13/07/2014 09:54 GMT+7

Đừng trách phụ huynh

GIÁNG HƯƠNG
GIÁNG HƯƠNG

TT - Giữa tuần, tôi may mắn được dự lễ trao học bổng “Vì mái ấm tương lai” tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, khi có học trò cũ là một trong 150 sinh viên nhận học bổng.

Tất cả những người lớn có mặt tại buổi lễ hôm ấy đều không cầm được nước mắt khi nghe ông Nguyễn Văn Kiểng, lão ngư bị mất một bàn tay do chiến tranh ở Quảng Ngãi, được mời về dự lễ (con ông là sinh viên Nguyễn Văn Trung, nhân vật trong bài viết Chàng trai biển vào giảng đường Kiến trúc trên Tuổi Trẻ ngày 8-7) kể: ”Từ ngày mấy đứa con vào đại học (ông có ba người con đều đang học đại học), vợ chồng tui cắt hẳn chuyện ăn sáng. Mỗi ngày tụi tui chỉ ăn một bữa trưa, tiết kiệm mỗi tháng thêm 300.000 đồng lo cho mấy đứa nhỏ”!

Vào TP.HCM dự lễ con trai nhận học bổng, rồi được mời lên sân khấu giao lưu, nhưng nhìn ông Kiểng thật tội nghiệp khi chỉ mặc một chiếc quần màu cháo lòng và chiếc áo thun nhàu nhĩ, chân đi đôi dép lê mòn vẹt gót. Sau buổi lễ, tôi có lân la trò chuyện cùng ông và hỏi: “Thế cái ngày Trung đi TP.HCM dự thi vào đại học kiến trúc, vợ chồng ông có ai tháp tùng không?”. Thật bất ngờ, tuy nghèo đến tận cùng nhưng ông bảo: ”Hai vợ chồng cũng phải ráng thu xếp để tui đi cùng nó vào TP chứ”!

Sở dĩ tôi hỏi ông Kiểng câu ấy là bởi ngay trong hai đợt thi đại học vừa qua, dư luận lại lao xao về một chuyện rất cũ: các bậc phụ huynh ngày nay “úm” con dữ quá. Đi thi đại học là đã 18 tuổi rồi, thế mà ba mẹ cứ kè kè theo sát, trong khi con làm bài thì trước cổng trường có hàng vạn gương mặt khắc khổ đau đáu trông chờ. Nhiều người đã bức xúc: ngày xưa làm gì có cảnh đó. Ngày xưa làm gì có chuyện thí sinh được chăm chút như bây giờ...Và cũng đã có kết luận: làm thế này thì hại bọn trẻ mất!

Quả là nhìn cũng kỳ thật. Ai đời tuổi 18 là tuổi đã trưởng thành. Bên Tây, tuổi này là đã ra riêng, đã có thể tự quyết về cuộc đời của mình, đã tung cánh bay ra với cuộc đời, vậy mà ở ta cứ chăm chút như là trẻ vào lớp 1. Tôi suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện này, và tạm đưa ra mấy lý do sau: Thứ nhất, “bệnh” ưa làm thầy chứ không thích làm thợ là đặc tính của dân châu Á chứ chẳng phải riêng gì VN ta. Không tin, cứ tìm thông tin trên mạng về các kỳ thi đại học ở Nhật Bản, Hàn Quốc thì thấy. Thứ hai, bây giờ sinh con ít nên phụ huynh đâm ra chăm bẵm con cái một cách hơi thái quá. Chứ cứ thử như cha mẹ, ông bà mình ngày xưa, toàn sinh nửa chục (!) trở lên, có muốn chăm cũng không nổi. Thứ ba, điều mà tôi cho là quan trọng nhất, đó chính là hoàn cảnh xã hội bây giờ. Chúng ta cứ nhìn xem, có ai khá lên nhờ làm công nhân, nông dân, ngư dân không? Nhắc tới ba lực lượng này là người ta chỉ thấy cảnh sống cực khổ, nheo nhóc, bán mặt cho đất bán lưng cho trời; là những câu chuyện như ông Kiểng nhịn ăn sáng lo cho con...Chính vì vậy, cái bằng đại học lại càng thêm quan trọng trong việc vươn tới ước mơ đổi đời.

Vậy nên đừng trách phụ huynh lo lắng thái quá cho con. Nếu có trách là trách việc quản lý làm sao mà để cho cuộc sống của công nhân, nông dân, ngư dân quá cơ cực so với các ngành nghề khác trong xã hội.

GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên