23/05/2013 06:19 GMT+7

"Tôi không thích đi theo lối mòn!"

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TT - “Đối thoại tuổi đôi mươi” - chuyên mục mới trên Nhịp sống trẻ - là cuộc trò chuyện, tâm tình với những người có ảnh hưởng trong xã hội về những vấn đề giới trẻ quan tâm.

4ux94zKD.jpgPhóng to
Huỳnh Ngọc Châu (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến hoạt động ngoại khóa cùng bạn bè tại Nhật - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cô gái học giỏi

Ngoài thành tích 12 năm liền là học sinh xuất sắc, Huỳnh Ngọc Châu còn là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học toàn TP.HCM (niên khóa 1998-2001). Nhận học bổng du học tại Nhật, Ngọc Châu tiếp tục được giới truyền thông trong nước lẫn Nhật Bản vinh danh nhờ liên tiếp đạt nhiều thành tích: sinh viên quốc tế đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa trong lịch sử 100 năm của Học viện Công nghệ Kyoto, được Chính phủ Nhật cấp tiếp học bổng lên thạc sĩ và tiến sĩ, giải thưởng sinh viên có phát biểu xuất sắc tại hội thảo khoa học của Hiệp hội Hóa dầu Nhật Bản 2010, từng có nghiên cứu được chọn để trình bày tại hội thảo khoa học của Hiệp hội Hóa dầu Mỹ AOCS...

Hiện Ngọc Châu đang làm việc tại Tập đoàn mỹ phẩm Naris và dự định sẽ về VN làm việc sau ba năm tới.

Lần này là câu chuyện của một tiến sĩ ở tuổi 30 - bạn Huỳnh Ngọc Châu (1983, tiến sĩ hóa học Học viện Công nghệ Kyoto) hiện là một trong những niềm tự hào của giới du học sinh Việt tại Nhật.

Từ Nhật Bản, Ngọc Châu đã dành cho NST cuộc trò chuyện về phương pháp học của bản thân cùng những nhắn nhủ với các sĩ tử sắp bước vào những kỳ thi quan trọng.

* Thật ngạc nhiên khi biết Ngọc Châu không chọn thi vào trường chuyên, lớp chọn thời cấp III...

- Tôi rất may mắn vì được gia đình tin tưởng, không phải gánh nhiều áp lực trong việc học tập, chọn trường. Điều duy nhất gia đình làm là giúp tôi nhận ra được giá trị của việc học và sự cố gắng của bản thân.

Thời điểm đó, bạn bè ai cũng nghĩ tôi với thành tích học xuất sắc sẽ “đầu quân” vào một trường cấp III chuyên, và chỉ có vào trường chuyên lớp chọn thì học mới giỏi và thi đậu đại học, nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi tin là nếu bản thân đã nỗ lực hết mình thì học ở đâu cũng gặt hái được kết quả tốt. Chính vì thế tôi chọn học tại lớp thường của Trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM, và quyết định này dĩ nhiên nhận được sự ủng hộ của gia đình.

* Phải chăng chính tính cách không thích đi theo lối suy nghĩ rập khuôn của số đông đã dẫn bạn đến quyết định đi du học Nhật Bản, trong khi bạn đậu vào hai đại học lớn ở TP?

- Ngày tôi quyết định đi du học Nhật Bản, gia đình lo nhiều hơn vui. Một chữ tiếng Nhật bẻ đôi không biết, thân con gái lại chưa từng sống xa nhà, đã vậy hai ngành tôi thi đỗ cũng là những ngành đáng mơ ước lúc bấy giờ, “đà” học ở VN hiện cũng rất tốt... tôi sẽ thành công khi phải bắt đầu lại từ con số 0?

Thế nhưng sự háo hức được tiếp xúc một nền khoa học, văn hóa hoàn toàn mới mẻ đã giúp tôi vượt qua tất cả nỗi lo lắng. Tôi cũng muốn coi đây là một thử thách cho tuổi trẻ của mình. Táo bạo hơn, dù có thế mạnh về ba môn toán, lý, văn nhưng tôi lại chọn học hóa vì tin rằng đây là đam mê của mình.

* Có cơ hội đi nhiều, quan sát nhiều, Ngọc Châu thấy điểm yếu ở giới trẻ Việt là gì?

- Giới trẻ Việt nói chung có phần học tập, làm việc thụ động, ít phản biện hơn so với các bạn đồng trang lứa ở những quốc gia phát triển. Có lẽ một phần do đặc tính văn hóa Á Đông ngại đụng chạm, phần học sinh vẫn chưa có cơ hội thực hành nhiều bên việc học lý thuyết, nên khả năng lập luận bị ảnh hưởng; bên cạnh đó họ cũng có tâm lý sợ bị người khác chê cười... Tôi thấy ở Nhật cũng như nhiều nước Âu, Mỹ có một điểm rất giống nhau: khi không đồng tình với một ý kiến, họ sẽ nói “Điều này nghe cũng hay, đúng là nghĩ thế cũng phải... nhưng tôi nghĩ làm cách này sẽ hay hơn”. Cách góp ý này giúp người trẻ thấy ý kiến của mình được lắng nghe, tôn trọng, từ đó tự tin bày tỏ lập luận, phản biện hơn.

Tôi nghĩ một con người, xã hội nếu không ngừng phản biện để bổ sung những cái thiếu, tìm ra quan điểm, giải pháp mới thì sẽ trì trệ, khó phát triển. Giới trẻ Việt hoàn toàn có đủ tố chất để thành công, hội nhập xã hội hiện đại nếu họ chịu bổ sung tính phản biện.

* Nhận được lời mời làm việc từ năm tập đoàn ở Nhật Bản, vì sao Châu lại quyết định làm cho Naris, một tập đoàn nhỏ, thay vì một tập đoàn mỹ phẩm lớn tầm cỡ thế giới như Shiseido?

- Với nhiều người, việc có thể làm tại một tập đoàn mỹ phẩm tầm cỡ như Shiseido đồng nghĩa với việc công ty không có nguy cơ bị phá sản, không sợ thất nghiệp, công việc ổn định lâu dài, lương bổng tốt... và như thế có thể sống an nhàn tới già. Nhưng với tôi, hơn cả những điều kể trên, việc người trẻ có cơ hội phát triển ý tưởng bản thân, tiếp thu được gì tại môi trường làm việc mới là điều quan trọng nhất. Trong hơn vài nghìn công ty mỹ phẩm tại Nhật thì Naris cũng là một trong những mỹ phẩm cao cấp thuộc hàng top, đủ để kỳ vọng: với công việc hiện tại ở trung tâm nghiên cứu và khai thác sản phẩm mới, mình sẽ học được những kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Thêm vào đó, ở Naris tôi có dịp trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau nên kiến thức thu được sẽ đa dạng, phong phú hơn.

Hạnh phúc đời người không thể chỉ được quyết định qua một kỳ thi!

Các bạn trẻ nên tỉnh táo phân biệt giữa đam mê và sở thích nhất thời. Đam mê thật sự là thứ mà bạn không thể từ bỏ dễ dàng chỉ sau vài thất bại. Khi còn trẻ, do chưa đủ kinh nghiệm và vốn sống, nhiều bạn sẽ dễ lầm lẫn giữa hai khái niệm trên.

Trong trường hợp đã theo tiếng gọi của đam mê nhưng vẫn thất bại trong các kỳ thi thì người trẻ cũng đừng nên buông xuôi. Thành công, hạnh phúc của một đời người không thể chỉ được quyết định bởi một kỳ thi. Hãy tiếp tục phấn đấu, nỗ lực thì thành công sẽ không ở đâu xa.

TS HUỲNH NGỌC CHÂU

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên