03/10/2014 17:53 GMT+7

Singapore: chuyên biệt hóa sản xuất để phát triển kinh tế

HỒNG ANH (theo Bloomberg)
HỒNG ANH (theo Bloomberg)

TTO - Cứ 2 giây lại có một chiếc Boeing 737 cất/hạ cánh ở một sân bay nào đó trên thế giới và công việc của ông Lien Whai Cheng ở Singapore là đảm bảo cho hoạt động này diễn ra suôn sẻ.

Robot thao tác trên tấm pin năng lượng mặt trời tại nhà máy REC Solar ASA, Singapore - Nguồn: Bloomberg
Robot thao tác trên tấm pin năng lượng mặt trời tại nhà máy REC Solar ASA, Singapore - Nguồn: Bloomberg

Nhà máy của Lien sản xuất các bộ phận chuyên biệt đảm bảo sự ổn định cho bộ phận tiếp đất của máy bay, một ví dụ điển hình về các sản phẩm giúp Singapore duy trì ngành công nghiệp sản xuất ngay cả khi chi phí lao động leo thang.

"Chúng tôi luôn phải đi trước một bước", ông Lien, người sáng lập Coway Engineering & Marketing Pte, cho biết. “Trong khi Singapore có những hạn chế nhất định về diện tích và chi phí lao động thì cuộc cạnh tranh vẫn diễn ra trên toàn cầu. Thật khó để những người như chúng tôi tồn tại".

Thị trường ngách

Lèn chặt trong các trung tâm mua sắm, tòa nhà văn phòng và sòng bạc của Singapore là hàng ngàn nhà máy công nghiệp hiện đóng góp khoảng 1/5 GDP của cả nền kinh tế, tỷ lệ ngang Thụy Sĩ và cao gấp gần 10 lần Hong Kong. Thành công trong việc chuyển đổi sang ngành công nghiệp cơ khí chính xác đã tạo ra miếng đệm an toàn giảm bớt sự biến động của các lĩnh vực như du lịch và duy trì ổn định việc làm thu nhập cao.

"Singapore đang dịch chuyển vào các thị trường ngách với giá trị gia tăng cao, nơi chi phí lao động chắc chắn không phải là yếu tố cạnh tranh quyết định", Vishnu Varathan, nhà kinh tế của Ngân hàng Mizuho cho biết. "Các thị trường này không dễ ăn như sản xuất ổ đĩa cứng hàng loạt, vốn không còn phù hợp với mô hình phát triển của Singapore".

Ông Varathan đề cập đến năm 1990 khi Singapore là nhà sản xuất ổ đĩa cứng lớn nhất thế giới, ngôi vị sau đó Trung Quốc đã thống trị.

Với tổng diện tích chỉ bằng 1/3 thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, Singapore vẫn tạo ra 19% tổng sản phẩm nội địa từ sản xuất công nghiệp, so với con số 10% hoặc ít hơn của các nền kinh tế như Hong Kong và Úc.

Phó giáo sư Toh Mun Heng của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cố vấn Bộ Thương mại và tài chính từ năm 1990, cho biết sau cuộc suy thoái năm 1985 và 1986, các quan chức cấp cao Singapore đã áp dụng chiến lược thúc đẩy khả năng cạnh tranh do các học giả kinh tế đề xướng, trong đó có giáo sư Porter và Bruce Scott của Trường Kinh doanh Harvard.

Chiến lược của Chính phủ

Sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Lý Hiển Long đã tiếp tục chiến lược đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và khuyến khích các cụm công nghiệp được khởi xướng từ thời Thủ tướng Lý Quang Diệu. Chính phủ cam kết dành ra hơn 12.5 tỉ USD ngân sách cho nghiên cứu và phát triển giai đoạn 2011 - 2015, tăng 20% so với giai đoạn trước đó.

Singapore đã chi hàng triệu USD vào các cơ sở hạ tầng chuyên ngành, từ khu công nghệ hàng không vũ trụ rộng 320ha để thu hút các công ty như Rolls-Royce đến khu phức hợp 22 ha phục vụ các cơ sở nghiên cứu y sinh học, trong đó có trung tâm nghiên cứu trị giá 195 triệu USD của P&G.

Sự chuyển đổi sản xuất từ hoa nhựa và nhang chống muỗi sang các bộ phận máy bay Boeing và thuốc biệt dược đã thu hút sự quan tâm của các công ty quốc tế muốn tìm kiếm địa điểm phù hợp để đặt một phần cơ sở sản xuất.

Nhà đầu tư Na Uy và năng lượng mặt trời

Tập đoàn Năng lượng REC ASA của Na Uy đã chi hơn 2 tỉ USD để xây dựng khu phức hợp năng lượng mặt trời lớn nhất của tập đoàn ở Singapore, sau khi đảo quốc này tuyên bố dự định trở thành trung tâm năng lương mặt trời của khu vực.

Ông Martin Cooper, Giám đốc Điều hành REC Solar ASA - công ty con của Tập đoàn được thành lập năm 2013, cho biết hiện họ đang sử dụng hơn 1.600 lao động tại Singapore.

“Dù chưa có công ty năng lượng mặt trời nào ở đây, sự phát triển của các ngành công nghiệp hiện tại đã đáp ứng được yêu cầu về năng lực sản xuất của tập đoàn", ông Cooper cho biết. "Nếu các công ty đang tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao thì Singapore là đất nước mà họ sẵn lòng chuyển đến hơn nhiều địa điểm khác".

Linh kiện điện tử cao cấp

"Ở Singapore bây giờ nhiều người đang làm việc trong mảng R&D hơn là sản xuất. Phần giá trị gia tăng sẽ chủ yếu đến từ khâu thiết kế" - Adeline Wong, giám đốc Superworld Electronics Pte, cho biết.

Công ty của Wong là một ví dụ về sự chuyển đổi sang thị trường ngách của Singapore. Từ sản xuất hàng loạt 10.000 - 20.000 sản phẩm/lô các linh kiện điện tử tiêu chuẩn, Wong đã chuyển sang sản xuất biến áp mini theo yêu cầu khách hàng với lô nhỏ từ 500 - 1.000 sản phẩm.

Các biến áp mini này được sử dụng để sản xuất đầu sạc laptop HP, các loại card đồ họa và điện thoại di động.

Các công ty nhỏ, chiếm đa số trong tổng doanh nghiệp của Singapore, có thể trông cậy vào chương trình của chính phủ để nâng cao năng lực sản xuất. Các quan chức đã cam kết dành hơn 2.8 tỉ USD trong ba năm tới để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

HỒNG ANH (theo Bloomberg)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên