13/04/2010 05:37 GMT+7

Chàng trai tìm kiếm "đầu ra" cho khoa học

THANH BÌNH
THANH BÌNH

TT - “Để có kinh phí làm nghiên cứu khoa học và nâng cao tính thực tiễn của các công trình khoa học là phải liên kết và hợp tác với doanh nghiệp” - Lê Phúc Nguyên, giảng viên khoa hóa Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, đúc kết.

bQFXuG3k.jpgPhóng to
Lê Phúc Nguyên tại Rome, Ý năm 2009 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Gần 15 năm gắn bó với hóa học, Phúc Nguyên yêu thích và say mê bộ môn khoa học này. Với anh, hóa học là tình yêu, là cuộc sống.

Yêu hóa

Tháng 9-2004, khi đang là sinh viên năm cuối Trường ĐH KHTN, Phúc Nguyên cùng các bạn sinh viên xuất sắc nhất trong khoa hóa “chung tay góp sức” thành lập Câu lạc bộ Cyberchem - CLB Học thuật khoa hóa. Từ ngày ra đời, Cyberchem đã tạo được tiếng vang lớn trong giới sinh viên yêu thích bộ môn này. CLB đã tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến hóa như: ngày hội hóa học tại trường, tại Nhà văn hóa Thanh niên; xuất bản hai tạp chí hóa học được đông đảo giới học sinh, sinh viên yêu hóa đón nhận với số lượng lên tới 1.000 bản/số.

Tốt nghiệp thủ khoa bộ môn hóa vô cơ - khoa hóa năm 2005, Phúc Nguyên nhận được suất học bổng Master về vật liệu nano tại Toulouse, Pháp. Từ năm 2006-2009, Phúc Nguyên là thạc sĩ nghiên cứu về xúc tác xử lý khí thải từ động cơ ôtô. Đầu năm 2010, anh về nước và trở thành giảng viên khoa hóa Trường ĐH KHTN TP.HCM và ĐH Tôn Đức Thắng.

Vậy là từ anh sinh viên say mê hóa ngày nào, nay Phúc Nguyên đã trưởng thành, có được nền tảng, điều kiện để tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu hơn ngành khoa học mà anh gắn bó và đam mê.

Nghiên cứu phải gắn “đầu ra”

Sau sáu năm du học, Phúc Nguyên nhận thấy rõ tầm quan trọng của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và sự liên kết, hợp tác giữa các ngành nghề, bộ môn khoa học khác nhau giữa các trường đại học. Theo anh, đó là con đường nhanh nhất để các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt hiệu quả và có tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tế.

Cùng với Cyberchem, Phúc Nguyên còn tham gia xây dựng và phát triển diễn đàn hóa học mang tên chemvn.net. Đây là một sân chơi lý thú và bổ ích nhằm liên kết những người đam mê hóa. Là diễn đàn online trực tuyến, chemvn.net có tính kết nối cộng đồng cao và nhanh chóng trở thành “công cụ đắc lực” để tạo dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp.

Phúc Nguyên đã có nhiều hoạt động cụ thể đi theo con đường đó. CLB Cyberchem mà anh tham gia hoạt động từ thời sinh viên đã tổ chức nhiều chương trình gặp mặt nhằm đưa hóa học gần gũi với đời sống, giao lưu trao đổi kiến thức và hợp tác khoa học với các ngành khoa học khác như vật lý, sinh học.., tranh thủ và tận dụng sự tài trợ của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động đó.

Sự liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau của những người làm khoa học, của những ngành khoa học có liên quan với nhau chính là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Và chỉ có doanh nghiệp mới có đủ điều kiện để đầu tư, thúc đẩy các công trình nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao nhất để áp dụng vào thực tiễn phục vụ con người, anh nói.

Phúc Nguyên nhận thấy đó cũng chính là con đường đi cho các dự án nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Con đường đó sẽ tận dụng được tài năng, chất xám của sinh viên, là điều kiện tạo ra một lực lượng sinh viên mạnh về “chiều sâu”, là cơ sở thực hiện các dự án đã đề ra để làm cầu nối giữa nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp. Từ đó giải quyết được vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm và hơn nữa hướng đi này còn có tính khả thi cao. Muốn phát triển và thành công phải hợp tác và liên kết.

Thời gian tới Phúc Nguyên nỗ lực hết mình để hoàn thiện, nâng cao và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa CLB Cyberchem với diễn đàn Chemvn.net và dần hoàn thiện dự án CyberchemVN trong thời gian sớm nhất. Đó cũng chính là mục đích, ước mơ đã ấp ủ trong anh suốt sáu năm qua.

THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên