15/07/2010 08:14 GMT+7

Thái Bình Dương là sân sau của ai?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Càng gần đến cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc trên Hoàng Hải vào khoảng giữa tháng này, Global Times, một phụ bản của Nhân Dân Nhật Báo, cứ liên tiếp phát đi những cảnh cáo và nhắn nhủ qua các xã luận của mình.

Global Times ngày 12-7 đại ý viết: Mỹ và Hàn Quốc có thể lập luận rằng cuộc tập trận không nằm trong lãnh hải Trung Quốc nên Trung Quốc không có quyền phê phán. Thế nhưng, cho dù không trong lãnh hải Trung Quốc thì cũng vẫn nằm trong vùng biển thuộc lợi ích của Trung Quốc, gần sát khu vực độc quyền kinh tế của Trung Quốc, vốn là tối quan trọng đối với lợi ích của Trung Quốc.

Do đó, Trung Quốc sẽ không “xuôi tay” khi cuộc tập trận diễn ra, vì như thế sẽ khiến Mỹ ngỡ rằng hải quân Mỹ có thể cứ khơi khơi lượn lờ từ Hoàng Hải đến biển Đông Trung Hoa và biển Hoa Nam (tức biển Đông của VN, chú thích của Tuổi Trẻ). Chính vì thế, máy bay và tàu chiến Trung Quốc sẽ theo sát cuộc tập trận này.

Và điều đó dễ dẫn đến trường hợp các phi công, hạm trưởng “hiểu lầm” các động thái của nhau mà bấm nút kích hoạt những phản ứng không ngờ. Tốt hơn Mỹ nên nhìn vào thực tế là nay nhờ tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc dứt khoát mở rộng phòng thủ ra biển xa.

Global Times cảnh cáo: “Trung Quốc không thể cứ im lặng khi tàu chiến Mỹ bước vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc... Chớ tiến tới một xung đột có thể xảy ra trên Hoàng Hải”.

Có thể hiểu nôm na: trước đây anh là “siêu cường hải quân”, nay tới lượt tôi là ”cường quốc đang nổi lên”. Trước kia anh tự tung tự tác, giờ thì thôi đi, nay tới lượt tôi. Cảnh cáo này là tiếp nối của Global Times ngày 9-6: ”Hoàng Hải không có chỗ cho tàu sân bay Mỹ”.

Tạm im. Đến cuối tuần qua, khi Mỹ loan báo tàu sân bay George Washington sẽ từ Nhật Bản đến Hoàng Hải, Global Times ngày 8-7 lại “mở loa”. Lần này, cảnh cáo gửi đến Mỹ thì “trống không”, còn cảnh cáo gửi đến Hàn Quốc lại nêu đích danh Tổng thống Lee Myung Bak: ”Hàn Quốc có thể tự mình biến thành nạn nhân. Không rõ họ Lee có nghĩ xem Trung Quốc phản ứng ra sao khi loan báo sẽ tập trận với Mỹ? Liệu ông ta có tiên đoán được phản ứng của Trung Quốc? Hàn Quốc nên nghĩ lại việc tập trận này”.

Nói chung, các cảnh cáo về cuộc tập trận của hải quân Mỹ - Hàn tuôn ra ngay sau cuộc tập trận của Trung Quốc trên vùng biển Đông Trung Hoa, hướng về phía Nhật Bản, mà Mỹ cùng Hàn Quốc và Nhật Bản đều nín thinh không “la làng”.

Bất ngờ đến ngày 13-7, Global Times tỏ ra sát thực tế hơn tuy vẫn còn đe: “Trung Quốc có thể không có sức mạnh quân sự để ngăn chặn cuộc tập trận vào lúc này, song trong tương lai sẽ có thể đáp trả các hành động khiêu khích đó”. Phải chăng thực tế này đã buộc Global Times bắt đầu “đấu dịu”?

“Trâu bò húc nhau (ruồi muỗi chịu)” là điều không ai muốn dây vào. Vấn đề là khi trách kẻ khác đừng xem Thái Bình Dương là “sân sau” khi khăng khăng cho rằng vùng độc quyền kinh tế của mình là tối quan trọng, nhất mực không chịu được việc tàu sân bay hạt nhân của thiên hạ diễu võ ngoài khơi thì chớ quên rằng các nước cũng thế. Thái Bình Dương chỉ thái bình khi chẳng là sân sau của ai.

Mặt khác, khi có những vùng độc quyền kinh tế chồng lấn nhau thì không thể làm càn. Đã có luật biển cùng những gì đã ký kết, như với ASEAN về ứng xử trên biển Đông. “Bình thiên hạ” bắt đầu bằng tu thân. Mà tu thân bắt đầu bằng ”Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì ta không thích thì chớ làm cho người).

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên