01/10/2008 17:10 GMT+7

Bí quyết hạnh phúc của những gia đình trẻ

BÍCH NGỌC (Hà Nội)
BÍCH NGỌC (Hà Nội)

TTO - Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM) cho biết có một thống kê: tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31%-40%, trong đó tuổi thọ hôn nhân bình quân của thế hệ 8X đưa nhau ra tòa dao động trong khoảng... 30 tháng.

RUyUV06P.jpgPhóng to
Vợ chồng anh Ngô Mạnh Quân, bác sĩ của Viện Huyết Học truyền Máu T.Ư: "Hạnh phúc của mỗi gia đình không chỉ phụ thuộc vào người phụ nữ, người giữ lửa, thậm chí ngược lại phụ thuộc rất nhiều ở nam giới"
TTO - Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM) cho biết có một thống kê: tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31%-40%, trong đó tuổi thọ hôn nhân bình quân của thế hệ 8X đưa nhau ra tòa dao động trong khoảng... 30 tháng.

Vậy làm thế nào để các gia đình trẻ có thể bảo vệ hạnh phúc của mình? Có bí quyết gì không?

Gọi là bí quyết nhưng thật ra đó là một điều rất đơn giản và không khó thực hiện. Theo anh Ngô Mạnh Quân, bác sĩ Viện Huyết học truyền máu T.Ư, hạnh phúc của mỗi gia đình không chỉ phụ thuộc vào người phụ nữ, người giữ lửa, thậm chí ngược lại phụ thuộc rất nhiều ở nam giới.

Anh Quân tâm sự: “Tôi cố gắng tìm ra người phụ nữ họ mong cái gì ở mình và họ sợ cái gì ở mình. Tôi ví dụ như họ rất sợ đàn ông bê tha, sống không lành mạnh. Khi biết những điều đó mình sẽ giữ gìn để không vấp phải, mình tránh những cái đó đi. Chứ còn tạo một vỏ bọc cho mình là anh này rất chung thủy hay thế này thế kia nhưng thật sự ở đâu đó mình không làm đúng như thế thì không được. Tất nhiên bên cạnh đó còn có cả tình yêu, sự hi sinh và hiểu biết về nhau”.

Kết hôn đã được gần 5 năm nhưng gia đình anh Quân chưa hề có xích mích hay cãi vã. Vừa làm việc ở bệnh viện, vừa đi học thêm buổi tối, đồng thời anh Quân cũng là phó chủ tịch hội thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo thành phố Hà Nội, thế nhưng dù công việc bộn bề thế nào, anh cũng sắp xếp bằng được thời gian về nhà ăn cơm cùng gia đình. Với anh, đó thật sự là khoảnh khắc ấm áp của cuộc sống, một cảm giác bình an, xua tan mọi mệt nhọc để rồi ngày mai anh lại hăm hở bước vào một ngày mới.

Tổ ấm - không thể thiếu bàn tay vun đắp của người vợ

Rất nhiều phụ nữ cho rằng để giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc gia đình thì bản thân họ cần luôn đổi mới chính mình. Đổi mới trong trang phục thì dễ hiểu, nhưng đổi mới hay thậm chí là tô sắc cho tình cảm vợ chồng thêm nồng thêm thắm thì thật phức tạp. Bí quyết của chị Lan Anh là luôn tặng chồng những điều bất ngờ.

Đôi khi đơn giản là một tấm thiệp nhỏ trong ví, một buổi tối lãng mạn đi chơi chỉ có hai người hay một món quà không nhân dịp gì cả. Với chị Minh Ngọc, 25 tuổi, ở Hà Nội thì khác. Gia đình chị là một gia đình trẻ nên trong cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Do tính chất của công việc nên chồng chị thường đi làm cả ngày và về nhà rất muộn.

Là một phụ nữ khéo léo, chị đã có cách giải quyết của riêng mình. Chị chia sẻ: “Mình thường chờ anh ấy về để cùng ăn cơm, trong bữa cơm tạo không khí vui vẻ, hỏi han cũng như chia sẻ khó khăn trong công việc của anh ấy và thường thì mình không nhắc lại việc anh ấy về muộn mà chờ những dịp cuối tuần vợ chồng có thời gian bên nhau thoải mái thì mình hỏi về hôm ấy. Sau những lần như vậy thì việc về muộn của anh ấy đã hạn chế và gia đình chúng mình đang có những khoảng thời gian rất hạnh phúc".

Với nhiều người, việc dành thời gian và công sức chuẩn bị cho bữa ăn gia đình chính là bí quyết, yếu tố quan trọng nhất. Trong thực tế, công việc cơ quan, rồi các hoạt động xã hội... đã khiến "trọng trách" của phụ nữ hiện đại bây giờ cũng nặng nề không kém nam giới. Có lẽ vì vậy mà nhiều phụ nữ đã quên đi trách nhiệm và thiên chức cao quý là chăm sóc chồng con. Bạn bè giới thiệu món ăn nào ngon ngon là chị Hoa ở quận Ba Đình lại học cho bằng được.

Chị Hoa đã tự hào khoe với tôi khẩu phần bữa ăn của gia đình chị. Chẳng ngày nào giống ngày nào, rất nhiều món ăn lạ mắt. Chủ nhật nào cả gia đình chị cũng vào bếp cùng nhau. Mỗi người một việc, vừa làm vừa trò chuyện, đôi khi bàn tính tuần sau sẽ làm món gì tiếp…

Phần lớn các chị đều cho rằng: bữa ăn chung rất quan trọng vì nó gắn kết mọi người trong gia đình; cùng chia sẻ, chuyện trò trong bữa cơm. Và nó không chiếm quá nhiều thời gian nếu người vợ biết cách sắp xếp hợp lý.

Cơm sôi bớt lửa...

Trong cuộc sống vợ chồng, khó tránh khỏi những xích mích gây tranh cãi. Điều này có thể xuất phát từ khuyết điểm, lỗi lầm của một trong hai người, cũng có thể chỉ là sự khác biệt về tính cách hoặc chỉ là người này không làm đúng ý của người kia.

Trong hoàn cảnh này, chị Nguyễn Bình, trú tại khu tập thể Trường cao đẳng Múa, thường lựa chọn giải pháp im lặng. Anh Tạ Sơn cũng chia sẻ: “Gia đình mình chẳng có bí quyết gì cả. Mỗi khi cô ấy giận thì tôi thường bỏ đi đâu đó chờ tới khi cô ấy hết giận thì chúng tôi lại ngồi nói chuyện".

Có lẽ trong những lúc như vậy, im lặng lắng nghe và chờ tới lúc người kia hết giận thì nhẹ nhàng trò chuyện hay thủ thỉ tâm sự thì có thể phát huy hiệu quả hơn cả.

Mỗi gia đình lại có một kinh nghiệm, một bí quyết riêng để giữ lửa, để bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình. Dù bằng cách này hay cách khác thì hạnh phúc ấy cũng cần được mọi thành viên trong gia đình cùng chung tay tạo dựng và vun đắp. Bởi lẽ, thật đơn giản, chỉ khi ấy hạnh phúc mới thật sự là chính nó.

BÍCH NGỌC (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên