31/01/2014 10:52 GMT+7

Sài Gòn là phần đời khó quên

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TTXuân - Có lần, anh chàng Aaron Toronto, người Mỹ, khi đang làm việc với một người bạn Việt Nam ở Sài Gòn thì bất chợt hỏi bằng tiếng Việt: “Chữ “hợp đồng” tiếng Mỹ là gì, anh quên rồi?”.

0HvLCwNJ.jpg
Yanneth Albornoz tại “buổi tiệc nghệ thuật” đầu tiên của cô ở Sài Gòn tháng 10-2013 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô bạn Việt Nam tưởng anh đùa nên nói vui rằng cô cũng không nhớ. Ngờ đâu anh chàng… quên thật! Rồi anh xua tay phân bua rằng 10 năm nay sống ở Sài Gòn làm đủ thứ việc (đạo diễn, dựng phim, diễn viên, nhà sản xuất...) và nói tiếng Việt nhiều quá nên đôi khi bị… “mê sảng” quên luôn tiếng Mỹ! Không đến nỗi “khó đỡ” như Aaron nhưng Sài Gòn cũng đang có nhiều “ca” khác dù chẳng hề liên quan nhưng lại chọn thành phố này như một nơi để trở về hay ở lại, để thỏa sức sáng tạo hay chỉ để ghi nhớ những điều nhỏ bé thường ngày.

Những hình dung Sài Gòn

Hai năm trước có một dạo giới trẻ Sài Gòn rủ nhau tìm đến một khu giải tỏa ở Thủ Thiêm để chụp ảnh cùng những hình vẽ graffiti ấn tượng của hai anh chàng nghệ sĩ người Pháp Seth và Dem. Đó là những hình vẽ “không thể Việt Nam hơn”: cô gái mặc áo dài hồng đang nằm ngủ, cô gái đội nón lá, em bé học sinh quàng khăn đỏ, cô gái che dù bên hoa sen… Sài Gòn khi đó trong mắt Seth và Dem là một buổi sớm mai náo nhiệt, một buổi tan trường rộn ràng hay những tà áo dài trên phố.

Còn Sài Gòn mới đây trong góc nhìn của hai nghệ sĩ sáng tạo khác đến từ New Zealand là Regan Tamanui (hay còn được gọi là Ha-Ha) và Regan Vause (còn được gọi là Re-Re) thì đầy biểu cảm qua những khuôn mặt người, những khẩu hiệu, những chiếc xe máy. Ha-Ha được xem là một trong 50 nghệ sĩ đường phố có tầm ảnh hưởng lớn. Trong hành trình xuyên châu Á của mình, ông đã chọn Sài Gòn làm điểm dừng dài hạn và dọn đến sống trong một container của Saigon Outcast cuối năm 2013.

Tại đây, Ha-Ha đã gặp người bạn đồng hương Re-Re - một nghệ sĩ sáng tạo đã sống tại Sài Gòn hơn hai năm và là người khởi xướng Dự án nghệ thuật Đông Dương (The Indochina project) rất thành công. Ha-Ha và Re-Re đã cùng nhau thực hiện những bức vẽ lớn trên tường về những đề tài “không thể Sài Gòn hơn”. Rồi họ cùng nhau dạy vẽ cho trẻ em, tổ chức triển lãm mang tên Phác họa gồm những chân dung độc đáo kết hợp từ những khuôn mặt người khác nhau trên chất liệu giấy nến được cắt thủ công bằng tay.

Trong khi đó, một họa sĩ khác là Kristopher Kotcher đến từ Texas (Mỹ) cũng vừa mới “hạ cánh an toàn” ở Sài Gòn sau một thời gian chu du châu Á. Ngay lập tức, anh đã bị thành phố này quyến rũ và quyết định thành lập câu lạc bộ Saigon Doodle nhằm chia sẻ với những bạn trẻ Sài Gòn cách vẽ truyện tranh và làm phim hoạt hình - lĩnh vực anh đang theo đuổi.

Còn Yanneth Albornoz lại là một nữ nghệ sĩ tài năng đến từ đất nước Panama xa xôi, vừa chào sân Sài Gòn vào cuối tháng 10-2013 trong một buổi trình diễn vẽ tranh trực tiếp cùng mọi người của dự án Gogo City nhằm kết nối nghệ thuật với người xem. Những ngày tháng ở Sài Gòn, Yanneth đã liên tục vẽ nhiều bức tranh mới. Đó là những tác phẩm kết hợp sự nồng nhiệt hoang dã của vùng Caribê quê hương cô với thứ năng lượng ngồn ngộn của Sài Gòn.

91ypskCK.jpg
Regan Vause thực hiện bức vẽ của mình trong buổi triển lãm của Dự án Đông Dương ở... bãi giữ xe trên đường Đông Du - Ảnh: Nina Nagual

Nhật ký Sài Gòn

“TP Ho Chi Minh: megacity” (TP Hồ Chí Minh: đại đô thị) là tên một dự án hình ảnh được tiến sĩ Michael Waibel và Henning Hilbert đến từ Đức khởi xướng. Mọi chuyện bắt đầu từ những buổi chiều tháng 3-2013 khi Michael đứng trên tầng thượng những tòa nhà cao tầng ở Sài Gòn và ngắm nhìn một thành phố sinh động không ngờ. Tại đó ông gặp người bạn đồng hương Henning Hilbert làm trong ngành quảng cáo và cả hai đã nảy ra ý tưởng về một cuốn sách tập hợp những tư liệu hình ảnh về Sài Gòn đang trên đường phát triển thành một đại đô thị đầu tiên của Việt Nam.

Cuốn sách kêu gọi sự tham gia của mọi người và được chia thành 12 chương với các nội dung: thành phố nhìn từ trên cao, làng trong phố và phố trong làng, tình xóm giềng trong những con hẻm nhỏ, biệt thự và ổ chuột, khu vực Thủ Thiêm, triều cường, giao thông, giấc mơ của người trẻ, khuôn mặt Sài Gòn, tâm hồn Sài Gòn… Cuốn sách được thực hiện trong thời gian từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 12-2013 bằng ba thứ tiếng Việt - Anh - Đức và là một dự án phi lợi nhuận được Viện Goethe tài trợ.

Trong một cách làm khác để ghi lại nhật ký Sài Gòn, Rob Whitworth - nhiếp ảnh gia người Anh - đã sử dụng kỹ xảo time-lapse chụp khoảng 10.000 tấm ảnh bằng máy chuyên nghiệp rồi ghép lại bằng phần mềm chuyên dụng thành một video clip ghi lại những chuyển động chóng mặt của giao thông trên các con đường và dòng sông ở Sài Gòn.

Đoạn video đã thắng giải Phim thử nghiệm hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Tiburon 2012 và được trình chiếu chính thức ở DisOrient Asian American Film Festival of Oregon 2012, Mudfest 2012 và ANIMAYO 2012. Rob bảo: “Tất cả mọi người khi đến Sài Gòn đều sẽ có hai thái cực: hoặc rất thích hoặc rất ghét về chuyện giao thông. Còn tôi thì nghĩ Sài Gòn là một thành phố chuyển động kỳ lạ nhất khác hẳn với những nơi tôi từng đi qua, những gì mà tôi từng trải nghiệm. Vậy nên tôi muốn ghi lại và chia sẻ từng khoảnh khắc này”.

Tâm sự Sài Gòn

Trong tiếng Việt, “ăn đu đủ” là một động từ, nhưng lại được anh bạn Dave (còn gọi là Allo) đến từ xứ sở chuột túi chọn làm tên Việt Nam của mình khi ở Sài Gòn. Và Không muốn ăn thịt chó là tên bài hát anh chàng này sáng tác và đệm đàn để nói về hành trình gian nan học tiếng Việt. Mở đầu bài hát là đoạn giới thiệu: “Tôi tên là Ăn Đu Đủ, học tiếng Việt mấy năm rồi nhưng học chưa đủ”. Rồi thì Ăn Đu Đủ bắt đầu hát “học tiếng Việt quá khó, không dễ như ăn cháo”, nhưng “tôi thích Việt Nam và muốn có nhiều bạn”.

Có điều là vài người bạn Việt Nam cứ dụ Ăn Đu Đủ ăn… cầy tơ và nước mắm để nói tiếng Việt giỏi hơn(?!). Nước mắm thì Ăn Đu Đủ đã thử nhưng món cầy tơ thì không. Theo anh, chỉ cần mọi người chịu khó và kiên nhẫn nghe anh nói tiếng Việt thì… từ từ sẽ hiểu. Bây giờ Ăn Đu Đủ đã nói tiếng Việt giỏi hơn một chút, vì theo nguyên văn lời anh hát là “hết sảy con bà Bảy”. Bài hát này khi được đưa lên YouTube đã thu hút hàng ngàn lượt theo dõi của các bạn trẻ Việt vì tâm sự đáng yêu và chân thành của một anh chàng nhà văn kiêm nhiếp ảnh gia đến từ Úc này.

Còn như anh bạn Mark Batchelor trong một đêm mất điện ở Sài Gòn và không thể dùng máy tính hay vào mạng, anh đã quyết định lấy giấy bút để... làm một bài thơ về những trải nghiệm Sài Gòn của mình, mà anh gọi là Ode to Saigon (Lời ngợi ca Sài Gòn). Bài thơ nói về một cuốn sách anh đọc, một bộ phim anh xem, về những kiến trúc từ thời thuộc địa, về những chiếc xe máy cũ, về những cơn mưa bất chợt… Và cuối cùng thì anh cảm ơn Sài Gòn:

Vậy nên cảm ơn Sài Gòn vì chúng tôi đã ở đây để nâng ly cùng nhauBạn đến từ đâu và vì sao bạn ở đây, thật khác biệt và không rõ ràngNhưng hãy cứ tận hưởng thành phố tươi đẹp này cùng những chai bia lạnh.

Đối với họ, những người nước ngoài vì một lý do nào đó mà đến Sài Gòn, thì những tháng ngày sống giữa sự chuyển động quay cuồng của thành phố này có thể là những ký ức đẹp, nhưng cũng có thể là những “nỗi niềm”. Và tất cả sẽ trở thành một phần đời khó quên, như cách mà Davide Dominici - nhà làm phim tài liệu người Ý - trước khi trở về Milan sau hai năm ở Sài Gòn đã nói: “Sài Gòn là những ám ảnh không ngờ…”.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên