26/05/2012 07:17 GMT+7

Dân thường tố "ưu tiên con cán bộ"

CHÍ QUỐC - THÀNH ĐẠT
CHÍ QUỐC - THÀNH ĐẠT

TT - Mấy ngày qua, một số phụ huynh đã điện thoại gây áp lực với các cán bộ Đoàn thuộc Tỉnh đoàn Bạc Liêu vì con em họ không được dự khóa “Học kỳ quân đội” 2012 lần đầu tổ chức tại tỉnh này.

Nhiều phụ huynh cho rằng có bất công, tiêu cực khi phần lớn con em cán bộ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và một số sở ngành được ưu tiên chọn.

Nghỉ hè, muốn đi “Học kỳ quân đội”Đua tranh “Học kỳ trong quân đội”Chọn nơi để trui rèn

Du3sOFZ2.jpgPhóng to
Một khóa Học kỳ trong quân đội do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức - Ảnh: Q.Linh

Theo Tỉnh đoàn Bạc Liêu, khóa huấn luyện này có 100 học viên, tổ chức tại tiểu đoàn bộ binh 1 đóng trên địa bàn tỉnh, diễn ra từ 15 đến 25-6. Đối tượng là học sinh THCS trên địa bàn tỉnh có tuổi từ 13-16. Muốn cho con tham gia khóa học này, mỗi phụ huynh phải đóng 1 triệu đồng/học sinh, phần tiền tổ chức khóa học còn lại do UBND tỉnh Bạc Liêu chi trả (tổng kinh phí cho khóa học khoảng 300 triệu đồng).

Giải thích “có hay không việc ưu tiên cho con cán bộ của tỉnh”, bà Trương Hồng Trang - bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu - cho biết sở dĩ có tình trạng nhiều học sinh không đăng ký được khóa học là do có gần 300 em đăng ký, trong khi khóa huấn luyện chỉ tuyển 100 học sinh. Theo bà Trang, 100 bạn được chọn là những người đăng ký sớm sau khi đọc thông tin trên báo rao tuyển học viên khóa học.

Về số con cán bộ của tỉnh trong khóa học, bà Trang cho rằng chỉ có khoảng 20 em, “thậm chí có một số con em cán bộ cấp sở bị loại do đã đăng ký nhưng không kịp đóng tiền, không có sự ưu tiên gì ở đây”. Theo danh sách, trong số 100 học sinh được chọn có khoảng 60 em là con lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số sở ngành và nhiều cán bộ công an, giáo viên, bác sĩ, y sĩ... Phần còn lại là con một số phụ huynh có nghề nghiệp như nội trợ, tài xế, thợ mộc, buôn bán...

Để giải quyết việc quá tải lượng học viên đăng ký “Học kỳ quân đội”, Tỉnh đoàn Bạc Liêu đã tính tới phương án mở thêm một lớp nữa (số lượng 100 học sinh) tổ chức vào đầu tháng 7 hoặc cho bổ sung 20 học viên trong khóa học này. Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu cho biết năm tới có thể sẽ xã hội hóa “Học kỳ quân đội” bằng đóng góp của học viên.

Chỉ hỗ trợ chi phí cho lần đầu

Học kỳ trong quân đội là sáng kiến của tổ chức Đoàn, đầu tiên do Trung tâm Thanh thiếu niên (TTN) miền Nam thực hiện từ những năm 2007-2008. Khóa huấn luyện nhằm giáo dục kiến thức quốc phòng, rèn luyện phẩm chất yêu nước, tổ chức kỷ luật, tinh thần vượt qua thử thách, tính đồng đội, lòng yêu thương thầy cô, bạn bè, kỹ năng xử lý tình huống... cho các em học sinh.

Đến năm 2009, T.Ư Đoàn nhân rộng chương trình trên toàn quốc, giao cho Trung tâm TTN miền Nam tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phương pháp tổ chức chương trình cho các cán bộ Đoàn. Thực tế, nhu cầu của chương trình đã vượt quá cả sự đáp ứng của tổ chức Đoàn và hiện nay có nhiều đơn vị tư nhân, các công ty cung cấp dịch vụ này.

Giai đoạn đầu thử nghiệm, một số chương trình Học kỳ trong quân đội được T.Ư Đoàn trích kinh phí để hỗ trợ công tác tổ chức, sau khi chương trình được nhân rộng thì không duy trì kinh phí bao cấp mà xã hội hóa hoàn toàn, do doanh nghiệp tài trợ, phụ huynh học sinh đóng góp... “Để tổ chức một chương trình Học kỳ trong quân đội phải trang trải rất nhiều chi phí: giảng viên, điều phối viên, đi lại, trang phục, thông tin liên lạc, đạo cụ bổ trợ, tiêu hao nhiên liệu thực hành... Khoản đóng góp của học viên chủ yếu bổ sung chi phí quần áo, ăn uống, bù đắp chi phí cho đội ngũ lao động ngoài tổ chức Đoàn và quân đội. Do vậy, dù có được hỗ trợ chi phí thì những đơn vị tổ chức thí điểm khóa học này vẫn phải kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm”, anh Dương Văn An, bí thư Trung ương Đoàn, cho biết. Chi phí cho một học viên trong khóa huấn luyện từ 3-6 triệu đồng, nếu thí điểm, ngân sách hỗ trợ 2/3 số này.

Hiện nay ngoài Đoàn Thanh niên, có rất nhiều đơn vị tư nhân đã “nhảy vào” dịch vụ này, đáp ứng nhu cầu của số đông thanh thiếu niên và chiêu sinh tốt, sau khi trang trải chi phí đã có lợi nhuận. Trong khi đó “tại sao tổ chức Đoàn còn bao cấp một phần kinh phí cho học viên”, anh Dương Văn An cho biết: “Trong hướng dẫn liên tịch về chương trình của T.Ư Đoàn có nêu rõ: các đơn vị thực hiện tạo điều kiện tối đa cho con em gia đình nghèo, gia đình chính sách, có công tham gia chương trình này. Đó là một phần lý do bao cấp. Mặt khác, việc hỗ trợ chi phí chỉ thực hiện với các tỉnh, thành làm lần đầu. Sau đó, nếu tổ chức sẽ huy động đóng góp từ học viên”.

Ông NGUYỄN QUANG CƯỜNG (phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM):

Không cần ngân sách

Không có ngân sách cũng hoàn toàn có thể tổ chức được HKTQĐ nếu biết cân đối. Ở đó, gia đình học viên sẽ chia sẻ bằng việc đóng học phí để may đồng phục, ăn ở sinh hoạt hằng ngày, đi lại cho con em mình. Riêng lực lượng quản trại, đội ngũ huấn luyện, xây dựng nội dung thì Nhà văn hóa Thanh niên chủ động kinh phí chi trả.

Tôi cho rằng việc chi ngân sách cho hoạt động này sẽ hợp lý nếu cơ hội được trải đều cho mọi đối tượng, hoặc nếu có thêm nguồn chi từ ngân sách thì có thể tăng số lượng thanh thiếu niên được thụ hưởng chương trình. Nghĩa là không thể chấp nhận chuyện ưu tiên cho con anh nọ cháu chị kia, mà tất cả học viên khi tham gia vào khóa huấn luyện đều có cơ hội và được đối xử như nhau.

Riêng với Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, với đối tượng thật sự khó khăn, năm ngoái chúng tôi đã miễn phí cho nhiều bạn gia đình chính sách, khó khăn và năm nay chúng tôi sẽ tổ chức khóa HKTQĐ cho 100 bạn hoàn toàn miễn phí.

Bà TRẦN THỊ KIM LIÊN (phó giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam):

Nên hỗ trợ các em nhà nghèo

Điều kiện sống của TP và các tỉnh đôi khi cũng có độ chênh nhất định nên nếu không được hỗ trợ thêm từ ngân sách thì với mức học phí đang áp dụng e rằng chất lượng huấn luyện HKTQĐ tại các tỉnh sẽ khó đạt theo chuẩn chung. Tôi biết một số tỉnh, thành Đoàn tự cân đối trong khoản ngân sách được duyệt chi hoạt động phong trào hằng năm để tổ chức thêm HKTQĐ cũng nên được khuyến khích.

Tuy vậy, việc tuyển lựa học viên nên công bằng để tránh tình trạng chỉ có con em cán bộ mới được tham gia, còn những em khác khó có cơ hội tiếp cận. Tôi cho rằng nếu có chi ngân sách cho hoạt động này nên quan tâm đặc biệt đến các đối tượng trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi như con em hộ nghèo, mồ côi để các em cũng có cơ hội thụ hưởng như các bạn đồng trang lứa khác.

CHÍ QUỐC - THÀNH ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên