16/04/2012 06:14 GMT+7

"Không phụ thuộc thần tượng quá mức"

Trích ý kiến giảng viên LÊ MINH TIẾN
Trích ý kiến giảng viên LÊ MINH TIẾN

TT - Hình ảnh giới trẻ Việt mê mệt thần tượng đến mức ngất xỉu trong nhạc hội SoundFest (Tuổi Trẻ ngày 15-4) một lần nữa khiến nhiều bạn đọc sửng sốt, đặt câu hỏi đâu là giới hạn của việc yêu thích thần tượng?

Read this on Tuoitrenews.vnSốt vì Big BangFan... cuồngHâm mộ sao để không cuồng?

8uXbIq8T.jpgPhóng to
Vừa khóc, vừa hát, vừa gào thét tên thần tượng - Ảnh: Thuận Thắng

Để tìm câu trả lời, ngay chiều 15-4, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức bàn tròn xoay quanh câu chuyện trên với sự góp mặt của một số bạn trẻ là fan cuồng nhiệt của K-pop.

Không phải ngẫu nhiên

Mê thần tượng, vì sao?

- Để lấp đầy sự trống trải, thiếu vắng về tình cảm, nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.

- Nhu cầu “bắt chước”, noi gương ai đó, đặc biệt những người trẻ, đẹp, lứa tuổi gần với mình.

- Để phát triển mối quan hệ xã hội, có thêm bạn bè.

- Để theo kịp trào lưu, bạn bè ai cũng có thần tượng nên mình cũng phải vậy.

- Thần tượng thường là những người nổi tiếng và thành công nên có cảm giác mình cũng có chút “hương hoa” của người đó.

Mở đầu buổi trò chuyện, bạn Phạm Nguyên Bảo Trâm (vừa tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM) tỏ ra bức xúc khi bị người khác mỉa mai việc bạn bỏ ra số tiền lớn để mua vé VIP dự chương trình SoundFest. “Họ không hiểu tâm lý giới trẻ cũng như sự nỗ lực miệt mài để đạt tới hai chữ thành công của các nhóm nhạc K-pop”, Trâm nói. Và Trâm đã say sưa kể về tiểu sử, nhấn mạnh quá trình “sống chết cùng nghề” của Big Bang để dẫn tới lý do bạn “kết” nhóm nhạc này.

Bạn Ngô Thị Thùy Vân (ĐH HUTECH TP.HCM) khẳng định không phải sự hào nhoáng, bề ngoài mà chính tài năng, con người thật của các thần tượng K-pop trong sáng tác, biểu diễn mới là điều khiến bạn yêu thích họ. Vân nói: “Âm nhạc của họ đã chạm vào trái tim người nghe, đó là điều mà hiện chúng tôi không thể tìm thấy ở nhạc Việt”. Hai bạn Thùy Vân và Dấu Ái (nhân viên Công ty Rohto Việt Nam) cho rằng sao nhạc Việt hiện chỉ tập trung tạo xìcăngđan, tận dụng mánh khóe để nổi tiếng dù không thực tài, ca từ vô nghĩa và dễ dãi...

Còn bạn Trần Trường Trí (Trường THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM) giải thích một trong những lý do yêu thích nhóm Suju: “Ngay từ cái cách họ cúi chào fan một góc 90 độ trước và sau khi diễn cũng là điều chưa sao Việt nào làm được. Phải yêu quý fan lắm các anh ấy mới vậy”. Hầu hết các bạn đều khẳng định các sao Hàn thường rất ít khi gây sự chú ý bằng xìcăngđan, và đó là một trong những yếu tố khiến họ càng tôn trọng K-pop hơn.

Khi được giảng viên xã hội học Lê Minh Tiến thông tin một kết quả khảo sát trên 6.500 bạn trẻ Trung Quốc với kết quả 7 trong 10 thần tượng hàng đầu của họ là ngôi sao ca nhạc và điện ảnh, Bảo Trâm cho rằng đó là điều dễ hiểu. Theo Trâm, việc giới truyền thông liên tục đưa tin về ai thì người đó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn tới giới trẻ. “Hiện nay báo chí, tivi đưa quá ít thông tin về những gương tốt trong các lĩnh vực khác nên chúng tôi đâu có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về họ”, Bảo Trâm nói.

Chọn cách để “say”

Thùy Vân cho biết hơn ba năm hâm mộ nhóm Suju, cô vẫn cân bằng được thời gian cho sinh hoạt, học tập hằng ngày với niềm đam mê cuồng nhiệt dành cho thần tượng. Với Vân, họ là những người bạn thân thiết, là chỗ dựa tinh thần lúc mệt mỏi, chán chường. Đều đặn tham gia sinh hoạt fan club, cập nhật thông tin, hình ảnh mới nhất về thần tượng... nhưng cô vẫn học tốt, vẫn làm việc nhà, vẫn khiến bố vui, tin tưởng... Vân bộc bạch: “Nếu mình sa đà, mê muội thần tượng mà bỏ bê mọi thứ thì chẳng có cha mẹ nào hài lòng”.

Đồng tình với Vân, cùng “mê như điếu đổ” các chàng trai Suju nhưng Trí luôn đặt việc học quan trọng nhất chứ không dành mọi thời gian, tâm trí để “nhất cử nhất động” theo sát thần tượng. Và chàng trai này cũng không bất chấp mọi cách để có vé xem nếu nhóm nhạc, ca sĩ mình yêu thích tới Việt Nam lưu diễn khi khả năng tài chính hạn hẹp.

Vào ngày 14-4 qua, Trâm cũng “phát điên” khi được nhìn thấy những chàng trai Big Bang biểu diễn tại nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM). Có lẽ niềm vui sẽ trọn vẹn hơn với Trâm nếu cô bạn không bị những fan khác chèn ép đến mức ngộp thở. Cô đã cố gắng vùng vẫy thoát khỏi khung cảnh hoảng loạn đó. Sự quá khích, cuồng loạn của một số fan khiến ngay cả các fan khác cũng bức xúc. Theo Trâm, sự đam mê, cuồng nhiệt là như nhau, nhưng cách cư xử của từng fan quả thật “muôn hình muôn vẻ”.

Chia sẻ về câu chuyện “văn hóa fan”, TS Nguyễn Thị Bích Hồng cho biết: “Phần lớn những bạn trẻ đam mê thần tượng thời nay đều khó kiềm chế được cảm xúc, dễ bị chi phối và cuốn theo tâm lý đám đông. Thần tượng một ai đó là điều bình thường, nhưng cách để bộc lộ sự thần tượng đó như thế nào cho hợp lý là điều cần quan tâm”. Theo cô Hồng, các fan club hay các diễn đàn trên mạng hiện nay cần là “ngôi nhà chung” và có “tiếng nói chung”, chính các bạn trẻ cùng đam mê cần “cọ xát” với nhau để chọn “văn hóa fan” tiến bộ cho nhóm mình.

Theo cô Hồng, thần tượng đôi khi chỉ là những ánh hào quang rực rỡ ở một phương diện, khía cạnh nào đó chứ không phải là tất cả, là tuyệt đối. Vì thần tượng cũng là con người với những điều hay, dở đan xen, do đó không nên “thần thánh hóa” họ, nếu không sẽ dễ bị suy sụp khi thần tượng bộc lộ những điều chưa đẹp, chưa tốt. “Khi hâm mộ ai đó, mỗi bạn cần tỉnh táo, không bị phụ thuộc quá mức. Học điều hay từ họ và cũng sẵn sàng xem xét từ bỏ hình tượng đó nếu không phù hợp với mình”, cô Bích Hồng nhắn nhủ.

Trích ý kiến giảng viên LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên