11/02/2010 09:40 GMT+7

Chuyện tình Thủy Na - A Sàng

MY LĂNG
MY LĂNG

TTXuân - Mối tình xúc động giữa cô giáo người Kinh và anh cán bộ Đoàn người Mông ở vùng đất quanh năm mù sương.

M6ZN3uTu.jpgPhóng to
Thủy Na - A Sàng - Ảnh: My Lăng

Ngồi trong căn nhà khang trang trên cheo leo sườn đồi ở thị trấn Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), cô giáo Trường tiểu học Mồ Dề Phạm Thủy Na lôi ra một chồng thư, có bức còn mới có bức đã ngả màu. Đó là những kỷ vật tình yêu của vợ chồng chị.

Thủy Na bảo: “Lá thư đầu tiên anh viết khi đi học ở Hà Nội, Na cứ buồn cười mãi câu: Anh nhớ em ngao ngao cả lòng”. Rồi Thủy Na quay qua A Sàng - “ông” chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải, chọc anh: “Đồng chí nhà mình hồi đầu mới về còn nói hơi sai lỗi chính tả đấy nhé!”. A Sàng cười, “kể tội” vợ bằng giọng thật hiền: “Thế vợ mình không nhớ lần về nhà anh sau khi cưới, vợ quét nhà xong liền lấy cái mẹt cho rác vào đấy à? Cả nhà anh trố mắt nhìn. Anh kéo vợ ra giải thích: cái mẹt này nhà mình dùng làm mâm cơm và làm bàn cúng ông bà. Lúc đó vợ mình mới ngớ người ra, bẽn lẽn cười”.

“Cô giáo mệt quá, khóc nhè à?”

Anh tỏ tình như thế nào ạ?”, nghe hỏi Thủy Na cười hì hì, còn A Sàng thì... mỉm cười quay mặt đi. Chị bảo: “Ngố lắm! Anh chưa bao giờ nói anh yêu em mà chỉ có lần duy nhất ướm hỏi mình: Không biết người Kinh có thích lấy người Mông không nhỉ? Chưa bao giờ thấy ai tỏ tình ngố như thế. Vậy mà lại làm mình thương quá đi...”.

Nhà Na ở Nghĩa Lộ, cách Mù Cang Chải 100km. Lúc về đây hơn 90% bà con không biết tiếng Kinh. Một lần cuối tuần, Na xuống trung tâm huyện Mù Cang Chải thăm người bạn gái, tình cờ gặp Sùng A Sàng, chàng cán bộ Huyện đoàn người Mông nói tiếng Kinh rất tốt do học Trường Dân tộc nội trú từ nhỏ.

Trường tiểu học Mồ Dề của Na cách trung tâm huyện 50 phút đi bộ. Cứ cách tháng Thủy Na phải xuống huyện mua gạo một lần. Sau một trận sốt rét mới ốm dậy, Na ráng “bò” xuống trung tâm huyện cõng 15kg gạo lên. Lúc trèo lên ngược dốc, mệt quá, Thủy Na tủi thân ngồi khóc. Một bàn tay ấm áp đặt lên vai cô. Thủy Na giật mình nhìn lại rồi reo lên: “A! Anh Sàng. Anh đi đâu mà lại ở đây?”. Anh cười, thật thà bảo: “Biết cô giáo hôm nay xuống chợ mua gạo, mình đợi ở đây”. Rồi anh đùa: “Cô giáo mệt quá khóc nhè à?”. Và anh cúi xuống xốc balô gạo lên vai.

Sùng A Sàng đậm người, chất phác, hiền lành và hơi nhát. Anh có đôi mắt thông minh, sáng và rất tình cảm. Thủy Na lẳng lặng đi sau anh, lòng dậy lên sự thân thương lạ kỳ. Anh bước đi thoăn thoắt, kể chuyện về quê hương Chế Tạo của anh. Đường về quê anh có con dốc đỏ xuyên qua những cánh rừng trùng điệp, đi bộ hai ngày mới tới. Anh là con thứ năm trong một gia đình có đến 12 người con.

Từ đó, cứ chiều cuối tuần anh lại lên thăm cô một lần. Họ yêu nhau từ những lần anh đưa Thủy Na vào bản để cô tìm hiểu thêm phong tục tập quán của người Mông, vận động, thuyết phục dân làng cho con đi học. Đó là một quá trình còn gian nan hơn cả những chặng đường khúc khuỷu họ vượt qua. Thấy cán bộ và cô giáo đến, họ mở cửa sau cho con chạy mất! Có người giấu con trong bồ lúa. Dân làng bảo: họ không cần cái chữ. Cái chữ có đẻ ra gạo mà ăn không? Anh nhẹ nhàng thuyết phục: “Cháu cũng là người Mông mình đấy. Mình muốn vượt khổ, muốn có nhiều gạo ăn thì phải đi học...”. Nhờ có anh, học trò của Na đông dần lên.

Người Kinh có thích lấy người Mông không?”

Có lần Sàng lên thăm, thấy Thủy Na đang nằm trên giường, mặt xanh rớt. Cô ăn máo của (bột ngô xay) suốt mười ngày trời, bị tào tháo rượt. Sàng thương quá, đi bộ ra các bản lân cận xin cho được nhúm gạo nấu cháo cho Na ăn. Anh lẳng lặng lôi quần áo Na ra giặt. Thủy Na cảm động rơm rớm nước mắt.

cRNctO4O.jpgPhóng to
Ảnh ngày cưới của Thủy Na - A Sàng

Một lần, anh đưa Thủy Na từ dưới huyện lên trường. Hơn 20g, trời mưa. Khi đó đường lên trường chỉ rộng chừng 30 phân, lồi lõm, cheo leo khúc khuỷu. Oạch! Thủy Na trượt chân té sượt xuống sườn núi. Sàng nắm tay kéo cô lên. Vừa lên khỏi vách núi, Sàng sực nhớ ra, vội vàng buông tay Na ra ngay. Rồi anh lầm lũi đi trong bóng tối, không dám nói tiếng nào với Thủy Na vì... xấu hổ đã lỡ nắm tay con gái!

Một lần khác, Na tiễn anh ra cổng trường. Anh bất ngờ nắm lấy tay Na, hôn thật nhanh lên má Na rồi... bỏ chạy!

Anh giấu bố mẹ chuyện mình yêu cô gái người Kinh. Cuối cùng nhà cũng biết. Mẹ anh không đồng ý. Bà bảo con trâu con bò không thể ngủ chung một chuồng. Con gái người Kinh không khỏe như con gái Mông, không giỏi lao động bằng.

Hơn hai năm sau, biết không thể thay đổi ý định của con trai, gia đình anh xuôi xuôi. Sàng đưa Na về ra mắt. Họ nắm cơm mang theo, vượt qua 55km đường rừng, vách đá cheo leo, chim kêu ríu rít, suối róc rách chảy. Sàng lấy giun làm mồi câu cá trê đá dưới khe suối nướng ăn dọc đường. Ngày đầu tiên, họ ngủ lại ở một cái lều chăn dê bỏ hoang. Tối mịt ngày thứ hai họ mới đến nơi.

Đó là một ngôi nhà xơ xác, le lói ánh đèn dầu, trơ trọi giữa núi đồi. Chỉ có bố anh ở nhà. Mẹ và các chị vẫn còn trên nương. Nhà hết sạch gạo, cả bột ngô xay cũng không còn. Chỉ có nồi rau cải Mông luộc. Đói quá, Thủy Na ăn sạch. Hơn 19g mẹ anh về. Bà bảo Na lấy hạt kê Mông đi cách nhà 15 phút xay làm bánh. Hai người đốt đuốc làm từ cây thông đi mò mẫm.

Sáng hôm sau, Na theo mẹ anh lên rừng lấy củi tới chiều. Thủy Na cũng trèo đèo, lội suối lên nương. Cô gái người Kinh lấy củi giỏi đến mức hai “mẹ con” cõng củi mệt nghỉ. Rồi Thủy Na cùng gia đình anh đi làm nương, xới đất, gieo hạt. Đến nương đã 9g nhưng sương mù vẫn dày đặc. Quần áo Na ướt nhèm nhẹp. Anh nhìn Na run rẩy mà thương quá. “Mẹ chồng” đi kiếm củi đốt lửa cho cô đỡ cóng tay. Củi ướt quá không cháy nổi. Thế là Na phải lao vào xới đất, cử động chân tay nhiều để người nóng lên.

Qua 10 ngày “thử thách”, cô gái người Kinh đã chinh phục được nhà chồng bằng sự chân thành của mình.

Mày mà lấy nó, tao từ mặt ngay!”

Sàng không dám về ra mắt nhà người yêu. Anh bảo: “Mình nghèo quá, không có tiền về xe, cũng không có quà nên ngại không dám về”.

Bố mẹ Thủy Na biết chuyện quyết liệt phản đối, nhất là bố cô. Mẹ cô thì khóc suốt.

Trong nhà chỉ có anh cả đi bộ đội là hiểu chuyện, nói vào: “Người nào cũng là người Việt mình thôi bố ạ. Cái Na lấy người Kinh mà không yêu thương thì cũng vẫn khổ cả đời...”.

Rồi anh được cử đi học trường Đoàn hai năm ở Hà Nội. Đến tết họ mới gặp nhau một lần. Bao thương nhớ, Sàng gửi hết vào những lá thư từ thủ đô trèo đèo vượt núi đến vùng đất quanh năm mù sương. Hai năm sau, gia đình cô vẫn ngăn cản. Bố cô tuyên bố: “Mày mà lấy nó tao từ mặt ngay!”. Biết khó thuyết phục bố mẹ, cô và anh quyết định tự tổ chức đám cưới. Họ liều mượn tiền cơ quan, mỗi người mượn 600.000 đồng làm 12 mâm (ba năm sau họ mới trả hết tiền nợ).

Chủ hôn là cựu chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Mù Cang Chải. Ngày cưới bố mẹ anh ra đủ. Bên nhà Thủy Na chỉ có bố cô. Chú rể và cô dâu đi dép lê, mặc áo trắng, quần tuypxi. Hoa cưới là bó hoa... giả bằng giấy. Quà cưới là hai bình thủy, mấy chậu nhựa, vài ba cái nồi nhỏ, 100.000 đồng tiền mừng và một đôi gối chị gái Thủy Na gửi tặng. Đêm tân hôn, cặp vợ chồng son chỉ có một cái mùng đơn cũ; hai chiếc mền cũ của hai người, một cái trải làm nệm, một cái để đắp. Họ nằm ngủ trên chiếc giường cũ... tám chân (được ghép từ hai chiếc giường đơn!).

Nhà có bốn người

Cưới xong một tháng, Sàng về nhà vợ chơi. Xóm giềng, họ hàng kéo đến nhà chật cứng xem mặt chàng rể người Mông. Thấy anh đẹp trai, hòa đồng lại nhanh nhẹn y như người Kinh, hơn 15 phút sau họ lại ùn ùn kéo về. Nhưng bố mẹ Thủy Na vẫn chưa ưng ra mặt. Anh cứ lẳng lặng thấy bố vợ làm gì cũng đi theo làm nấy. Anh giúp ông sửa lại chiếc cổng, rào vườn, gánh lúa... Dần dần bố vợ quý con rể như cục cưng. Biết con rể quen tắm suối, sợ con rể không biết múc nước giếng, ông múc từng gàu nước lên xối cho con rể tắm...

Cưới nhau xong, Thủy Na và A Sàng vẫn “em trên đỉnh, anh dưới đồi”. Thủ trưởng của anh thương quá, đề xuất với phòng giáo dục cho Thủy Na chuyển xuống trường gần huyện. Sau một năm họ mới được gần nhau. Hai người đã có hai cô công chúa rất xinh, mũi cao, gương mặt sáng thanh tú. Anh cười, bẽn lẽn nhìn Thủy Na:“Nếu hồi đó hai đứa không quyết tâm liều lấy nhau thì chắc gì đã hạnh phúc như bây giờ...”. Thủy Na mỉm cười, khẽ lắc lắc bàn tay chồng đầy yêu thương.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên