14/02/2013 09:05 GMT+7

Hạnh phúc là được sống với ước mơ

TRUNG UYÊN thực hiện
TRUNG UYÊN thực hiện

TTXuân - Thời học phổ thông, tôi chỉ mê ngành kinh tế. Song tôi quyết định chọn ngành y theo mong muốn của gia đình, đặc biệt là của ba tôi vì theo ba, tôi rất phù hợp với ngành này.

3ilVeAkP.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Hải Liên

Ngày ấy, ấn tượng trong tôi về sinh viên học ngành y là suốt ngày “đầu bù tóc rối” với sách vở, còn các bác sĩ, y tá thì hay cau có với bệnh nhân. Những ấn tượng ấy dần đổi thay khi tôi theo học hệ trung cấp tại ĐH Y dược TP.HCM. Bắt đầu từ những ngày tham gia Mùa hè xanh, tôi nhận ra những “đồng môn” của mình học hết mình, tình nguyện hết sức và chơi cũng rất cừ. Sau khi tốt nghiệp, tôi tiếp tục thi hệ đại học chính quy của ĐH Y dược TP.HCM.

Ngoài việc học, tôi mê nhất là các chuyến đi cứu trợ, tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa… Nhờ vậy mà trong tám năm qua, tôi có dịp đặt chân đến nhiều vùng còn gian khó của đất nước mình hay của các nước bạn như Lào, Campuchia… Càng đi, tôi càng hi vọng bà con sẽ được chăm sóc y tế tốt hơn và mong mình có thể góp thêm sức vào hành trình dài lâu ấy.

Một trong những chuyến đi tôi nhớ nhất là đến với huyện Mỏ Cày, Bến Tre vào mùa hè năm 2006 để hướng dẫn phục hồi chức năng cho bốn bệnh nhân. Bác Năm - bị liệt nửa người bên phải suốt hai năm do tai biến mạch máu não - là một trong số bệnh nhân đó. Bác Năm từng là cán bộ xã, là lao động chính trong nhà. Từ ngày bị liệt nửa người, mọi sinh hoạt cá nhân bác đều phải nhờ người vợ hơn 60 tuổi. Sự sung túc, không khí yên vui trong gia đình đã thay thế bằng khó khăn về kinh tế và không khí nặng nề, lạnh lẽo.

Ngày đầu tôi đến thăm nhà, bác Năm rất mặc cảm, dễ nóng giận, dễ khóc, gia đình thì không muốn tiếp khách, chó sủa inh ỏi. Tôi bối rối song vẫn cố gắng giải thích, cuối cùng cũng được gia đình hợp tác. Mỗi ngày tôi đến nhà, hướng dẫn bác Năm từng động tác. Tôi gọi bác gái là má Năm, gọi bác Năm là tía. Mỗi ngày đến giúp tía tập luyện là một ngày vui.

Sau ba tuần, bác Năm đã có thể chống gậy một mình ra đường đi cắt tóc, tự vệ sinh cá nhân. Ngày tía tự múc muỗng cơm đầu tiên đưa vào miệng kể từ sau cơn tai biến, tôi và cả nhà ôm nhau khóc. Không khí gia đình từ đó vui vẻ, ấm áp hơn hẳn. Má Năm có thể ra ruộng làm vài nương lúa, chăn nuôi gà vịt, bắt cá. Tía Năm ở nhà bán tạp hóa, nhờ vậy thu nhập gia đình cải thiện dần.

Ngày tôi chia tay gia đình má Năm để quay lại thành phố, không ai cầm được nước mắt. Má Năm nói: “Mày ráng theo nghề, giúp bà con, giúp những người không may mắn như tía của mày. Bây giờ tao thích nhìn mấy cô mặc áo trắng lắm! Mỗi lần nhìn thấy cái áo đó là tao nhớ mày”.

Sau khi tốt nghiệp, tôi nhận được vài lời đề nghị việc làm từ các bệnh viện, công ty. Song, nghĩ về màu áo blouse trắng, các thầy cô trên giảng đường, nụ cười, ánh mắt của má Năm, lại nhớ lời thầy trưởng khoa: “Nếu vừa làm thầy thuốc, vừa làm thầy giáo tốt, mình có thể đào tạo một thế hệ lương y, và số lượng bệnh nhân được chăm sóc tốt sẽ được tính bằng cấp số nhân”, tôi quyết định thi vào ngạch giảng viên của trường, dù biết rằng đồng lương giáo viên vốn ít ỏi.

Nguyễn Thị Hải Liên - chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, phó bí thư Đoàn trường

- 27 tuổi

- Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” của Trung ương Đoàn năm 2011

- Danh hiệu “Sinh viên 3 tốt”, “Sinh viên 5 tốt” cấp trường nhiều năm

- Danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” cấp thành phố nhiều năm liền

- Hiện công tác tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, giảng dạy tại ĐH Y dược TP.HCM

TRUNG UYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên