14/10/2012 05:46 GMT+7

"Ông bánh bò trước cổng trường"

HẢI THI
HẢI THI

TT - Đó là cách mọi người ở phường Bình Thọ (Q.Thủ Đức, TP.HCM) gọi ông Nguyễn Văn Đạo bởi hai mươi mấy năm nay, cổng trường nào trong khu vực phường - từ mầm non, tiểu học đến trung học, đại học - cũng nhẵn dấu chân ông đứng.

85NwTGLB.jpgPhóng to
“Ông bánh bò” Nguyễn Văn Đạo - Ảnh: Hải Thi

Nhỏ thó trong chiếc áo sơmi sờn mỏng, dưới manh nón ngà ngà màu cháo lòng, “ông bánh bò” 76 tuổi này đã in dấu vào tâm thức hàng trăm học sinh Thủ Đức bằng hình ảnh cần mẫn quen thuộc bên xe bánh bò cọc cạch, bằng cả tiếng còi bíp bíp vui tai phát ra từ món đồ chơi con nít ngồ ngộ trong bàn tay thô ráp của ông.

Những miếng bánh bò xốp xộp đậm mùi bột gạo là thành quả cả ngày đêm của đôi vợ chồng già. Xay gạo, nhồi bột, vào khuôn bánh từ tối hôm trước, 3g sáng hai ông bà đã lọ mọ thức dậy hấp bánh để kịp 6g chất vào chiếc thùng quây nilông để ông lọc cọc chở đi bán. Những năm 1990-1991, mua lại được chiếc xe đạp cũ kỹ với giá bấy giờ chỉ 20.000 đồng, ông mừng húm, bởi nhờ nó ông có thể đạp xa hơn, bán được nhiều bánh hơn, hi vọng cho con cái đến trường học xong con chữ cũng theo những vòng bánh xe mà sáng lên đôi chút.

Ngần ấy năm bán bánh bò, ông chưa bao giờ ngồi và luôn chọn chỗ nắng mà đứng. “Tui không dám núp bóng cây, sợ người ta không thấy” - ông móm mém nói. Sự cần mẫn, siêng năng in màu nắng cháy sậm xì lên hai cánh tay nhăn nheo, lên cả hai cổ chân xanh chằng chịt tĩnh mạch của ông. “Mấy chú công an phường chạy qua chạy lại thấy tui đứng hoài thì thương, bảo tui kiếm cái ghế xúp mà ngồi chứ đứng cả ngày bệnh chết” - ông kể.

Bác sĩ bảo ông bị giãn tĩnh mạch nặng do đứng quá nhiều, khi trái gió trở trời nó lại đau nhức hành ông. Vậy mà mưa gió cỡ gì, ai nổi hứng muốn ăn bánh bò cũng có. Y boong 10g35 trước cổng THPT Thủ Đức, 11g10 trước cổng THPT Nguyễn Hữu Huân, học sinh lại thấy ông mặc áo mưa đứng chờ, tay bóp còi bíp bíp, miệng rao từng tiếng “bánh bò!”, dù âm thanh đó lọt thỏm trong tiếng gió ầm ào, tiếng kèn xe phụ huynh bấm inh ỏi gọi con...

Ở cái tuổi gần đất xa trời với đủ thứ bệnh người nghèo, bệnh người già phải chống chọi hằng giờ, ông vẫn đều đặn kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày từ những chiếc bánh bò mịn thơm, đủ để hai vợ chồng già ăn uống tằn tiện, phụ con nuôi cháu. Có dư chút đỉnh, ông đổ vào thuốc men mong xoa dịu bớt những cơn đau mãn tính.

“Chắc tui bán bánh bò đến khi nào chết thì thôi à. Mình nghèo thì phải làm chớ không có cách nào khác hết. Cả đời tui khổ cực dữ lắm, chỉ lo được cho mấy đứa con học đến lớp 7, lớp 8 là hết sức rồi. Mong mấy đứa cháu sau này học hành đến nơi đến chốn hơn ông bà, cha mẹ nó...” - ông nói, mắt nheo nheo trầm tư. Hi vọng vào viễn cảnh sống no đủ của đàn cháu giúp “ông bánh bò” vẫn hằng ngày loanh quanh len lỏi từng ngả đường P.Bình Thọ, lụ khụ nhưng bền bỉ như chiếc xe Chaly cũ - bạn đồng hành mới của ông.

“Bánh bò!” - vẫn tiếng rao gọn, trong và ám ảnh như tiếng tắc kè trên gác mái. Năm năm sau ngày rời ghế trường cấp III và những chiếc bánh bò lót dạ mỗi chiều trước giờ học thêm, tôi trở về tìm ông, nghe nguyên vẹn âm thanh ấy, chỉ hình ảnh là thay đổi. Ông già hơn nhiều, yếu hơn nhiều, duy nụ cười vẫn ngọt lịm như bánh bò.

Giữa những dãy biệt thự kiêu kỳ, những cung đường cà phê, quán nhậu, shop thời trang nhạc xập xình của khu vực sầm uất nhất Thủ Đức, “ông bánh bò” không lạc lõng mà như một mảnh ghép không thể thiếu trong ký ức từng cư dân nơi đây.

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên