19/04/2014 02:40 GMT+7

Cần sự đồng thuận từ cơ sở

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ về đảm nhiệm chức danh phó chủ tịch UBND xã của 62 huyện nghèo do Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Trung ương Đoàn đã tiến hành được 3/5 năm.

Kỳ 1:Trí thức trẻ về phường, xã

qs5WqY2k.jpg
Đội viên Nguyễn Thành Phong (trái) được điều về nông thôn tỉnh Bắc Giang, trao đổi với bà con nông dân về mô hình trồng khoai tây sản lượng cao - Ảnh: Thành Phong

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với TS Vũ Đăng Minh - vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), trưởng ban quản lý dự án này - về hiệu quả, bài học từ dự án này. Ông Minh cho biết:

- Dự án được khởi động từ tháng 5-2011 và đã tuyển chọn được 580 đội viên về đảm đương chức danh phó chủ tịch UBND xã của 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh trên cả nước. Đến nay các đội viên đã về đảm đương chức danh phó chủ tịch xã tại các địa phương và đã có những đóng góp ban đầu.

"Theo chỉ đạo của Thủ tướng mới đây, trong trường hợp đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có thể điều động, đề bạt thành chức danh lãnh đạo hoặc chuyển nhiệm vụ khác phù hợp mà không cần hết thời hạn năm năm"

Ông Vũ Đăng Minh

* Sau ba năm, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của dự án?

- Chúng tôi nhận thấy rất nhiều tín hiệu vui, khả quan. Sau ba năm về cơ sở, các đội viên (chỉ các trí thức trẻ - PV) đã tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện các đề án, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, giúp nông dân làm kinh tế. Trong số 580 bạn, có trên 84% hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành khá ở 11%, còn mức trung bình chưa đầy 4%...

Đặc biệt nhiều đội viên được đề xuất chuyển lên huyện để bố trí giữ chức trưởng hoặc phó phòng ban chuyên môn của huyện.

* Nhưng cũng có dư luận là nhiều bạn nản ngay khi vào thực tế?

- Điều này đương nhiên khó tránh khỏi. Sau khi hoàn thành tuyển chọn và tập huấn, các đội viên có khí thế rất cao, tuy nhiên khi mới triển khai xuống trực tiếp ở cơ sở, không ít em đã phải chùn. Có đội viên khi xuống xã nhận công tác thấy khó khăn quá đã... nản và định bỏ cuộc. Tuy nhiên, hầu hết chúng tôi đều phát hiện kịp thời và động viên để các em vững vàng ở lại công tác.

fvc4dkXG.jpg
Ông Vũ Đăng Minh - Ảnh: N.Khánh

* Nhưng không phải địa phương nào cũng hồ hởi đón nhận lực lượng này?

- Đúng là có một số nơi đội viên gặp khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Mục tiêu đưa các em về địa phương nhằm giúp địa phương phát triển đi lên. Tuy nhiên kinh nghiệm thực tế cho thấy muốn điều đó thành công quan trọng trước hết chính đội viên đó phải nhận được sự phối hợp, “đỡ đầu” của chính địa phương đó. Công việc hằng ngày có thể làm tốt nhưng để giải quyết những xung đột, phức tạp phát sinh, bắt buộc các đội viên phải có sự hỗ trợ từ lãnh đạo đi trước. Dù vậy, đây chỉ là những vụ việc cá biệt.

* Sau ba năm, bài học rút ra cho dự án này là gì, thưa ông?

- Trước khi triển khai các đội viên về địa phương, Bộ Nội vụ triệu tập thường trực UBND tỉnh, 64 huyện, đại diện lãnh đạo ban tổ chức Tỉnh ủy, giám đốc Sở Nội vụ, Tỉnh đoàn, trưởng phòng của Sở Nội vụ phụ trách trực tiếp để tập huấn quán triệt mọi vấn đề về dự án. Quy trình cực kỳ chặt chẽ và khoa học từ trung ương.

Tuy nhiên bài học lớn lại nằm ở khâu tuyên truyền để tạo sự đồng thuận từ cơ sở. Thông thường sau hội nghị tập huấn ở địa phương, các tỉnh sẽ phải tiếp tục tổ chức thêm một hội nghị khác để triển khai ở tỉnh, song thực tế “nơi làm nơi không”.

Chính vì điều này dẫn tới một số xã người ta không hiểu được mục tiêu dự án, do đó họ đã phản ứng. Tuy nhiên, phần lớn đều tiếp nhận và phát huy trí tuệ, năng lực của các đội viên rất tốt, đem lại sự thay đổi nhất định cho địa phương và giúp các bạn trẻ có môi trường trui rèn, thể hiện.

Đang nhận hồ sơ tuyển trí thức trẻ về xã nghèo

Hiện Bộ Nội vụ cũng đang chủ trì một dự án khác, đưa trí thức trẻ về công tác tại 34 địa phương trên cả nước. Những trí thức trẻ này sau khi được tuyển chọn sẽ về các xã nghèo của các tỉnh nói trên đảm nhiệm các chức danh phụ trách về năm lĩnh vực: văn phòng, địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội. Bắt đầu từ tháng 4-2014 Bộ Nội vụ sẽ nhận hồ sơ của các ứng viên, trong tháng 5 sẽ tiến hành thi tuyển.

Điều kiện tham gia là những thanh niên tuổi đời dưới 30, có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu chuyên môn đối với từng chức danh công chức cấp xã. Ví dụ như chức danh địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường thì cần tốt nghiệp một trong những chuyên ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, kiến trúc quy hoạch, giao thông, môi trường...

Ứng viên có thể nhận mẫu hồ sơ tại các sở, phòng nội vụ địa phương hoặc trên trang điện tử chinhphu.vn, duan600.vn.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên