19/12/2009 07:37 GMT+7

Em chết đi biến thành ngọn gió...

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - 40 năm, vượt qua lửa đạn chiến tranh, bức thư bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm gửi người yêu vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Bức thư lần đầu công bố này cùng với những dòng nhật ký của người lính mà Đặng Thùy Trâm yêu thương đã hé mở thêm những tâm tình xúc động.

sDX19LLM.jpgPhóng to
Liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm

"Em chết đi biến thành ngọn gió...", lời thổn thức này được trích từ nhật ký của Khương Thế Hưng (nhân vật M. trong nhật ký bác sĩ Đặng Thùy Trâm - Thùy).

aTLbd5On.jpgPhóng to
Một trang thư có chữ ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm - Ảnh: Hà Hương chụp lại

Trong quyển nhật ký đã ố vàng được người em gái, bà Khương Băng Kính giữ lại như một kỷ vật gia đình còn có bức thư của chị Thùy gửi anh Hưng. Bức thư được gia đình tặng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cuối năm 2009 và đang được trưng bày trong triển lãm Những kỷ vật kháng chiến tại Bảo tàng Quân khu 4 (Nghệ An).

Mong tâm hồn anh không chỉ có lửa đạn

Chị Thùy đã mong vậy suốt chặng đường dài từ Hà Nội vào Nam, suốt ba năm ở chiến trường. Giữa những trận bom khắc nghiệt, dường như người con gái này vẫn mong người yêu quay đầu nhìn về phía chị.

“Đừng trách tôi nghe đồng chí! Tiếng súng chiến thắng đang nổ giòn trên khắp các chiến trường, chiến thắng ấy có công sức của anh, của những người chiến sĩ giải phóng và có chút xíu của em người ở hậu phương - Em nghe rồi nhưng vẫn có lúc nào đó giữa hai tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim... Đó là khuyết điểm không thì tùy người đánh giá... Anh có khỏe không? Mong anh được bình an và khỏe, mãi mãi là người giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không phải chỉ có lửa đạn...?”.

geNQKX3e.jpgPhóng to
Diễn viên Minh Hương vai bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong phim Đừng đốt - Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Thùy yêu, anh cũng yêu, nhưng anh im lặng. Giữa những loạt bom đạn, Thùy vẫn viết thư cho anh.

“Chiều nay ở đây và ở đó ta cùng đang trong cuộc chiến đấu nóng bỏng, ta cùng chung nhịp thở của những người đồng chí vào sinh ra tử có nhau, vậy mà... sao lại xa cách đến thế này hở người đồng chí yêu thương?”. Lá thư viết ngày 17-3-1969. Bức thư đã xuyên qua lửa đạn của chiến trường Quảng Ngãi khốc liệt, theo chân người lính trong từng trận đánh rồi cùng anh lên đường ra Bắc. Nó nằm gọn trong quyển nhật ký ố vàng của Khương Thế Hưng được người em gái giữ lại sau ngày anh mất.

Trong thư, bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn ghi vào những dòng nhật ký của mình viết ngày 9-3-1969. Dòng nhật ký đó nói hộ những suy tư của chị giữa chiến trường khắc nghiệt.

“9-3-69. Gặp anh Tấn, bỗng nhiên mình thấy có cái gì bứt rứt không yên. Cái gì? Nỗi buồn, nỗi nhớ, hay nỗi oán trách hay cái gì mình cũng không rõ nữa, chỉ thấy lòng xao động một cách không bình thường. Anh Tấn đã gợi lại cho mình những điều mà lâu nay một phần vì bận rộn, một phần vì cố ý mình đã quên đi. M. ơi! Ta thực sự xa nhau rồi đó ư? Anh Tấn về không đem một thông tin nào của anh cả. Anh ở đâu? Sao em cảm thấy trái tim mình rỉ máu, vết thương của con tim sao khó lành đến vậy?”.

Vậy mà Thùy vẫn nuôi hi vọng, vẫn mong một ngày tình yêu lại nở hoa trên mảnh đất Đức Phổ cằn cỗi vì chiến tranh. “... Cái gì của chín năm qua không phải dễ mất đi dù người ta có muốn dứt bỏ nó. Người ta là ai? Là anh, là em hay những dư luận đang bao bọc cả hai đứa mình? Anh xác định đi, ai cũng có trong đó cả anh à... Vậy mà gốc rễ của yêu thương hình như vẫn còn nằm sâu trong lòng đất, vẫn còn sức sống, vẫn có thể đâm chồi nẩy lộc nếu mùa xuân lại về với những hạt mưa xuân mát lạnh trên má người con gái năm xưa”.

fZjZo25m.jpgPhóng to
Hình ảnh cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm tại Viện lưu trữ Lubbock, Texas (Mỹ)

Và anh không muốn người yêu phải đợi

Nếu chị Thùy còn sống, chị sẽ đọc được những dòng thơ day dứt này: Những người đi chiến đấu/ Không muốn nặng thêm khẩu súng/ Một mối tình quá xa/ Và nhất là/ Nỗi ân hận quá nhiều/ Bắt một người yêu/ phải đợi...

Thơ trích từ bài thơ Một mối tình được viết năm 1967, trước cả bức thư Thùy gửi cho anh Hưng. Tình yêu với Đặng Thùy Trâm, anh Hưng giữ lại cho riêng mình, chỉ có một người biết - đó là cha anh: nhà thơ Khương Hữu Dụng. Từ chiến trường xa xôi, anh Hưng vẫn kể cho cha câu chuyện tình yêu thầm kín của mình. Người em gái của anh Hưng cho biết những vần thơ này nhà thơ Khương Hữu Dụng viết thay tâm sự của người con trai ở chiến trường xa.

Gấp trong cuốn nhật ký của anh Khương Thế Hưng còn có bức thư của nhà thơ Khương Hữu Dụng gửi năm 1968. Bức thư có đoạn viết: “Việc riêng của con, tùy con quyết định. Nếu Thùy hiểu con theo đúng với cái đáng hiểu thì cũng tốt thôi. Nhưng nếu đó chỉ là một ước mơ đã xa vời không khớp với cái hiện thực hiện nay thì giải quyết như con là đúng. Ba không phong kiến mà cũng không lý tưởng hóa. Con đã khôn lớn già dặn nhiều trong cuộc chiến. Ba tin ở con hoàn toàn trong việc giải quyết mọi vấn đề kể cả vấn đề yêu đương, chỉ nhắc con đừng quá cứng nhắc mà thành máy móc tả khuynh”.

Năm 1966 Thùy vào chiến trường. Anh gặp chị khi trong mình đã có hàng chục vết thương. Anh tránh mặt. Năm 1970, Thùy hi sinh, anh Hưng cũng bị thương nặng phải chuyển ra Bắc. Những dòng này được chị Thanh Hằng (cán bộ sưu tầm các kỷ vật chiến tranh của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) chép lại từ cuốn nhật ký của anh Khương Thế Hưng mà gia đình đang cất giữ. Dòng nhật ký được viết sau ngày anh Hưng biết tin bác sĩ Đặng Thùy Trâm hi sinh.

“Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh. Trên đời anh. Thành tiếng gọi đằng trước để anh đi tới. Âm thanh là không khí đối lưu? Nó dồn đi nơi nào đó, nơi xa kia thành chân không? Có phải vậy đâu, mà lòng anh hôm nay thì trống rỗng... Bây giờ thì như bao giờ anh cũng cần sống xứng đáng hơn. Bao giờ cũng phải phủ định mình để khẳng định mình. Sống như vậy cực lắm Thùy ơi! Anh đuối sức. Và anh đau khổ...”.

Khương Thế Hưng (bút danh Nguyên Mộc, Đỗ Mộc) sinh ngày 18-9-1934, quê ở làng Minh Hương, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Năm 16 tuổi, khi còn đang học trung học, anh tình nguyện nhập ngũ. Sau kháng chiến chống Pháp, anh tập kết ra Bắc. Nhưng chưa kịp bước vào giảng đường đại học, đầu năm 1962 anh trở lại chiến trường miền Nam trong đoàn quân đi B. Năm 1965, Khương Thế Hưng làm phái viên chiến trường cho các đơn vị chủ lực đặc công ở Quảng Ngãi. Năm 1968, anh là chính trị viên tiểu đoàn 48 lừng danh.

Anh bị thương nặng trong một trận đánh năm 1970 và phải chuyển ra Bắc. Sau đó, anh làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân, tham gia phái đoàn quân sự bốn bên, tham gia đợt trao trả tù binh chiến tranh ở Lộc Ninh (Bình Phước) năm 1973.

Sau kháng chiến chống Mỹ, Khương Thế Hưng được phân về ban ký sự Tổng cục Chính trị. Từ năm 1992, sức khỏe anh yếu dần và mất ngày 13-11-1999 do di chứng chất độc da cam và năm lần bị thương của gần 100 trận đánh trong chiến trường.

Khương Thế Hưng là con trai của nhà thơ Khương Hữu Dụng và cũng là tác giả của điệu múa Chàm Rông nổi tiếng khắp chiến trường đánh Mỹ.

=====================================================================

* Tôi cũng là một người lính, một đồng đội với chị Trâm trong giai đoạn ấy của cuộc chiến. Thế nhưng lần nào đọc những dòng viết về anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi cũng không cầm được nước mắt.

Tôi yêu quý , kính phục người liệt sĩ ấy vì ngoài những phẩm chất anh hùng thì trong chị còn có một tấm lòng yêu thương vô bờ với anh em, đồng chí. Tôi cũng đã đến tận nghĩa trang nơi chị an nghỉ đề thắp nhang, nhìn di ảnh của chi với dòng chữ "Mãi mãi tuổi thanh xuân".

Tôi thầm biết ơn chị và những liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước, cho tôi có cuộc sống thanh bình hôm nay.

* Nhật ký hay quá, đúng là tâm hồn chiến sĩ của ta không chỉ có lửa đạn, họ còn làm thơ và nhật ký trên chiến trường nữa.

* Một lần nữa chị Trâm lại mang đến cho ta những cảm xúc, những tư tưởng của một người con gái sống giữa bom cày, đạn xới vẫn đề cao được lý tưởng sống cao đẹp, sống vì mọi người, sống và hiến mình cho tổ quốc.

Và đó cũng là nét đại diện cho một thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nuớc. Trong lửa đạn họ vẫn sống kiên cường, họ vẫn yêu và cống hiến mình vì nền độc lập của dân tộc. Cám ơn các anh, cám ơn các chị, cám ơn tất cả đồng bào, đồng chí đã quên mình để hôm nay chúng ta được sống bình yên, cúi đầu nghiêng mình xin ngàn lần cảm tạ.

* Chị ra đi. Chị hoá thành những cơn gió thoảng qua. Dẫu chị đi nhưng hồn chị vẫn còn đó. Vẫn bên cạnh đồng đội, bên cạnh mối tình không có đoạn kết của mình. Một mối tình để khi ta nhìn lại thấy rằng dẫu tình có không trọn vẹn nhưng vẫn dành cho nhau tất cả những gì đẹp nhất.

Một câu chuyện tình cũng không hiếm gặp ở trong thời kỳ bom rơi đạn lạc. Nhưng một lần nữa nhắc lại cho chúng ta thấy rằng tình yêu vẫn mãnh liệt nếu ta vẫn sống trọn hết mình cho tình yêu. Một mối tình đại diện cho bao mối tình không có đoạn kết của trai gái Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Với những nhịp sống hối hả trong cuộc sống hiện nay, đôi lúc lại làm ta chai sạn đi tâm hồn. Ta có thể không tin những gì đẹp nhất của tình yêu. Qua những dòng thơ của mối tình Đặng Thuỳ Trâm như một sự đánh thức chính ta hãy nên tin vào chính mình, tin vào tình yêu, tình cảm mình dành cho nhau. Dù cuộc tình có thể không sánh trọn bước bên nhau, nhưng lại làm cho ta thấy yêu hơn. Bên nhau không trọn nhưng lại làm cho nhau mạnh mẽ.

Và ta hãy yêu, yêu hết mình. Cảm ơn chị Trâm rất nhiều. Chị đã cho chúng ta hiểu hơn về thế hệ chị đã sống, trải qua.

* Tôi bước vào đời khi đất nước đã hòa bình, thống nhất. Tôi biết đến chị Thùy Trâm qua những trang sách, báo và những lời giới thiệu của thầy cô. Khi lớn lên rồi biết yêu tôi mới thấu hiểu được tình cảm trong sáng của một người thiếu nữ giữa bom đạn chiến tranh.

Tình yêu đó không đơn thuần là tình yêu nam nữ mà còn còn là tình đồng đội, đồng chí. Chị đã sống với tất cả tình yêu và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tình yêu của chị thật đẹp và ý nghĩa. Tình yêu đó sẽ sống mãi với tuổi trẻ Việt Nam và là động lực để thế hệ trẻ hôm nay yêu và sống như vậy.

* Mỗi lần đọc lại cuốn nhật kí của chị tôi lại không cầm được nước mắt. Tình yêu và lí tưởng. Lẽ sống và cuộc đời...Tôi thấy mình thật nhỏ bé. Giữa cuộc sống xô bồ, giữa bao bộn bề lo toan, hình như tôi đã chai lì đi tất cả, cả niềm tin vào tình yêu, vào cuộc sống.

Một thời chiến tranh, một thời đã qua thật không trọn vẹn, nhưng đối với hôm nay thì ý nghĩa biết dường nào. Cám ơn tất cả các anh, các chị - những người đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng dân tộc đã khơi lại cho thế hệ hôm nay, cho những tâm hồn đã chai lì trong cuộc sống như vũ bão, tìm lại được chính mình và khơi những ước mơ, những lí tưởng còn đang ấp ủ.

-----------------

Bạn có ý kiến ra sao về câu chuyện này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên