19/05/2012 03:02 GMT+7

Người về từ cõi chết

ĐỖ THỊ MINH THỦY (www.netbuttrian.vn)
ĐỖ THỊ MINH THỦY (www.netbuttrian.vn)

TT - Mấy ngày nay, dư luận xôn xao bàn tán chuyện ba em học sinh rủ nhau tự tử, làm tôi nhớ lại năm tôi học lớp 10...

lB20aRbK.jpgPhóng to

Ngày ấy, là một học sinh giỏi toán, tôi được giáo viên chủ nhiệm giao trọng trách hằng tháng tổng kết điểm cho cả lớp. Chẳng may quyển sổ điểm của lớp không cánh mà bay đúng vào ngày tôi làm sổ. Thế là dưới con mắt của thầy chủ nhiệm, tôi trở thành thủ phạm. Buồn vì không thanh minh được cho mình, tôi không đến lớp một hôm. Nào ngờ sau đó gặp tôi thầy nói: “Có học vấn mà không có đạo đức sẽ trở thành tai họa. Những người như thế không học sẽ tốt hơn”. Như bị một gáo nước lạnh tạt vào mặt, tôi ôm cặp bước ra khỏi lớp và không bao giờ có mặt trong tiết học của thầy. Thầy cũng không quan tâm đến điều này, chẳng báo cáo với ban giám hiệu, cũng không thông tin cho cha mẹ tôi biết. Thầy chỉ làm mỗi việc: ghi vào sổ điểm của tôi một con số không to tướng khi tôi vắng mặt.

Hằng tuần có hai tiết văn, đương nhiên tôi nhận hai con số không. Một tháng với tám con số không, tôi bị xếp hạng ở vị trí cuối lớp. Có lúc tôi đã muốn tìm đến cái chết để chứng minh cho sự trong sáng của mình, nhưng tôi đã kịp ngộ ra: “Chết là hết, chết có khi còn là một sự sỉ nhục ghê gớm!”. Từ đó, tôi lao đầu vào học môn văn mà không cần đến lớp. Kết quả hai đợt thi học kỳ, điểm văn của tôi dẫn đầu toàn khối lớp 10, trước sự thán phục của bạn bè, mặc cho thầy chủ nhiệm vẫn xem tôi không phải là thành viên của lớp.

Tốt nghiệp phổ thông vào thời điểm nước nhà vừa thống nhất, tôi thi vào trường sư phạm. Nào ngờ một lần nữa cái vòng oan nghiệt vẫn không tha, tôi bị đuổi học vì đã dám bẻ gãy tay con gái của thầy hiệu trưởng, khi cô ấy đập vào đầu tôi, do nghi ngờ tôi có quan hệ với người yêu của cô ấy.

Sau lần ấy, tôi trở về nhà với cái đầu lạnh băng, vô cảm. Những vết thương lòng đầu đời nhức nhối đã biến trái tim tôi thành sắt đá. Tôi lao vào thương trường, sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được những mục đích mà tôi muốn. Tôi không hay đó lại chính là con đường dẫn tôi lún sâu vào tội ác, cho đến một ngày phải sa chân vào vòng lao lý, nhận bản án 10 năm.

“Lòng bao dung của ông đã xóa nhòa trong tôi những ký ức đau buồn, cho tôi quên đi người thầy với những con số không nghiệt ngã, quên bản án kỷ luật đã đẩy tôi ra khỏi ước mơ đẹp nhất của một thời, quên luôn ông quản giáo dẫn giải tưởng như đã dập tắt niềm tin trong lòng tôi”...

Tôi lên trại cải tạo Kim Sơn - Bình Định vào một ngày trời mưa tầm tã. Chiếc xe thùng chở bốn phạm nhân nữ và hơn mười phạm nhân nam lăn bánh qua những con đường núi ngoằn ngoèo lầy lội. Tôi và những phạm nhân nam đều bị còng tay, chỉ có ba phạm nhân nữ còn lại vẫn son phấn rạng rỡ, vô tư cười nói với người quản giáo dẫn giải như những người tự do. “Thế là hết!” - tôi nhủ thầm như thế khi xe đến trại cải tạo Kim Sơn, khi nghe người quản giáo dẫn giải nói với những phạm nhân nữ đi cùng: “Tôi đã gửi gắm các em rồi, yên tâm nhé!”. Ông quay sang tôi, lạnh lùng: “Cố gắng mà cải tạo, lên đây mà không biết điều là khó sống lắm!”.

Tôi nhập trại được vài ngày thì xảy ra chuyện một phạm nhân nam treo cổ tự tử. Nhiều người nói “hắn có HIV”, tôi cãi: “Ai mà chẳng ham sống. Trừ khi chịu không nổi cuộc sống khổ ải người ta mới phải chọn cái chết”. Tay đội trưởng nghe được quát: “Thế nào là khổ ải?”, vừa nói hắn vừa gọi thư ký lập biên bản câu nói tiêu cực của tôi để trình cán bộ. Ngay hôm sau, tôi được lệnh nghỉ lao động để gặp cán bộ. Ngay lúc ấy tôi đã nghĩ đến một chiếc thòng lọng cho mình.

Thế nhưng, người tôi gặp hôm ấy là phó giám thị trại, thầy Đặng Hữu Vinh. Người đã đưa tôi trở về từ cõi chết. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp thầy, vừa trông thấy tôi ông đã cười, bàn tay chỉ về khu vườn giữa trại: “Chị xem kìa, vạt cúc vẫn nở được những nụ hoa, dù bị trận mưa dữ dội hôm nọ vùi dập”. Tôi nhìn theo hướng tay ông chỉ, bao nhiêu thấp thỏm, lo âu trôi mất, lòng nhẹ nhõm khi nhìn những bông cúc vàng rực rỡ trong nắng. Rồi như một nhà hiền triết, ông tiếp: “Đời người như một dòng sông. Có lúc sông êm đềm xanh ngắt, có lúc lại đục ngầu vì mưa lũ, thế nhưng sau mỗi trận mưa lũ dòng sông lại bồi đắp phù sa cho đất đai thêm màu mỡ. Đời người cũng vậy, đừng vì những trắc trở, thất bại mà nghĩ rằng đời mình đã hết. Hãy xem đó là những thử thách, mỗi lần vượt qua được một thử thách là đã khám phá thêm được một bài học làm người thiết thực nhất”. Tôi giật mình nhìn ông, hình như ông đã đọc được suy nghĩ của tôi, đã bao lần tôi nghĩ “thế là hết”.

Từ hôm ấy, ông là ngọn đèn soi đường cho tôi đi. Suốt một chặng đường dài cải tạo, khi tôi gặp những khó khăn, gian khổ, hình ảnh của ông lại hiển hiện với lời nói văng vẳng: “đó chỉ là những thử thách ...”. Tôi quên hết những gì tồi tệ nhất đã xảy đến trong cuộc đời mình, để vui vẻ tiếp nhận những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn bằng niềm hi vọng, nghị lực mà ông đã truyền cho tôi qua những bài học. Có lúc ông dạy chúng tôi ngay vườn hoa của trại, có lúc chỉ là một câu chuyện bình thường trên hiện trường lao động.

Biết tôi từng học ở trường sư phạm, ông điều tôi sang phụ trách lớp xóa mù chữ cho phạm nhân. Đó là lần đầu tiên tôi được đứng trên bục giảng, được những người bạn tù gọi là cô giáo. Và cả ông, ông cũng gọi tôi là cô giáo khi ông đến kiểm tra lớp học... Lúc ấy, tôi chỉ muốn vòng tay đứng trước mặt ông mà nói rằng: “Thưa thầy, con đội ơn thầy. Thầy đã đưa con trở về từ cõi chết”. Chỉ một câu ngắn ngủi thế thôi, vậy mà tôi vẫn chưa nói được.

Hôm nay tôi viết bài này bằng tấm lòng tri ân gửi đến thầy, và bằng cả ước mơ sâu xa nhất, được gặp lại thầy để có dịp thưa với thầy điều tôi chưa nói được: “Thầy ơi! Con đội ơn thầy, thầy đã đưa con trở về từ cõi chết”.

Ký ức đẹp là gia tài của đời người

Tối nay 19-5, tại Cung văn hóa Thể thao thanh niên Hà Nội diễn ra buổi trao giải cuộc thi Nét bút tri ân lần 3. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV6, Đài truyền hình Việt Nam. Cuộc thi do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH, Ngân hàng Đông Á, VTV 6 (Đài truyền hình VN), VOH (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM) và báo Tuổi Trẻ TP.HCM đồng tổ chức, Ngân hàng Đông Á tài trợ. Xem cuộc thi trên ở www.netbuttrian.vn hoặc www.tuoitre.vn.

Sau sáu tháng phát động (từ tháng 11-2011 đến tháng 4-2012), cuộc thi đã nhận được 68.000 bài dự thi. Mỗi bài viết là một câu chuyện thật từ lòng tri ân của tác giả với ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè và thậm chí chỉ là một ai đó làm thức tỉnh sự cao thượng trong mỗi con người. 68.000 bài thi là chừng ấy số phận có mẫu số chung: mỗi số phận - dù sang hay hèn, thành công hay chưa thành công trong cuộc sống - đều biết ơn người khai tâm khai trí cho mình; và càng trong cùng cực gian nan thì con người càng chia sẻ với nhau đầy ắp yêu thương, càng thủy chung gắn bó, càng sắt son trọn vẹn. Ở đó có không ít người vấp ngã và đứng dậy nhờ những bàn tay chìa ra. Ở đó, dù cuộc đời cay nghiệt thế nào thì tình yêu thương, tâm hồn cao thượng vẫn ngời sáng.

Sẽ không ai lớn khôn và thành người nếu sống mà thiếu đi ký ức. Ký ức đẹp là gia tài lớn nhất của mỗi đời người. Và Nét bút tri ân là nơi để chúng ta nhìn về và sẻ chia ký ức đẹp với cuộc đời, cho cuộc sống mỗi ngày đầy ắp yêu thương hơn.

Giải đặc biệt: Người về từ cõi chết (Đỗ Thị Minh Thủy). Giải nhất: Khi người lính khóc (Nguyễn Trung Tuyên). Giải nhì: Nước mắt học trò! (Mai Đức Dũng), Thưa thầy! Em đã thuộc (Nguyễn Thị Bích Nhàn). Giải ba: Bài học từ bà lão bán rau (Phạm Thị Quyên), Chị đã tìm ánh sáng cho đời em! (Hàn Trọng Thức), Cơm sạn (Đoàn Văn Xuấn). Giải khuyến khích: Chín chữ cù lao (Đào Thị Lệ Xuân), Dấu cộng (Nguyễn Hiền Nhân), Nợ một nén nhang (Cao Xuân Thu Ngọc).

ĐỖ THỊ MINH THỦY (www.netbuttrian.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nét bút tri ân