10/04/2010 06:01 GMT+7

Cơm cà mên trở lại

ĐẶNG TƯƠI - KIM ANH
ĐẶNG TƯƠI - KIM ANH

TT - Cứ đến 11g30 mỗi ngày, ở lầu 7 trụ sở chính Ngân hàng Đông Á, khoảng 20 phụ nữ xách cà mên cơm bày ra. Và bữa trưa bắt đầu trong không khí rôm rả.

ruiai5fe.jpgPhóng to
Tại Ngân hàng Đông Á (trụ sở chính) mỗi ngày làm việc có khoảng 20 người mang cà mên cơm để ăn trưa - Ảnh: ĐẶNG TƯƠI

Chị Trần Thị Lan, trưởng phòng ngân quỹ và chị Kim Lan, chị Hạnh - nhân viên phòng này - là những người có “thâm niên” năm năm mang cơm trong cà mên đi làm để ăn trưa, cho biết ăn như thế này vừa ngon vừa không bị nóng nực, chẳng phải lo chuyện cơm đựng trong hộp xốp có chất gây hại cho sức khỏe.

Ăn cơm nhà ở văn phòng

Để có bữa ăn như vậy các chị cho biết rất đơn giản: “Sau khi tập thể dục buổi sáng làm một loáng là có bữa cơm, chắc chắn rẻ hơn ăn ngoài, nhưng quan trọng là đảm bảo vệ sinh, nấu theo ý mình”.

Không chỉ những chị trung niên mà cả những bạn gái cũng “cà mên đi làm”. Bạn Nguyễn Thị Thanh Phương, nhân viên phòng thanh toán quốc tế, cho biết từ khi ra trường đi làm đến giờ hai năm thì chừng ấy thời gian chiếc cà mên là “người bạn thân”.

“Rẻ, sạch, không tốn thời gian” là nhận định của chị Trịnh Ngọc Vân, kế toán trưởng Công ty Top Solvent VN, về cơm cà mên. Văn phòng có 10 phụ nữ thì 100% xách cà mên đi làm. “Chỉ cần buổi chiều hôm trước nấu cơm và thức ăn nhiều hơn, chừa phần cho hôm sau là ổn, không phải thêm việc”- chị Vân nói. “Nói không với hộp xốp - thà nhịn còn hơn” là cách chị Vân thực hiện từ lâu nay, vì theo chị, “chưa nói đến độc hại, nhìn cách vận chuyển hộp trên đường phố là thấy không vệ sinh chút nào”.

Ở Công ty cổ phần sản xuất cáp quang và phụ kiện Việt Đức, tổng giám đốc Nguyễn Văn Nghĩa là một trong những thành viên “hội ăn cơm cà mên” này. Ở đây có 60 nhân viên thì 80% mang theo cơm từ nhà. Công ty trang bị lò hâm nóng để mọi người hâm thức ăn. Chị Trần Hương Thoa, trưởng phòng kinh doanh, đã mang cà mên theo mười năm nay, cho biết: “Mang cơm theo rất có lợi, vừa tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ, thức ăn vừa miệng, hợp vệ sinh”...

“Khoản tiền không nhỏ” này được chị Lý Kiều Ngọc Hạnh, nhà ở Hoàng Hoa Thám, Bình Thạnh (người làm cơm cà mên cho chồng mang theo đến sở làm từ nhiều năm qua), tính thành bài toán cụ thể: mỗi phần cơm “chất lượng cao” do chị chuẩn bị chỉ mất 15.000-20.000 đồng, có cả tráng miệng, trong khi ở khu vực Chợ Lớn, nơi chồng chị làm việc, mỗi phần ăn thường từ 20.000-45.000 đồng. Chị Hạnh bộc bạch: “Ăn ngoài đường có nhiều bất tiện như đi nắng, ngán vì ít món ăn, tốn nhiều thời gian, không ngủ trưa được. Làm món ăn cho chồng mang theo mình còn gửi cả tình yêu thương vào đó”.

Cà mên vào trường học

Hợp vệ sinh, không xả rác

Cà mên - có nơi gọi là cà mèn, phía Bắc gọi là cặp lồng - tưởng chừng đã “tuyệt chủng” sau thời bao cấp, ấy vậy mà giờ đây đang xuất hiện trở lại với kiểu dáng, màu sắc và các tiện ích rất hiện đại được nhiều người dùng.

Nhiều người cho biết ăn cơm cà mên không những ngon, chủ động, hợp vệ sinh mà còn không phải lo chuyện độc chất từ hộp xốp và không xả rác thải, bảo vệ môi trường.

Cơm cà mên gần đây còn rộ lên ở giới trẻ Hà Nội. Chỉ cần vào các diễn đàn trên mạng Internet sẽ thấy khá nhiều bạn trẻ hỏi mua cà mên loại giữ nhiệt để chuẩn bị chuyển từ cơm hộp sang cơm cà mên.

Trưa, dẹp sách vở, máy tính xách tay qua bên, các bàn học tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (TP.HCM) trở thành... bàn ăn của sinh viên. Xen lẫn những hộp xốp đựng các loại thức ăn vẫn có nhiều bạn mang cơm theo: người đựng bằng cà mên, người đựng bằng hộp nhựa. Có cả nhóm bạn cùng mang cơm ăn chung, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả.

Ngồi ghế đá dưới bóng cây sân trường, Kim Thu, sinh viên ngành báo chí, lấy từ balô một hộp nhựa đựng cơm ra ngồi ăn chung với nhóm bạn. Quê Thu ở Long An nên mỗi tuần đều về nhà lấy lương thực, thực phẩm. Để tiết kiệm, trưa nào ở lại trường bạn cũng mang cơm theo bởi “trường mình ở trung tâm nên ăn cơm tiệm mắc lắm, không phù hợp túi tiền sinh viên. Mấy bạn khác thường ăn qua loa bằng hộp bánh ướt còn mình trung thành với cơm tự nấu hai năm nay rồi. Cơm hơi nguội nhưng mình vẫn thấy ngon, vệ sinh và chắc bụng”. Mua cà mên loại giữ nhiệt là cách mà giới công chức thường chọn nhưng với sinh viên thì phần lớn vẫn mang cơm bằng cà mên bình thường vì giá cà mên giữ nhiệt hơi đắt.

Mặc cho bạn bè chọn cách ăn trưa ở căngtin trường, hiếm thấy nam sinh viên nào như anh chàng Nguyễn Mạnh Hùng (ngành công nghệ sinh học Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) vẫn trung thành với cơm cà mên do chị gái chuẩn bị mỗi ngày. “Hai chị em mình thuê nhà ở chung, chị gái ra trường đi làm. Sáng chị dậy sớm nấu cơm cho hai chị em ăn sáng và mỗi người một cà mên mang đi cho bữa trưa. Ăn cơm chị nấu riết rồi quen, ăn ngoài thấy ngán lại hao tiền” - Hùng cho biết. Trên diễn đàn của sinh viên Đại học Văn Lang có hẳn chủ đề “Cảnh báo những người ăn cơm hộp” và một bạn đã mách nước “có gì đâu, mua cà mên nho nhỏ bỏ sẵn vào balô mang cơm đi ăn thì tốt, còn không ra quán bảo người ta cho đồ ăn vào đấy mang về ăn chứ dùng hộp xốp thấy ớn thế nào ấy”.

Tại các trường học phổ thông, tuy không nhiều nhưng ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng có một số bạn mang theo cơm cà mên ăn trưa khi phải ở lại trường học vào buổi chiều. Hay như bạn Minh Khánh (Q.3), học tại một trường quốc tế nhưng vẫn dùng cơm cà mên. Chị Nguyễn Thị Minh Hằng, mẹ Khánh, nói: “Tôi thấy nhiều phụ huynh mua hộp cơm hay hộp xôi cho con ăn nhanh rồi đến các trung tâm học tiếp, như thế không đủ dinh dưỡng mà vừa phải dùng hộp xốp. Bữa nào không kịp nấu cơm, tôi mang cà mên mua thức ăn cho cháu mang theo”.

ĐẶNG TƯƠI - KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên