theo... “đạo kinh doanh”.

Tại mọi điểm dừng ở châu Á, ông luôn thúc giục các nước mua hàng hóa Mỹ và khẳng định việc châu Á mở cửa thị trường sẽ tạo ra hàng triệu việc làm ở Mỹ. Nhà Trắng đang đặt cược vào xuất khẩu Mỹ để phục hồi thị trường việc làm, đồng thời thừa nhận căng thẳng với giới kinh doanh đã góp phần vào thất bại của Đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử quốc hội vừa qua.

“Ông Obama đang chìa cành ôliu cho cộng đồng kinh doanh để chứng tỏ họ là trung tâm của bất kỳ kế hoạch phục hồi kinh tế nào của ông” - Wall Street Journal dẫn lời bà Johanna Schneider, giám đốc điều hành Tổ chức Business Roundtable (Bàn tròn doanh nghiệp), với thành viên là lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất nước Mỹ.

Trước đó, giới doanh nghiệp Mỹ thường chỉ trích ông Obama đã áp dụng quá nhiều quy định hạn chế kinh doanh và không tập trung vào các biện pháp tạo việc làm, cũng như thái độ “đối đầu” của ông đối với các tập đoàn Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định vẫn phải chờ xem quan điểm mới của ông Obama có đi vào thực tế hay không, nếu xét đến kết quả chưa được như ý qua chuyến công du châu Á của ông.

Thời khắc đáng hài lòng nhất đối với ông Obama là ba ngày ở Ấn Độ, khi ông công bố hàng loạt thỏa thuận thương mại trị giá 10 tỉ USD và tuyên bố ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Chuyến đi Indonesia cũng là một thành công đáng kể. Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã mô tả đầy hào hứng: “Khi các nhà sử học sau này đề cập đến chuyến thăm Ấn Độ và Indonesia, (...) đó sẽ là những khoảnh khắc quan trọng, một trong những thời khắc quyết định trong quan hệ giữa các nước”.

Nhưng ở Hàn Quốc, ông Obama đã không thể đạt được một hiệp định thương mại song phương với Seoul do hai bên còn tranh cãi về mức thuế mà Mỹ áp đặt đối với ôtô Hàn Quốc và các rào cản phi thuế quan mà Seoul dựng lên đối với hàng hóa Mỹ.

Ở Hội nghị G-20 tại Seoul, thay vì đứng cạnh Mỹ chống lại vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, một số nước đã liên minh lại phản đối quan điểm của Washington, mà như báo Le Figaro bình luận: ”Ở G-20, Mỹ đã bị cô lập”.

Các nước đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bơm 600 tỉ USD vào nền kinh tế là “xuất khẩu lạm phát” sang châu Á. Còn chuyến đi Nhật không đem lại kết quả cụ thể gì về phương diện thương mại cho Mỹ.

Và ông Obama lại không có nhiều thời gian sau khi đã về nước. Tháng 2-2011, khi công bố ngân sách mới, ông Obama sẽ phải quyết định liệu có đối đầu với giới doanh nghiệp về chính sách giảm thuế đối với nguồn thu từ nước ngoài hay không.

Trước đây, ông Obama cho rằng chính sách này đẩy việc làm của Mỹ ra nước ngoài, nhưng giới doanh nghiệp khẳng định nó giúp các công ty Mỹ duy trì sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đối diện với ông Obama sẽ lại là một quốc hội mới đầy những gương mặt không thân thiện từ Đảng Cộng hòa.

Xét về phương diện ngoại giao, ông Obama đã đạt mục đích là chứng tỏ với châu Á rằng khu vực này đang trở thành khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ với những thị trường năng động cùng những trung tâm ảnh hưởng khác nhau đang được sắp xếp lại nhanh chóng.

Qua các chặng đường, từ Ấn Độ, Indonesia đến Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Obama đã vẽ lên khá rõ những đường nét của một liên minh nhằm kìm giữ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Tom Donilon mô tả: “Mỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ các mục tiêu quan trọng và lợi ích chiến lược tại châu Á”.

Hai năm còn lại của nhiệm kỳ đầu tiên sẽ là những tháng ngày rất căng thẳng đối với ông Obama.

AFP ghi nhận
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên