16/08/2010 08:11 GMT+7

Vì sao Mỹ - Trung gần đây căng thẳng?

H.MINH - N.T.ĐA
H.MINH - N.T.ĐA

TT - Mỹ và Hàn Quốc lại tập trận chung lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng vào ngày hôm nay 16-8. Reuters cho biết cuộc tập trận này có thể khiến CHDCND Triều Tiên nổi giận và gây ra những lo lắng từ phía Trung Quốc.

rEc49RgR.jpgPhóng to
Lính hải quân Hàn Quốc quan sát hoạt động diễn tập từ tàu Dokdo - Ảnh: Reuters

Cuộc tập trận chung này diễn ra chỉ một tuần sau khi Hàn Quốc vừa hoàn tất cuộc tập trận riêng ở gần vùng biển tranh chấp ngoài khơi phía tây bán đảo Triều Tiên, dẫn tới việc CHDCND Triều Tiên trả đũa bằng việc bắn đạn pháo cũng trong vùng biển đó.

Sau cuộc tập trận vào tháng 7 và trước cuộc tập trận này, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn cả trên biển và trên không. Một bài bình luận trên tờ nhật báo của Quân giải phóng Trung Quốc ngày 15-8 nhấn mạnh: “Một quân đội không có tư duy toàn cầu là một quân đội không có hi vọng”.

Trả lời báo Le Monde mới đây (10-8) về tình hình căng thẳng gia tăng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc qua việc Trung Quốc biểu lộ thái độ không hài lòng, thậm chí giận dữ trước những động thái phô diễn sức mạnh của Mỹ sau vụ chìm tàu Cheonan và trên biển Đông, bà Valérie Niquet, giám đốc Trung tâm châu Á thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế, cho rằng “việc Mỹ tái can dự vào châu Á đang đi ngược với ý muốn của Trung Quốc”.

Bà phân tích: “Khi Tổng thống Obama lên nắm quyền và tiếp theo đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng Hillary Clinton hồi tháng 2-2009, Bắc Kinh tin là có thể nhận ra một dấu hiệu suy yếu của Mỹ. Với tầm nhìn về quan hệ quốc tế chủ yếu dựa trên sự phân tích các tương quan sức mạnh, Trung Quốc cho rằng mọi ý muốn “hòa dịu” về phía “đối phương” được xem như một sự thụt lùi hoặc một cơ hội cần phải nắm lấy.

Bởi vậy, ý muốn tái can dự của Mỹ tại châu Á, được khẳng định mạnh mẽ qua tuyến bố của bà Hillary Clinton mới đây tại Hội nghị cấp cao ASEAN đã gây thất vọng cho Bắc Kinh. Trái với sự chờ đợi của Trung Quốc, Mỹ không chỉ có mặt trong khu vực mà còn nhận được sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á nói chung, vốn đang lo ngại về tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Việc Mỹ trở lại khu vực gây khó khăn nhiều hơn cho việc Trung Quốc áp đặt nguyên tắc “châu Á dành cho người châu Á”, đứng đầu là Trung Quốc.

Nếu như các nước Đông Nam Á đều muốn có lợi từ các cơ hội kinh tế mà Trung Quốc đưa ra và tìm kiếm sự ổn định như là mục tiêu hàng đầu, thì họ lại không sẵn sàng đón nhận sự lãnh đạo của Trung Quốc trong khu vực, điều này ngược với sự mong đợi của các nhà chiến lược Trung Quốc.

Về thương mại, việc thực hiện hiệp định mậu dịch tự do giữa khối ASEAN và Trung Quốc từ năm 2010 đã gây ra những lo lắng mới, nhất là tại Indonesia. Việc gia tăng các vụ việc liên quan đến “các tàu đánh cá” Trung Quốc tại biển Đông cho đến lãnh hải của Indonesia lại đang gây lo ngại”.

Về diễn tiến của cuộc xung đột Mỹ - Trung, bà Valérie Niquet nhấn mạnh: Trung Quốc có đặc điểm là thực dụng nên sự phản ứng của Mỹ, với thực lực hiện còn mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế, có thể đã có tác động tích cực là buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải tính toán lại một cách thực tế hơn về tương quan lực lượng và chọn một chiến lược ít gây khủng hoảng hơn.

H.MINH - N.T.ĐA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên