14/12/2013 02:11 GMT+7

Biến nỗi đau thành ý chí vượt khó

NGÔ THIÊN PHÚC
NGÔ THIÊN PHÚC

TT - Tưởng chừng đã gục ngã bên dòng đời quá nhiều khổ đau bất hạnh, thế nhưng ba cô bé mồ côi ấy vẫn đứng vững trên con đường chinh phục ước mơ con chữ của mình.

Ba câu chuyện cổ tích giữa đời thường ấy đã được viết bằng một ý chí mãnh liệt...

g1zxMkrs.jpg
Trần Thị Hằng đang chạy bàn - Ảnh: N.T.Phúc

Chạy bàn kiếm sống

Sinh ra trong một gia đình nghèo bên dòng sông Lũy, mới tròn 3 tuổi cô bé Trần Thị Hằng (lớp 11A3 Trường THPT Hòa Đa, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã mất ba.

Sau khi ba mất, mẹ lấy chồng khác và đưa Hằng về sống chung với ba dượng, còn anh chị vẫn ở với bà nội. Đến tuổi đi học, mẹ lại gửi em về ở cùng một người quen để đi học. Do công việc buôn bán của mẹ nay đây mai đó nên Hằng phải chuyển trường không biết bao lần để có nơi nương tựa mà học tập.

Đến năm 10 tuổi, mẹ Hằng đổ bệnh tâm thần rồi mất sau đó vài tháng. Lúc này chị gái đầu đã bỏ học, rời quê vào Sài Gòn làm thuê nên Hằng và anh trai về sống chung với bà nội. Khi nỗi đau mất mẹ chưa nguôi thì anh trai lại phát bệnh tâm thần. Kể từ đó, sau giờ học, Hằng chăm sóc anh và đi làm thuê đủ mọi việc từ làm sò, rọc cá, chạy bàn... để có tiền trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho anh. “Anh học giỏi lắm, đến lúc phát bệnh chỉ biết đi lang thang. Những lần tỉnh hiếm hoi anh lại khóc và khuyên em không được nghỉ học, nên dù có khó khăn đến đâu em cũng phải đi học, em không chỉ học cho em mà còn học cho cả anh và chị” - Hằng tâm sự.

Hiện tại Hằng đang ở với cô ruột, sau giờ học Hằng chạy bàn tại một quán lẩu từ 18g-22g mỗi đêm. đây là nơi Hằng đã làm suốt bốn năm nay để có tiền lo toan bộn bề cuộc sống.

“Tinh thần lạc quan hiếm thấy và ý chí thép đã giúp Hằng vượt lên tất cả khó khăn để học tập tốt, nuôi dưỡng ước mơ con chữ của mình” - cô Lê Thị Tuyết Diễm, chủ nhiệm lớp 11A3, bộc bạch.

R1V4TuUO.jpg
Hương đang bóc hạt điều - Ảnh: N.T.P.

Chị cả tảo tần

Trong lá thư gửi đến báo Tuổi Trẻ, Nguyễn Thị Lan Hương, lớp 9/3 Trường THCS Ngô Quyền, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), viết: “Những đêm bình yên nhất của mấy chị em chính là khi nhìn thấy ba ngủ ngon giấc...”.

Ngày mẹ Hương mất, ba cũng bắt đầu đổ bệnh tâm thần, không còn khả năng lao động. Nguồn sống chính cho cả gia đình đều nhờ vào thu nhập ít ỏi của mấy chị em. Hằng ngày Hương nhận hạt điều từ một xưởng sản xuất về bóc vỏ với tiền công 60.000 đồng/10kg, một ngày mấy chị em kiếm được khoảng 20.000 đồng tiền công. Vào những ngày rằm hay mồng một, Hương dẫn các em lên chùa bán nhang kiếm thêm tiền, thời gian rảnh rỗi Hương đi hái rau ra chợ bán, đập gòn...

Thương ba và mấy em, nhiều lúc Hương có ý định nghỉ học để đi làm, nhưng rồi Hương nghĩ không có việc gì thoát nghèo bằng việc học thật giỏi. Chính vì vậy dù gặp vô vàn khó khăn vất vả, thời gian dành cho việc học không nhiều nhưng Hương vẫn luôn học tập tốt, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, là một cán bộ lớp gương mẫu, năng nổ.

Khi biết tin nhận học bổng “Cùng bạn vượt khó” của báo Tuổi Trẻ, Hương tâm sự: “Vậy là ba chị em có tiền đóng tiền học trên trường rồi, nhà trường nhắc hoài mà không biết xoay đâu ra vì gia đình đã nợ cô chú hàng xóm và người quen cũng nhiều. Mấy hôm nay mấy chị em cố gắng bóc hạt điều nhiều thêm tí nhưng thu nhập cũng chẳng bao nhiêu...”.

Gắng học vì bà

Hơn bảy năm nay, nhiều người tại khu xóm lò heo (phường Hòa Bình, TP Biên Hòa) đã quá quen thuộc với hình ảnh một cụ già gầy gò ốm yếu rau cháo qua ngày để nuôi đứa cháu ngoại. Người cháu ngoại ấy là cô nữ sinh Ngô Ái Hân, học sinh lớp 12C11 Trường THPT Nam Hà (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Sinh ra không một lần biết mặt cha mẹ, cô bé lớn lên cùng người mẹ nuôi đã bao dung che chở nhận em về từ một bệnh viện khu công nghiệp. Ngày mưa cũng như ngày nắng, bên chiếc xe bánh mì cực nhọc ở hè phố, mẹ nuôi Hân ăn học khôn lớn cùng một người anh bị bại não.

pmgwAHYg.jpg
Ái Hân chăm sóc bà - Ảnh: N.T.P.

Nhưng khi Hân tròn 10 tuổi, cô bé lại phải chịu cảnh mồ côi lần thứ hai trong đời khi người mẹ nuôi thân yêu mất đi. Sau đó vài năm, người anh bị bại não cũng mất. Kể từ đó Hân và bà ngoại già yếu sống chật vật qua ngày bằng tiền trợ cấp của địa phương và những tấm lòng của bà con chòm xóm. Tiền đi

học, sách vở hay các khoản phí ở trường của Hân đều nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Sau giờ học Hân cần mẫn chăm sóc bà từ ăn uống, tắm giặt... vì bà chỉ nằm một chỗ, không thể đi lại được. Cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết, hàng xóm nơi Hân ở, cho biết: “Khi bà ngoại còn khỏe thì làm lụng rau cháo để nuôi cháu, nay bà đã già yếu, số tiền trợ cấp của chính quyền địa phương chẳng là bao, không biết con bé lấy tiền đâu mà tiếp tục đi học sau này”.

Cảnh nhà khó khăn nhưng Hân luôn phấn đấu để học tập tốt, nhiều năm liền em là học sinh giỏi. Hân bảo mong muốn lớn nhất của em là sau này trở thành một nhà thiết kế nội thất, nên dù đứng trước hoàn cảnh éo le của số phận, Hân vẫn tin rằng mình sẽ làm mọi việc để đi đến cùng ước mơ.

Nâng bước học trò mồ côi

308 học sinh THCS và THPT mồ côi, vượt khó, học giỏi đến từ bảy tỉnh, thành Đông Nam bộ sẽ được tuyên dương và nhận học bổng “Cùng bạn vượt khó” năm 2013. Dịp này, 19 giáo viên tận tụy với nghề cũng sẽ được vinh danh và trao thưởng. Chương trình do báo Tuổi Trẻ, bảy tỉnh thành đoàn và sở GD-ĐT khu vực Đông Nam bộ tổ chức với sự tài trợ của Công ty TNHH Amway Việt Nam. Lễ trao học bổng kết hợp tham quan và huấn luyện kỹ năng sống được tổ chức trong hai ngày 13 và 14-12 tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Được biết vào năm 2012, Công ty TNHH Amway Việt Nam đã tài trợ gần 600 triệu đồng, trao 150 suất học bổng cho học trò học giỏi, hiếu thảo, vượt khó mưu sinh, có nguy cơ bỏ học thuộc năm huyện ngoại thành TP.HCM gồm Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi. Từ năm 2013-2015, Công ty Amway cam kết tài trợ 3 tỉ đồng để hỗ trợ các hoạt động giáo dục giới trẻ thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ.

THÁI BÌNH

NGÔ THIÊN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên