Có một Tô Hoài với mỹ thuật

ĐỖ PHẤN 13/07/2014 03:07 GMT+7

TTCT - Vài chục năm nay, có một câu hỏi mà tôi không sao trả lời được. Đó là mối quan hệ giữa văn chương và hội họa vì sao không còn khăng khít đồng điệu như vài chục năm trước đó?

.

Nhà văn Tô Hoài - tranh Nguyễn Sáng

Nói một cách cụ thể hơn là mối quan hệ giữa nhà văn và họa sĩ bây giờ có quá nhiều thay đổi. Mỗi ông một góc màn hé mắt nhìn ông kia bé tí.

Đã có lúc tôi rất muốn trả lời câu hỏi ấy theo lối lý giải của một vài họa sĩ thị trường ăn khách. Họ vô tư nói rằng so với văn học thì hội họa thành công hơn. Bằng chứng là họa sĩ kiếm được nhiều tiền hơn bằng sáng tác của mình. Kể cũng không hoàn toàn vô lý. Họa sĩ bán một bức tranh kiếm cả cây vàng là chuyện quá đỗi bình thường. Nhà văn viết hai cuốn tiểu thuyết, nhuận bút chưa mua nổi chỉ vàng. 

Thế nhưng cách trả lời ấy hoàn toàn không ổn. Quy luật giá trị dĩ nhiên không đổi nhưng tầm vóc nhận thức của người làm ra nó đã có phần chênh lệch khá nhiều.

Nhà văn Tô Hoài cùng thế hệ với khá nhiều họa sĩ tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông cùng với họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái... đi theo cách mạng ngay từ những ngày đầu.

Không ngạc nhiên khi họ quý trọng thân thiết với nhau trong kháng chiến bởi vì phần lớn đã từng gặp gỡ, trao đổi với nhau về văn chương nghệ thuật từ trước Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội rồi. Ông Tô Ngọc Vân lúc ấy đã là một cây lý luận văn nghệ xuất sắc. Nhà văn và các họa sĩ có chung một mặt bằng tri thức được người Pháp đào tạo rất dễ dàng thấu hiểu và đến với nhau như một lẽ tự nhiên.

***

Tôi có may mắn được biết nhà văn Tô Hoài từ khi còn nhỏ. Ông cùng nhà văn Kim Lân và bố tôi là bạn đồng niên từ hồi còn ở chiến khu Việt Bắc. Hòa bình lập lại, hai ông văn sĩ thường ghé qua nhà chơi với bố tôi.

Ấn tượng về ông Tô Hoài trong bọn trẻ con chúng tôi dĩ nhiên là rất lớn qua cuốn Dế mèn phiêu lưu ký. Suốt những năm tháng sơ tán về nông thôn, cuốn sách như một từ điển về trò chơi và ứng xử của anh em chúng tôi. Lũ trẻ thành phố đọc nó, xem tranh minh họa và coi đấy là những chuẩn mực cho trò chơi dế khi lần đầu tiên được về sống ở nông thôn. Nhưng gặp con người thực của ông thì thấy có phần xuề xòa cũng như nhà văn Kim Lân vậy thôi.

Đầu những năm 1980, nhà văn Tô Hoài về làm tổng biên tập tờ Người Hà Nội. Lần đầu tiên chúng tôi được làm việc với ông dưới danh nghĩa là họa sĩ. Bạn tôi, họa sĩ Đỗ Dũng, trình bày cho tờ báo. Chúng tôi là những họa sĩ tham gia vẽ minh họa đều đặn. Tất nhiên chẳng cứ tuổi tác thuộc vào hàng con cháu mà ông còn là bạn của bố nên chúng tôi không ai bảo ai tất thảy đều gọi ông là bác. May thế, lúc ấy quy định xưng hô công sở chưa có ý niệm ra đời.

Ông Tô Hoài là người ký duyệt lần cuối cùng bản đưa nhà in. Ông đặc biệt chú ý đến các bức minh họa cho tờ báo. Nhưng không phải như vài tổng biên tập lúc bấy giờ săm soi để duyệt. Ông ngắm nhìn minh họa để thưởng thức. Có lúc thấy ông nở nụ cười tinh quái sau cặp kính dày.

Cũng có lúc ông chỉ liếc mắt như một công chức bình thường làm tròn bổn phận. Họa sĩ có mặt ở đấy cứ nhìn thái độ của ông để mà sửa chữa những lần sau. Không bao giờ ông gác minh họa lại. Điều đó làm cho lũ họa sĩ trẻ chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Có đứa còn thầm tiếc cho ông không dùng hết quyền lực của mình.

Quãng năm 1985, một lần ông Tô Hoài cao hứng mời họa sĩ Đỗ Dũng và tôi đến nhà. Tôi buột miệng hỏi, thưa, có việc gì không ạ? Ông cười. Vẫn cái cười tinh quái sau cặp kính lão to sù sụ, thế tôi không thể mời các cậu đến chơi nhà được hay sao? Họa sĩ Đỗ Dũng và tôi phải nghĩ mãi mới ra một ý. Dịp hiếm hoi này phải cố gắng vẽ ông Tô Hoài một bức chân dung làm kỷ niệm.

Hai đứa cầm theo cặp vẽ và ít giấy mực đến nhà ông. Căn nhà 21 Đoàn Nhữ Hài của ông nằm gần cuối con phố cụt. Phố chỉ có dãy nhà số lẻ. Bên kia đường là bức tường chễm chệ của Bộ Công an rào dây thép gai. Chỉ duy nhất trước cửa nhà ông Tô Hoài có cây bàng non đã bắt đầu có tán. Cuối mùa đông, tán bàng còn lại vài chiếc lá màu đồng hung hung bạc. Thế cũng đủ an ủi con mắt lắm rồi.

Đã nhiều lần đến chơi nhà ông Kim Lân ở xóm Hà Hồi từ thuở nhỏ, tôi được đắm mình trong không khí thanh tĩnh lạ thường của các nhà văn. Chiếc chõng tre làm bàn viết trong căn phòng sáu mét vuông nhìn ra cửa sổ xanh rờn cây lá. Trên chiếc chõng chẳng có giấy bút gì cả. Hình như chữ nghĩa ở đây cũng gây nên sự ồn ào? Là thứ nhà văn muốn tránh? Chỉ có thảng hoặc tiếng chim cu gáy gù man mác xa. Nhà ông Tô Hoài còn yên tĩnh hơn thế bởi vắng người.

Ông dẫn chúng tôi lên gác qua chiếc cầu thang bêtông cũ kỹ rêu phủ xanh om. Vào căn phòng chật ních sách vở trên giá và tranh treo kín những khoảng trống còn lại trên tường. Căn phòng rộng gấp mấy lần phòng văn của ông Kim Lân nhưng chỗ ông Tô Hoài ngồi làm việc cũng chỉ có một chiếc bàn gỗ nhỏ. Trên mặt bàn là một tập giấy chi chít chữ viết tay nhỏ li ti còn tươi nét mực. Chiếc bút máy đậy nắp nằm ngay ngắn bên cạnh xấp giấy.

Ngắm nhìn chăm chú những bức tranh treo trên tường, tôi phát hiện đó toàn là những tác phẩm của các bậc thầy hội họa Việt Nam: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng. Đặc biệt, bức chân dung Tô Hoài do Nguyễn Sáng vẽ khiến chúng tôi vô cùng thán phục và thầm ngượng nghịu không thốt nên lời. Ông Tô Hoài nhận ra vẻ bối rối của chúng tôi rất nhanh.

Ông bảo, nào, lâu lắm mới có họa sĩ đến chơi nhà, ta uống với nhau một chén nhỉ! Dường như lời mời của ông càng làm cho chúng tôi ái ngại hơn. Ông nheo mắt cười rất vui nói lảng sang chuyện khác. Ông hỏi thăm sức khỏe bố tôi và lấy chai rượu trắng rót ra ba chiếc chén hạt mít bằng sứ vẽ men chàm trong veo. Nâng chén, ông hấp háy con mắt sau cặp kính nói rất say sưa về những kỷ niệm với các bậc thầy hội họa Việt Nam mà ông thân thiết.

Có lẽ đó cũng là những bài học lịch sử mỹ thuật đầu tiên đáng tin cậy mà lớp họa sĩ đào tạo sau này như chúng tôi được tiếp cận. Ông kể về số phận long đong của một trong số những tác phẩm hội họa nổi tiếng. Bức Hào của họa sĩ Dương Bích Liên do chính ông mua về.

Nhà văn có đủ tiền mua tranh của họa sĩ cho đến lúc ấy chưa từng có ai. Nhưng ông cũng là người rất công bằng và tinh tế trong việc đánh giá tác phẩm hội họa. Ông mua bức tranh không hẳn vì nó đẹp mà chỉ là vì không muốn bức tranh của bạn mình rơi vào tay một nhà sưu tầm không được đàng hoàng cho lắm. Bức tranh ấy về sau ông cũng tặng lại nhà văn Nguyên Hồng.

Câu chuyện của ông về những họa sĩ lớn đã khiến chúng tôi phần nào lấy lại bình tĩnh. Với người cầm bút vẽ thì chẳng còn gì phải do dự khi trước mặt mình là một khán giả am hiểu. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp họa sĩ múa bút khi trước mặt mình chẳng ai hiểu gì. Chúng tôi mang giấy bút ra xin phép được vẽ chân dung ông. Ông cũng hồn hậu khích lệ, cứ vẽ thoải mái đi, ông Sáng vẽ chân dung tôi cũng vào lúc chỉ hơn các cậu vài tuổi bây giờ!

***

Nhiều năm sau, tôi ít có dịp được ngồi với ông Tô Hoài. Chỉ thỉnh thoảng hai bác cháu gặp nhau ở đâu đó loanh quanh Hà Nội. Lúc thì quán bia trên phố Nguyễn Đình Chiểu. Lúc lại nhà hàng sang trọng trên đường Trần Hưng Đạo với chai rượu whisky ông mang từ nhà đến. Tôi có cảm giác ông già Tô Hoài đã già hết cỡ từ ba chục năm trước rồi. Từ đó đến nay không có gì làm ông thay đổi được nữa. Vẫn ánh mắt tươi vui và nụ cười tinh quái như ngày nào. Vẫn uống và vẫn chuyện mặc cho bệnh tật tuổi già đeo đẳng.

Vẫn biết con người chẳng thể chống lại được thiên mệnh. Nhưng ông ra đi là một tổn thất lớn không chỉ cho văn học Việt Nam. Mối quan hệ giữa văn chương và hội họa lại một lần nữa thêm phần lỏng lẻo. Hà Nội cũng vừa mất đi một người mang theo cả hồn cốt phố xuyên qua hai thế kỷ.

Nhà văn Tô Hoài lúc sinh thời đã từng đặt chân lên mọi miền đất nước và cả thế giới. Nhưng ông đã dành cho Hà Nội những trang văn lộng lẫy đầy đặn cảm xúc nhất nói về mảnh đất này. Bảy mươi năm cầm bút, ông không chỉ đi qua những ngóc ngách tâm hồn con người Việt Nam mà còn đi qua cả chiều dài lịch sử hơn thế rất nhiều của Hà Nội.

Một số bìa sách của nhà văn Tô Hoài thời tiền chiến - Ảnh: Hoàng Minh

Tô Hoài - gần trăm tuổi nghiệp văn

Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) tên thật là Nguyễn Sen, sinh tại quê nội ở Thanh Oai, Hà Đông, và lớn lên tại quê ngoại ở Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, Hà Nội. Bút danh Tô Hoài của ông gắn liền với hai địa danh: Tô Lịch và Hoài Đức.

Tô Hoài tham gia văn đàn bằng truyện Con dế mèn, nhà Tân Dân in năm 1941, sau đó là hai tập Dế mèn phiêu lưu ký cũng nhà Tân Dân in năm 1942. Trước đó, ông đã được biết đến với một số truyện ngắn. Trong giai đoạn trước năm 1945, Tô Hoài sáng tác nhiều, tác phẩm của ông được công chúng yêu mến và tái bản nhiều lần, cả ở miền Nam trong thời kỳ 1954-1975: Quê người (1942), O chuột (1943), Xóm giếng ngày xưa (1943), Giăng thề (1943), Hai con ngỗng (1944)...

Ngày 20-3-2006, Dế mèn phiêu lưu ký đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Tác phẩm của một nhà văn được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất”: 15 ngôn ngữ (Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, Nga, Bulgaria, Romania, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư, Hàn Quốc, Cuba...).

Một số tác phẩm của ông viết về sau gây được tiếng vang, thu hút nhiều lượt bạn đọc như Chiều chiều, Cát bụi chân ai, đặc biệt quyển Ba người khác ông viết về đề tài cải cách ruộng đất từ năm 1992 đến năm 2006 xuất bản là quyển cuối cùng được công chúng rất quan tâm. Nhà văn Tô Hoài được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). (LAM ĐIỀN)

 



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận