19/06/2012 15:57 GMT+7

Đau đầu bạo hành công sở

MINH ANH
MINH ANH

TTO - Bạo hành công sở, đặc biệt là bạo hành về tinh thần, ít được chú ý nhưng để lại hậu quả không kém bạo hành gia đình, và cách giải quyết cũng khá phức tạp. Vậy phải làm gì nếu gặp tình trạng này?

“Chân dung” bạo hành

u4ANPhkQ.jpgPhóng to

Bạo hành công sở để lại nhiều hậu quả xấu, nhất là về mặt tinh thần - Ảnh: hartimmigration.com

Giữa năm 2010, ông A. được điều về làm sếp một phòng ban tại đơn vị sự nghiệp T (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Thời gian đầu ông tỏ ra hòa nhã, thân thiện với tất cả mọi người trong phòng.

Tuy nhiên chỉ ít lâu sau ông bắt đầu “chứng tỏ quyền lực”: luôn quát nạt nhân viên khi họ làm trái ý ông hoặc đưa ra ý kiến ngược chiều; thậm chí có lần ông đuổi một nhân viên ra khỏi phòng vì dám tranh luận với ông trong công việc; có lời lẽ xúc phạm một nhân viên khác khiến cô bật khóc…

Ông còn gây mất đoàn kết nội bộ khi “tường thuật” các phát biểu của nhân viên một cách méo mó khiến người này hiểu lầm người kia… Hiện tại phòng ban ông phụ trách mọi người chỉ tới để làm xong nhiệm vụ chứ không còn tha thiết với công việc, một số người coi sếp mình như “người tàng hình”, không buồn chào hỏi khi chạm mặt.

"Bạo hành công sở chủ yếu là bạo hành về tinh thần, và cũng như bạo hành gia đình, nó để lại nhiều hậu quả xấu về mặt tinh thần và sức khỏe cho nạn nhân, đặc biệt về mặt tinh thần" - TS tâm lý Đinh Phương Duy

Cũng là sếp mới được bổ nhiệm, bà Q. (giám đốc một công ty nhà nước tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) áp dụng cách quản lý mới mà theo bà là cần thiết: điểm danh nhân viên mỗi ngày, ai đi làm trễ đều ghi vào sổ để trừ vào điểm thi đua. Trong giờ làm việc, bà hay đi tới đi lui giám sát từng người xem họ làm gì. Có khi nhân viên đang làm việc trên máy tính, bà đứng sau lưng theo dõi một lúc mới bỏ đi…

Bà còn âm thầm sai cô thư ký làm “gián điệp”, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi của các nhân viên để báo cáo cho bà biết, xem mọi người nói gì về bà. Gần đây, khi sự việc này bị phát hiện, cô thư ký bị tẩy chay, còn bà càng bị nhân viên coi thường, hai người đã bỏ công ty đi làm cho nơi khác.

Trong hai câu chuyện kể trên, các nhân viên của ông A., bà Q. là nạn nhân của một dạng bạo hành mà xã hội ít để ý đến: bạo hành công sở.

Vì sao có bạo hành?

Công sở có nội quy, có công đoàn… vậy tại sao bạo hành vẫn xảy ra? Theo TS tâm lý Đinh Phương Duy, có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân thường gặp nhất là bản thân người sếp “có vấn đề”. Chẳng hạn do tính cách sếp là người ưa quyền hành, gia trưởng, khi gặp nhân viên có thái độ “chống đối”, sếp sẽ thể hiện hành vi theo kiểu gia trưởng, vì vậy tạo cho nhân viên cảm giác bị đe dọa. Hoặc do bản thân người sếp đó không giỏi bằng nhân viên, sợ nhân viên không phục nên dùng quyền lực thái quá (phát biểu nặng lời, lúc nào cũng bắt nhân viên phải theo ý mình…) gây căng thẳng.

“Tình trạng bạo hành trong cơ quan, nếu nhìn riêng từ góc độ của người quản lý, thì đó là biểu hiện của tài hèn đức mỏng, của thực trạng không xứng chức và của sự bất lực trước những diễn biến vốn dĩ không phải là quá phức tạp trong môi trường làm việc của công sở.

Cho nên trước khi tham gia đội ngũ những người làm công tác quản lý, ai cũng phải công phu rèn tài, luyện đức. Nếu cảm thấy mình kém tài, kém đức, không thể hoặc khó lòng hoàn thành chức trách được giao thì hãy kiên quyết từ chối”.

Chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai

Cũng có thể do sếp là người có khuynh hướng trả thù, dùng quyền lực gây áp lực với nhân viên có ý kiến trái chiều; hoặc sếp là người ưa nịnh nên nếu ai không nịnh thì nghĩ rằng người đó chống mình, từ đó có những hành vi gây áp lực với họ...

Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như sếp không có kỹ thuật diễn tả cảm xúc và xử lý tình huống, thiếu kỹ năng làm chủ cảm xúc… nên thể hiện bỗ bã với nhân viên. Hoặc có thể sếp chịu sự dồn ép từ gia đình hoặc cấp trên, khi đụng vấn đề có liên quan, sếp quát tháo, mắng nhiếc nhân viên như một cách xả stress mà không biết đó là bạo hành.

“Cũng có thể do nhân viên quá đáng khiến sếp phải tìm cách trấn áp nhanh chóng, dần dần hình thành thói quen trấn áp nhân viên; hoặc tình hình công sở không ổn định, bất hòa, nhiều phe phái… khiến sếp phải tìm cách trấn áp phe này/phe kia dẫn đến có những phản ứng vượt quá tầm kiểm soát; hoặc trình độ nhân viên và cách ứng xử của nhân viên khiến sếp cảm thấy mình không được tôn trọng; hoặc do nhân viên chấp nhận thụ động con người sếp, không có phản ứng trước cái sai trái nên dần dần làm hư sếp…”, TS Duy phân tích.

Để chấm dứt bạo hành, theo TS Duy, phải cải thiện môi trường làm việc, cụ thể là cải thiện quan hệ giữa sếp và nhân viên. Đặc biệt đối với sếp, tuy khó nhưng không phải là không có cách: có thể cải thiện thông qua cấp phó, các tổ chức công đoàn, Đảng…

Nhân viên cũng phải bộc lộ cảm xúc để sếp biết, thể hiện sự phản kháng trước những hành vi quá đáng của sếp bằng văn bản, phát biểu ý kiến giữa cuộc họp... Tuy nhiên TS Duy cũng thừa nhận khó có thể giải quyết triệt để vấn đề bạo hành công sở vì đòi hỏi những người liên quan, từ sếp đến nhân viên, phải có thiện chí cùng nhau giải quyết.

MINH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên