23/05/2010 14:44 GMT+7

Tự tin ơi, bạn ở đâu?

TRUNG UYÊN
TRUNG UYÊN

TTO - Hãy gấp một chiếc máy bay giấy sao cho nó có thể bay thật xa, hãy đốt một que diêm và hát đến khi nào que diêm tắt, hãy nói về bản thân và sau đó nghe người khác nói về bạn, nếu thấy mình không tự tin - hãy dám dứng dậy, nói lớn: “Tôi không sợ! Tôi làm được”.

Đó là những bài tập thú vị trong chương trình nói chuyện chuyên đề tâm lý “Cùng bạn trẻ tự tin bước vào cuộc sống" mà khoảng 600 sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM) có dịp trải nghiệm sáng nay 23-5.

Lw9uf79H.jpgPhóng to
Các bạn SV hào hứng tham gia bài tập gấp máy bay giấy. Thông điệp của bài tập này đơn giản là bạn có quyền lựa chọn cách để thực hiện được mục tiêu - Ảnh: Trung Uyên

Tôi làm được!

Buổi nói chuyện nằm trong chuỗi chương trình “Cùng bạn trẻ tự tin bước vào cuộc sống” do công ty truyền thông tư vấn và đào tạo Ý Tưởng Việt và Vietnamobile phối hợp thực hiện, đến với khoảng 6.000 sinh viên của 10 trường ĐH, CĐ tại TP.HCM. Chương trình khởi động từ ngày 10-5-2010, dự kiến kết thúc vào ngày 5-7-2010.

Vẫn với phong cách dí dỏm, nhẹ nhàng, sâu sắc quen thuộc mỗi khi đến với các bạn trẻ, cuộc trò chuyện của tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn về sự tự tin đã níu chân hàng trăm sinh viên đến tận phút cuối.

Một bạn trai lên sân khấu, nói về bản thân: "Mình nghĩ mình hơi ốm". Người bạn đứng cạnh phản biện liền: "Mình thấy bạn không ốm đâu". Và đó cũng là ý kiến của nhiều bạn khác. Ví dụ nho nhỏ ấy chỉ ra rằng đôi khi, những gì bạn nghĩ về bản thân không giống với điều người khác nghĩ về bạn.

Đây là chìa khóa để bạn mở "cánh cửa tự tin": hiểu đời để nhìn rõ các hướng đi, hiểu mình để phát huy nội lực và định hướng đúng đắn, quyết tâm và hết lòng; trang bị những kỹ năng cần thiết (định hướng mục tiêu cuộc đời, kiên định và biết chịu trách nhiệm, giao tiếp, thể hiện... ) để chinh phục cuộc đời của chính mình.

Sự tự tin dựa trên công thức: can đảm + hành động + chịu trách nhiệm.

Với yêu cầu: "Bạn nào thấy mình không tự tin, vui lòng đứng lên", sau phút rụt rè ban đầu, vài chục sinh viên đứng dậy. Thêm một yêu cầu nữa: "Bạn nào thấy mình không làm được những gì mình thật sự mong muốn, vui lòng đứng lên", thêm khoảng ngần ấy sinh viên đứng dậy. Sau khi cùng nói lớn: "Tôi không sợ! Tôi làm được" - những gương mặt dường như "giãn ra".

Bạn Nông Quốc Kỳ - sinh viên khoa Điện tử Trường cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM) chia sẻ: "Ngay khi nói lớn hai câu ấy, mình thấy run run trong người, cảm xúc rất đặc biệt, tự tin hơn một chút. Mình thường tự ti giao tiếp chưa thật tốt, không tự tin lắm về năng lực cá nhân, thêm vào đó là mặc cảm về hoàn cảnh khó khăn. Cũng vì thiếu tự tin mà mình bỏ qua những cơ hội công việc. Trong phút giây đặc biệt vừa trải qua ấy, mình đã hạ quyết tâm sẽ cố gắng nắm bắt những cơ hội".

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến thiếu tự tin: thiếu động cơ phấn đấu, vươn lên; cảm thấy chưa an toàn và có tương lai; thiếu sự động viên, quan tâm đích thực; có tâm lý “mơ mộng”; thiếu thói quen động viên chính mình, chưa khám phá hết bản thân, dễ bị người khác đè bẹp suy nghĩ tích cực.

Hãy đừng là "lạc đà trong sở thú"

Các điểm đến tiếp theo của chương trình: ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (sáng 29-5), Cao đẳng Công thương TP.HCM (sáng 30-5), Cao dẳng Nghề TP.HCM (sáng 4-6).

Đơn vị tổ chức trao tất cả 200 suất học bổng Kỹ năng sống dành cho bạn trẻ với tổng giá trị 100 triệu đến cán bộ Đoàn - Hội các trường.

Cách đây 10 năm, khi đang bận làm luận án, tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn nhận được lời mời đọc quảng cáo 10 giây cho một nhãn hàng. Sau chút phân vân, do dự, anh quyết định "khăn gói quả mướp đến phòng thu", hai tuần sau trải nghiệm thú vị đó, anh được báo tin ký hợp đồng hai năm với đoạn thoại đó với thù lao 500 USD.

Chia sẻ câu chuyện này với các bạn sinh viên, tiến sĩ Sơn nhấn mạnh: "Trong nhiều trường hợp, nếu giữ nếp nghĩ tôi không làm được, bạn sẽ không thể biết rằng, bạn hoàn toàn có thể làm được việc nào đó. Hãy tự khám phá tiềm năng của bạn là gì, ưu nhược điểm của bạn là gì để làm chủ chính cuộc sống của bạn".

Sự hào hứng, tự tin của các sinh viên với chương trình càng về sau càng thể hiện rõ. Với trò chơi đốt que diêm và hát một bài hát, một sinh viên nam quyết định giữ lại que diêm của mình. Lý giải của bạn được khán giả vỗ tay ủng hộ: "Tôi nghĩ không nhất thiết phải làm theo ý người khác. Trong tình huống này, nếu que diêm này được đốt và lụi tắt thì cũng giống như tất cả các que diêm khác". Hay với trò chơi gấp máy bay giấy, chiếc máy bay giấy bay xa nhất là khi... tờ giấy được vo tròn và ném thẳng xuống góc phòng. Bạn luôn có quyền lựa chọn - đó cũng là thông điệp của những trò chơi này.

OsH8Xlpk.jpgPhóng to
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn (bìa phải) hướng dẫn SV thực hiện trò chơi đốt que diêm. Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn đốt cháy hay giữ lại que diêm cho mình - Ảnh: Trung Uyên
FssJyM92.jpgPhóng to
Phan Thị Ngọc Diễm - hoa hậu du lịch Việt Nam 2008 - chia sẻ với các sinh viên những yếu tố để tự tin hơn trong cuộc sống - Ảnh: Trung Uyên

Một câu chuyện khác cũng làm nhiều sinh viên suy nghĩ là chuyện lạc đà con khi được mẹ giải thích tác dụng của bướu, chân dài, lông mi dài là để thích nghi với đời sống sa mạc, đã thắc mắc: "Vậy chúng ta làm gì trong sở thú?".

Cũng từ câu chuyện ấy, các bạn nhận được thông điệp: hãy tập trung thời gian để hiểu về chính mình, hãy đánh giá về mình công tâm và khách quan bằng nhiều cách thức khác nhau, hãy chuyển những nhận xét tiêu cực thành những nhận xét tích cực, dẹp bỏ những thói quen ám thị chính mình như nghĩ rằng tôi không thể, tôi sợ lắm...

Một buổi sáng chủ nhật thú vị và "có lời" - đó là cảm nhận của nhiều sinh viên khi tham gia chương trình. Hành trang trước ngưỡng cửa việc làm của các sinh viên đã được bổ sung thêm lý thuyết sinh động về sự tự tin, còn việc thực hành như thế nào, tất nhiên "điều đó tùy thuộc hành động của bạn".

Làm sao biến xung đột thành cơ hội hợp tác

Đó là chuyên đề chương trình “ Nhịp sống trẻ” diễn ra sáng nay 23-5 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Khoảng 500 bạn trẻ đã được thạc sĩ Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương 3) cung cấp những kỹ năng để giải quyết xung đột, biến xung đột thành cơ hội hợp tác.

exBiBqDT.jpgPhóng to
Sinh viên trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Hữu Long (áo trắng, đứng) tại buổi chuyên đề - Ảnh: V.Tuyết

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long nhấn mạnh: "Xung đột là kết quả mâu thuẫn để lại. Xung đột có hiệu quả là khi chúng ta biết ngồi lại, suy nghĩ và giải quyết những mâu thuẫn một cách hợp lý nhất. Chúng ta nên xác định loại xung đột nào có lợi và không có lợi, loại nào nên bộc lộ, loại nào nên tránh".

Anh cũng gợi ý cách giải quyết vấn đề: "Để giải quyết những xung đột trong cuộc sống trước hết bạn cần phải sống thật, nhìn vào sự thật để đối diện với nó và tìm cách giải quyết. Bạn nên lùi lại một bước trong cuộc đời để nhìn vấn đề rõ hơn và tìm ra hướng đi cho mình. Bạn cũng nên có những người bạn thân và khi cần nên tìm đến trung tâm tư vấn để được chia sẻ. Ngoài ra, việc rèn luyện cách cảm nhận cuộc sống để có một cái nhìn toàn diện hơn, mới mẻ hơn sẽ giúp bạn dung hòa được các mối quan hệ”.

Tự nhận mình “không khéo” khi giải quyết xung đột, bạn Trịnh Ngọc Thương - sinh viên Trường cao đẳng Phát thanh Truyền hình II chia sẻ: “Trong những buổi học nhóm hay làm bài tập thể, mình thấy bị ức chế rất nhiều vì mâu thuẫn ý kiến với các bạn, đã có lúc mình tức giận và bỏ về. Trong cuộc sống cũng vậy, đôi lúc mình tự mâu thuẫn với chính mình, điều đó làm mình thấy mệt mỏi. Mình tham gia chuyên đề lần này với mong muốn sẽ học được cách giải quyết xung đột, để làm cho cuộc sống của mình hài hòa hơn”.

Hoàng Thị Hồng Nhạn - sinh viên Đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - chia sẻ: “Mình đã học được cách tự giảm bớt xung đột trong chính nội tâm. Mình cũng hiểu rằng hiệu quả công việc sẽ cao hơn khi mình biết cách dàn xếp những mâu thuẫn nảy sinh thường ngày”.

Chương trình do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức hàng tháng.

TRUNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên