25/12/2013 09:53 GMT+7

Trở lại quê hương "hai tốt"

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Một ngôi trường cấp II vùng quê nghèo chiêm trũng bất ngờ trở thành điểm sáng của ngành giáo dục thời đất nước đầy gian khó khi vận dụng thành công mô hình “học đi đôi với hành”.

Hơn 50 năm trước, Bắc Lý chính là cái tên làm dậy lên phong trào thi đua “hai tốt” toàn miền Bắc...

wQi0HcWg.jpgPhóng to
Trường Bắc Lý bây giờ - Ảnh: Việt DŨng

Năm 1961, tại hội nghị tổng kết kinh nghiệm giáo dục do Bộ Giáo dục và Công đoàn giáo dục VN tổ chức tại thị xã Phủ Lý, Hà Nam, Trường cấp II Bắc Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) được tuyên dương là lá cờ đầu của ngành giáo dục.

Tiếng trống Bắc Lý

Nổi như cồn

Thầy Phan Đức Thắng - giáo viên tại trường giai đoạn 1966-1977 - nhớ như in những ngày Bắc Lý “nổi như cồn”: “Năm 1971, Bộ Giáo dục phát động phong trào “Tiến theo Bắc Lý”. Không tính thời gian nghỉ hè, một năm học có 280 ngày dạy thì năm đó trường đón hơn 500 đoàn khách khắp các huyện, thị (từ Vĩnh Linh trở ra) đến để tham quan, học tập mô hình Bắc Lý. Không chỉ các trường đến tham quan, mà nhiều nhà nghiên cứu cũng chọn Bắc Lý làm nơi tích lũy kinh nghiệm. Bà Đặng Bích Hà - vợ của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp - khi đó đang công tác tại Viện chương trình phương pháp (Bộ Giáo dục) cũng về Bắc Lý, “nằm vùng” tại trường đến ba tháng trời để dự giờ, nghiên cứu”.

Đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã mời đại diện nhà trường gióng hồi trống mở màn cho cuộc vận động “Học tập Trường Bắc Lý, thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa”.

Từ đây, các trường trên toàn miền Bắc náo nức theo phong trào “hai tốt” để “đuổi kịp và vượt Bắc Lý”.

Nhân tố nào đã làm nên một Bắc Lý khác biệt giữa những năm đạn bom ác liệt?

“Đó là cách dạy - học môn sinh học do thầy giáo Nguyễn Lê Hòa khởi xướng. Kéo học sinh đến trường không phải chỉ bắt học sinh ngay ngắn trong lớp nghe giảng mà phải đưa các em ra hòa nhập với thiên nhiên, được ngắm nghía, chăm sóc từng loại cây thầy vừa dạy trên lớp." - Thầy Nguyễn Văn Vỵ, nguyên phó hiệu trưởng nhà trường (những năm 1970 đến đầu những năm 1980), nhớ lại.

Một khu vườn sinh học trù phú với diện tích lên đến 600m² được dựng lên từ sự đóng góp của chính các bậc phụ huynh. Thế nào là cây rễ chùm, thế nào là cây rễ cọc mà chỉ chăm chăm xem hình trong sách sẽ chẳng khác gì một người mò kim trong túi.

Từ vườn sinh học, đã có thêm vườn địa lý, dựng lều khí tượng theo dõi thời tiết, rồi những giờ văn, giờ học vẽ được thoát ra bên ngoài, những câu ca dao về quê hương đất nước được kéo gần lại với cánh đồng lúa, với cánh cò của chính vùng quê các em đang sống.

Ngoài giờ học trên lớp, thầy trò lại cùng nhau xuống xưởng mộc, xưởng rèn, vào hợp tác xã triển khai phòng trừ sâu bệnh...

Những người gắn bó với Bắc Lý từ những năm 1960-1970 cũng không thể lý giải tường tận được hết những căn nguyên đã làm nên sức mạnh Bắc Lý. Lý do nào khiến các thầy cô của ngôi trường nơi vùng chiêm trũng nghèo khó cứ hết mình, hết sức, tận lực vì học sinh?

“Các thầy cô ở các tỉnh ngoài không về nhà được hằng ngày đã đành, chúng tôi ở xã bên, cách trường 2-3km cũng cắm chốt tại trường, cả tháng họa hoằn lắm mới về một lần. Dạy ở lớp là một phần, hết giờ còn phải tăng gia sản xuất, tối đến nhà trò kèm cặp, rồi ngày nghỉ thì hì hụi làm đồ dùng dạy học” - thầy Vỵ kể.

Sự tận tụy của những người thầy đã khiến cả xã vào cuộc cùng “hai tốt”. Xóm nào cũng cắt cử một gia đình phụ trách gõ kẻng, nhắc học sinh vào khuôn khổ, nền nếp. Sáng gõ kẻng cho học sinh đến trường đúng giờ, tối lại gõ kẻng cho học sinh vào bàn học.

Song có lẽ, cũng hiếm trường nào ngoài họp phụ huynh trên lớp còn tổ chức định kỳ hằng tháng, hằng tuần những buổi họp phụ huynh tại thôn, xóm để hiểu học sinh một cách toàn diện.

Bấy giờ, thầy cô giáo các địa phương đều làm việc theo sự điều động của Nhà nước. Thời hào hùng của quê hương “hai tốt”, Bắc Lý là nơi tụ hội của những giáo viên ở khắp mọi miền đất nước: từ Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng...

“Hai tốt” - bao giờ trở lại?

Dạy cho học trò biết suy nghĩ

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”, “Trống Bắc Lý” đã vang xa khắp mọi miền Tổ quốc. Năm 1982, trong dịp về thăm Bắc Lý, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: “Bắc Lý gợi những kinh nghiệm mà tôi cho là tốt: Dạy cái gì, dạy thế nào cho nó vào học trò, cho học trò biết suy nghĩ (...). Phương pháp tối ưu của giáo dục là làm cho học sinh biết suy nghĩ, phát huy tư duy”.

Trường THCS Bắc Lý giờ mang cơ ngơi khang trang của một ngôi trường được địa phương chăm chút. Đường vào trường mặt tiền rộng, trải bêtông láng bóng.

Tòa nhà chính ba tầng kéo dòng chữ “Tất cả vì học sinh thân yêu” vào trung tâm, làm nổi bật khẩu hiệu “Dạy thật tốt”, “Học thật tốt” được đặt ở hai bên.

“Nếu cứ hỏi: trở về trường nhìn thấy gì, chạm vào đâu sẽ rưng rưng nhất thì thật khó để trả lời khi ngoại cảnh đã hoàn toàn thay đổi. Nơi Trường cấp II Bắc Lý đứng chân giờ lại được xây thành Trường tiểu học Bắc Lý.

Còn Trường THCS Bắc Lý hiện tại được xây dựng trên nền đất hoàn toàn mới. Nhưng tình người, tình thầy trò thì lúc nào cũng vẫn đậm đà chất Bắc Lý” - thiếu tướng Đặng Nam Điền chia sẻ.

Bắc Lý nay đã qua thời hào hùng của đơn vị dẫn đầu ngành giáo dục. Nhiều trường chuyên trên khắp cả nước đã trùm hết các thứ hạng cao khi được đầu tư mạnh mẽ, sở hữu dồi dào những gương mặt học sinh xuất sắc đoạt giải trong nước và quốc tế. Bắc Lý lặng lẽ gom góp những thành tích khiêm tốn hơn, nên cái tên không còn được như thuở nào.

Ông Ngô Văn Hằng - hiệu trưởng Trường THCS Bắc Lý - khi khoe thành tích của nhà trường với chúng tôi chẳng kể những giải nọ giải kia, cũng chẳng đưa ra tốc độ phổ cập giáo dục, mà chỉ nhỏ nhẹ nói về cách giáo dục đạo đức, xây dựng nền nếp, kỷ cương trong nhà trường.

“Học sinh lớp 9 đã được giáo dục tiền nghề nghiệp, hiểu một số nghề. Đặc biệt các nghề phát triển kinh tế tại địa phương như nghề may, chăn nuôi dùng đệm lót sinh học, đến thăm các cơ sở làm mộc nhĩ, nấm hương... Quan trọng là giáo dục toàn diện cho các em, gắn học với hành” - ông Hằng nhấn mạnh.

Không phải ngẫu nhiên mà ngôi trường nơi quê nghèo được hai lần đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động. Càng không phải vô cớ mà ngay khi Hội nghị trung ương lần thứ 8 thông qua nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Bộ GD-ĐT đã phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội thảo đặc biệt “Làm theo lời Bác, phát huy truyền thống Bắc Lý, thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông” ngay trên quê hương của phong trào “hai tốt”.

Dòng chảy Bắc Lý hấp dẫn trở lại trong thời kỳ tư duy giáo dục cần phải thay đổi từ chăm chăm lý thuyết, tầm chương trích cú, sách vở chung chung sang học gắn với thực hành, tăng cường trang bị kỹ năng sống cho học sinh.

Có lẽ hơn khi nào hết, ngành giáo dục hiện nay mong có một điểm sáng Bắc Lý như xưa để đưa phong trào “hai tốt” thật sự trở về, dựng lại niềm tin cho giáo dục vốn bị cho là chậm đổi mới trong suốt một thời gian dài.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên