01/07/2014 05:55 GMT+7

Khách hàng là "thượng đế"?

JENNY NGUYỄN (Tân Bình)
JENNY NGUYỄN (Tân Bình)

TT - Thứ bảy vừa qua hàng trăm người đang xem phim trong cụm rạp C ở Tân Phú bị một phen hoảng loạn khi chuông báo cháy reo ầm ĩ, ai nấy nháo nhào chạy ra khỏi rạp thoát thân...

GYLHNs0F.jpg

Mãi gần 30 phút sau trật tự ở đây mới được lập lại. Thì ra chẳng có vụ cháy nào cả. Tất cả chỉ vì một nhóm khách hàng hút thuốc lá ở tầng bốn - khu ẩm thực có máy lạnh nên máy phát hiện khói đã báo động giả!

Hút thuốc trong phòng lạnh là chuyện hết sức bình thường ở Việt Nam. Hút thuốc ở những nơi có cảnh báo “Cấm hút thuốc” là chuyện không có gì lạ ở xứ ta. Vẫn hút thuốc khi bị nhắc nhở cũng là chuyện “vô tư đi” ở nước mình. Lý do: đấy là chuyện diễn ra ở những nơi mà khách hàng là “thượng đế”!

Rất nhiều lần tôi đã là “người trong cuộc” bất đắc dĩ của chuyện hút thuốc trong phòng lạnh. Vào các phòng lạnh karaoke N nực nồng thuốc lá, tôi phản ảnh nhân viên, các bạn cười thoải mái giải thích: “Khách hàng hút đó ạ. Chị chịu khó tí. Lát hồi hết ngay đó mà”.

Đi ăn ở quán phở X - một trong những nơi được xem là bán phở lịch sự, văn minh của Sài Gòn, phòng lạnh không gian kín vậy mà mấy người khách ngồi bàn kế vẫn phì phèo thuốc lá mặc cho trẻ con ho sặc sụa. Tôi có ý kiến với nhân viên, bạn này thì thào: “Dạ, khó nói lắm chị ơi...”. Thì ra vì sự thoải mái của khách hàng này, những người làm dịch vụ sẵn sàng để khách hàng khác bị làm phiền...

Đi du lịch Nhật, tôi và con gái bị một phen tẽn tò khi hai mẹ con cầm cây kem bước vào một cửa hiệu bán đồ lưu niệm. Quen ở Việt Nam, chuyện cầm bánh trái đang ăn dở dang đi vào cửa hiệu nào đó là bình thường. Nhưng ở Nhật điều đó bị cấm hoàn toàn. Nhân viên hết sức lịch sự nhưng cương quyết mời hai mẹ con ra khỏi cửa hiệu, họ ra dấu “Ăn xong rồi hãy vào”!

Không chỉ mẹ con tôi, 4-5 người khách phương Tây cũng bị “ăn đứng tập thể” trước cửa hiệu này. Mà lúc đó trong cửa hiệu lại vắng hoe, không có người khách nào. Trong trường hợp này rõ ràng không phải “thượng đế” muốn làm gì thì làm, dù chủ hiệu đang rất cần khách hàng.

Tôn trọng khách hàng, nhưng cũng bắt buộc khách hàng phải tôn trọng những khách hàng khác và tuân theo những quy định của mình. Đó là cách mà người Nhật ứng xử với “thượng đế” của mình. Điều này khá khó để áp dụng ở xứ ta, khi đa số “thượng đế” coi mình là nhất, chỉ thích hành xử theo ý thích của mình. Còn những người phục vụ “thượng đế” thì vì lợi nhuận, vì cái sự “xin cho hai chữ bình yên!” ăn sâu trong tiềm thức, sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ cho “thượng đế” muốn làm gì thì làm...

JENNY NGUYỄN (Tân Bình)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên