09/10/2010 07:17 GMT+7

IMF cảnh báo về chiến tranh tiền tệ

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho rằng cuộc chiến tiền tệ mà một số nước đang phát động sẽ “không tốt cho nền kinh tế toàn cầu”, và các nước ngày càng tỏ ra miễn cưỡng hợp tác với nhau để cùng vực dậy nền kinh tế. “Không có giải pháp cục bộ nào khả thi nếu muốn giải quyết vấn đề toàn cầu” - ông nhấn mạnh.

sM1E8n4H.jpgPhóng to
Giám đốc IMF Strauss-Kahn (trái) và Chủ tịch WB Robert Zoellick tại cuộc họp thường niên ở Washington - Ảnh: Reuters

Đồng USD hiện ở mức giá thấp nhất trong tám tháng qua so với đồng euro, và căng thẳng tỉ giá giữa Mỹ và Trung Quốc đang là chủ đề nóng trong bối cảnh lãnh đạo của cả IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cảnh cáo một cuộc chiến tiền tệ có thể làm mất ổn định các thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư phỏng đoán Mỹ sẽ bơm thêm hàng tỉ USD vào nền kinh tế, và điều này làm giảm giá trị đồng USD so với giá của euro.

Giá đồng USD giảm có thể ảnh hưởng tới những người tiêu dùng, nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Hàng xuất từ Mỹ cũng sẽ rẻ hơn với túi tiền của dân châu Âu. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ (NDT) bị định giá thấp đang làm suy yếu hàng xuất từ Mỹ và khiến hàng Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng Mỹ. Sự mất cân bằng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế Mỹ và đe dọa các ngành sản xuất của Mỹ vào thời điểm nước này có tỉ lệ thất nghiệp 9,6%, trong khi kinh tế của Trung Quốc lại đang tăng trưởng mạnh.

Phát biểu với các phóng viên tại hội nghị cấp cao từ ngày 8-10 ở Washington của IMF và WB, ông Dominique Strauss-Kahn nhắc lại việc đồng NDT của Trung Quốc bị “định giá thấp đáng kể” và bày tỏ lo ngại về khả năng các nước đã bắt đầu sử dụng tiền tệ như “một thứ vũ khí”.

Theo ông, sự chuyển dịch dòng vốn và tăng trưởng về phía Trung Quốc và các thị trường mới nổi đang phát triển nhanh có nghĩa là đồng tiền của họ sẽ tăng giá một cách tự nhiên, còn nếu đi ngược lại xu hướng này sẽ không mang lại tác dụng gì xét về trung hạn. Ông cho rằng các nước mới nổi muốn có tiếng nói nhiều hơn trong các vấn đề kinh tế thế giới cần phải thực hiện bổn phận của mình nhằm đạt được những giải pháp chung.

Sau khi Trung Quốc tuyên bố xem xét lại chính sách tỉ giá, đồng NDT chỉ tăng khoảng 2% so với đồng USD trong những tháng qua. Một số nhà phân tích cho rằng để bằng với giá trị thực trên thị trường, đồng nội tệ của Trung Quốc phải tăng giá từ 25-40%. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner thúc giục IMF đóng vai trò tích cực hơn để giải quyết tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về tỉ giá.

Chủ tịch WB Robert Zoellick cũng cảnh báo cuộc chiến tiền tệ có thể khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào đúng thời điểm thế giới cần đến khu vực kinh tế tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng. “Nếu có lúc nào đó chúng ta không nên quay lưng với sự hợp tác quốc tế, thì chính là lúc này đây” - ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nhà kinh tế nhìn nhận không hi vọng sẽ có được những đột phá sau cuộc họp ba ngày vào cuối tuần ở Washington, vì các nước đang bị áp lực lớn trong việc tạo công ăn việc làm bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu. Và một trong những cách này là hạ giá đồng tiền của mình. Trung Quốc không phải là nước duy nhất muốn có lợi thế cạnh tranh theo cách này. Mỹ cũng đang làm đồng USD yếu hơn bằng cách ép Trung Quốc tăng giá đồng NDT và tung USD ào ạt ra thị trường.

Nhật cũng “tham chiến” từ ngày 15-9 khi bán đồng yen và mua USD để giá đồng yen thấp hơn. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách tương tự như Mỹ. Brazil và Hàn Quốc cũng vừa có các động thái hạ giá đồng tiền nước mình để bảo vệ hàng xuất khẩu.

“Kinh tế toàn cầu đang rất vật vã sau cơn suy thoái sâu. Nước nào cũng muốn tăng trưởng bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu - Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế tại ĐH Kinh doanh thuộc ĐH bang California, nhận định - Tôi cho rằng chúng ta sẽ còn thấy nhiều căng thẳng về tiền tệ và thương mại hơn nữa trong tương lai”.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên