18/05/2008 06:02 GMT+7

Hội thi kể chuyện Bác Hồ: "Ông tiên" của chúng em

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Trong trái tim nhiều thế hệ thiếu nhi VN, Bác Hồ luôn là hình ảnh hiền từ, râu tóc bạc phơ, uy nghi, thân thương như một ông tiên.

1MiDtNB9.jpgPhóng to

Kể chuyện có minh họa của các bạn nhỏ Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: QUỐC LINH

TT - Trong trái tim nhiều thế hệ thiếu nhi VN, Bác Hồ luôn là hình ảnh hiền từ, râu tóc bạc phơ, uy nghi, thân thương như một ông tiên.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Và ông tiên ấy đã hiển hiện đầy xúc động trong lời kể của thiếu nhi TP.HCM nhân sinh nhật Bác...

"Ngay khi dừng trước cổng trại, thấy những hàng dây thép gai rào xung quanh, ánh mắt Bác đã hiện rõ một nỗi buồn rất lớn. Khi biết rào lại vì có nhiều em hay trốn trại chui hàng rào ra ngoài, Bác liền nói các cô chú phải gỡ bỏ ngay hàng rào, các cháu mồ côi đã thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, phải yêu thương các cháu như con cái mình, giáo dục, khuyên bảo nhẹ nhàng để các cháu nghe lời không bỏ trốn chứ ai lại đi rào bằng dây thép gai như vậy...". Trên sân khấu, giọng cô bé học sinh lớp 1 Nguyễn Lê Quỳnh Hương (Q.Tân Bình) như cuốn theo từng chi tiết của câu chuyện "Bác Hồ đến thăm trại mồ côi Kim Đồng". Theo mỗi bước chân, ánh mắt trẻ thơ, theo mỗi giọng điệu luyến láy của cô bé, khán giả như bị hút vào từng lời kể.

Với nhiều dáng vẻ hồn nhiên khác nhau, các thí sinh như góp cho bức tranh của hội thi "Chúng em kể chuyện Bác Hồ" nhiều sắc màu sống động. Các bạn nhỏ huyện Hóc Môn đã bước vào cuộc thi rất dễ thương, kể mà như không phải kể khi kết hợp giữa kể chuyện và diễn tiểu phẩm về một câu chuyện gắn với Bác trong chiến tranh.

Gần gũi hơn với những số phận

Hội thi "Chúng em kể chuyện Bác Hồ" dành cho học sinh tiểu học và THCS do Nhà Thiếu nhi TP.HCM tổ chức, thu hút đại diện 24 quận huyện, 11 mái ấm tình thương, cơ sở xã hội, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi tham gia; với hai hình thức thi: kể chuyện độc thoại và có minh họa.

Có lẽ ấn tượng hơn cả là phần dự thi của những bạn nhỏ đến từ mái ấm tình thương, cơ sở xã hội, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi. Cô bạn lớp 8 Phương Hà (nhà tình thương Diệu Giác) kể câu chuyện về những tháng ngày Bác làm phục vụ tại một nhà hàng ở nước Anh. Khi đó sau mỗi lần dọn bàn, Bác thường cất lại những thức ăn còn dư vào từng chiếc túi. Người đầu bếp hỏi để làm gì, Bác từ tốn trả lời có thể cho người nghèo những thứ ấy.

Phương Hà rút ra bài học không trẻ thơ chút nào: "Có những thứ, những vật dụng mình không dùng đến chớ vội vứt đi mà hãy cất lại vì biết đâu sẽ trở thành hữu dụng cho một ai đó. Làm vậy cũng là thực hiện lời dạy tiết kiệm của Bác".

Cô Trần Thị Trúc Chi - giám đốc Nhà Thiếu nhi TP - tỏ ra bất ngờ với tiết mục dự thi của các bạn nhỏ đến từ những đơn vị đặc biệt này: "Nhiều bài học sau mỗi câu chuyện rất gần gũi với những hoàn cảnh không may của các em".

Nhà văn Nguyễn Trí Công - giám khảo nhiều năm các hội thi kể chuyện thiếu nhi - nhận xét: "Tôi cảm nhận được những cảm xúc thật, có phần sâu lắng hơn trong phần thi của các em nhỏ đến từ mái ấm, cơ sở xã hội, có lẽ do hoàn cảnh đặc biệt của các em".

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên