03/05/2014 10:37 GMT+7

Kỳ cuối: An toàn trên hết

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Đã từng có những lùm xùm xảy ra ở nơi này nơi kia trong một vài khóa huấn luyện “Học kỳ trong quân đội” các năm trước đây nên đảm bảo an toàn cho học viên được xem là yếu tố hàng đầu.

Kỳ 1: Đi tìm cái mới Đưa học kỳ trong quân đội vào nề nếp

trg51ZN2.jpgPhóng to
Hành quân đêm trong khóa huấn luyện “Học kỳ trong quân đội” tại Côn Đảo của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh: Q.L.

Chuẩn bị cho chương trình huấn luyện hè 2014 sắp tới, ngoài cam kết của các đơn vị được phép tổ chức các khóa huấn luyện, Trung ương Đoàn và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN cũng đã ngồi cùng nhau để thống nhất nhiều nội dung.

Không thể ai muốn làm cũng được

Phần lớn đề xuất từ các tỉnh, thành đoàn tại cuộc làm việc mới đây do Trung ương Đoàn tổ chức đều gặp nhau ở chỗ phải chấn chỉnh ngay việc tổ chức “Học kỳ trong quân đội”. Theo hướng dẫn liên tịch giữa Trung ương Đoàn và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN, chỉ tổ chức Đoàn mới được phối hợp với các đơn vị quân đội, cơ quan quân sự tại địa phương tham gia tổ chức các khóa huấn luyện này. Anh Nguyễn Phú Điền (Tỉnh đoàn Đồng Tháp) đề nghị phải quy định rõ cơ quan được phép tổ chức vì có nơi đã xảy ra tình trạng công ty bên ngoài mượn danh nghĩa xã đoàn để tổ chức “Học kỳ trong quân đội”.

Anh Dương Hoàng Vũ (Tỉnh đoàn Nghệ An) cho rằng cần quy định rõ chỉ có cấp tỉnh, thành đoàn mới được phép tổ chức hoặc giao cho các đơn vị trực thuộc đứng ra tổ chức các khóa huấn luyện. “Ngoài ra, việc tổ chức phải là sự phối hợp của Đoàn, cơ quan quân sự và ngành giáo dục tại địa phương vì hiện nay chưa có sự tham gia của ngành giáo dục” - anh Vũ nói.

Chia sẻ quan điểm này, anh Phan Thành Hổ (Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam) đề nghị không thể để ai, đơn vị nào muốn tổ chức “Học kỳ trong quân đội” cũng được. “Không thể mở rộng quyền tổ chức đến các quận huyện đoàn vì như vậy chẳng khác nào cung cấp cho họ lá bùa để các đơn vị bên ngoài mượn danh nghĩa tổ chức và không ai dám đảm bảo chất lượng, an toàn trong huấn luyện” - anh Hổ đề nghị.

An toàn và tuyệt đối an toàn

Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học viên suốt quá trình huấn luyện là điều được trung tướng Đào Duy Minh - phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN - nhắc lại rất nhiều lần với các đơn vị. “Quy định không cho ngủ giường tầng, không học bơi trong đơn vị quân đội phải tuyệt đối được chấp hành nghiêm. Các đơn vị không được linh động hay vận dụng gì ở đây vì mục tiêu cuối cùng là sự an toàn cho các cháu” - ông Minh nhấn mạnh.

Để đảm bảo chất lượng huấn luyện, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã ký liên tịch với Trường quân sự Quân đoàn 4 phối hợp nhiều hoạt động, trong đó có nội dung đầu tư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực tham gia các khóa huấn luyện “Học kỳ trong quân đội”. Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên Nguyễn Quang Cường cho rằng hai bên vốn đã phối hợp với nhau rất tốt, song việc ký liên tịch đồng nghĩa với việc hai bên cùng tăng trách nhiệm và chia sẻ với nhau nhiều hơn để mang đến những khóa huấn luyện hiệu quả cho các chiến sĩ nhí.

Còn Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam ngoài việc khảo sát, chọn lựa kỹ các đối tác, đơn vị quân đội để phối hợp trong hè này còn chuẩn bị các điều kiện vệ sinh, phòng dịch cần thiết trước khi học viên bước vào đợt huấn luyện. Anh Phan Thành Hổ cho biết trước khi đưa học viên đến đơn vị quân đội sẽ có lực lượng đi trước dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc chống muỗi, đảm bảo môi trường an toàn cho học viên. Cạnh đó chọn lựa đội ngũ huấn luyện, điều phối viên cũng được chuẩn bị kỹ càng để không xảy ra bất cứ chuyện đáng tiếc hay có những phát sinh nào gây phiền phức cho phụ huynh, học viên.

Trung tướng Đào Duy Minh lưu ý các đơn vị tổ chức bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe thật kỹ cho học viên ngay lúc chiêu sinh để đảm bảo các học viên tham gia phải đủ sức khỏe, tránh những phát sinh không hay sau đó. “Chúng ta làm “Học kỳ trong quân đội” hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu xã hội, phụ huynh sẵn sàng chi tiền cho con mình tham gia rèn luyện, vậy việc của Đoàn và quân đội là phải phối hợp huấn luyện tốt mà mục tiêu cuối cùng là các cháu phải trưởng thành hơn” - ông Minh nói.

Hậu “Học kỳ trong quân đội”

Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung Lê Văn Ri cho rằng điều cần quan tâm không chỉ trong quá trình huấn luyện mà phải là hậu “Học kỳ trong quân đội”. Theo ông Ri, nhu cầu xã hội cũng như kỳ vọng của phụ huynh khi gửi con tham gia “Học kỳ trong quân đội” rất lớn nên nếu học viên chỉ thay đổi trong vài ngày huấn luyện ngắn ngủi, còn khi trở về lại đâu vào đó thì e là tác dụng giáo dục ngược, khiến phụ huynh thất vọng.

“Năm nay trung tâm sẽ thiết lập hồ sơ điện tử cho học viên trong suốt quá trình tham gia khóa huấn luyện để phụ huynh ở nhà cũng có thể truy cập và nắm được con mình đang ở tình trạng ra sao” - giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam Trần Thị Kim Liên cho biết. Hồ sơ này không kết thúc ngay sau khi hết thời gian huấn luyện mà sẽ tiếp tục kết nối sau đó, tạo ra kênh liên lạc giữa gia đình học viên với trung tâm để theo dõi sự biến chuyển, thay đổi của học viên sau khi tham gia “Học kỳ trong quân đội” trở về.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên