26/10/2006 07:08 GMT+7

Ổ bánh mì của Đảng

BÙI THANH
BÙI THANH

TT - Chắc bây giờ không ai đi bán bánh mì để nuôi Đảng hoạt động. Ngược lại, nhiều người khi trở thành quan chức đã tìm mọi cách để “xơi” những “ổ bánh mì của Đảng”...

Người trả lại 4.000m2 đất - Kỳ 1: Làm đơn xin trả nhàNgười trả lại 4.000m2 đất - Kỳ 2: Một đời cho mọi đời

Ngày xưa, một ổ bánh mì của Đảng cũng không dám ăn, dù bụng đói. Hơn 60 năm sau, cũng chính con người ấy đã trả lại cho Nhà nước miếng đất 4.000m2 khá đẹp tại TP.HCM, rồi chọn lấy một chỗ ở bình thường, như dân thường.

Chuyện ấy có lẽ đã cũ với không ít người, nhưng thật ra vẫn mới đối với nhiều người trong chúng ta. Đặc biệt, khi mà chuyện lem nhem về nhà cửa, đất đai của nhiều quan chức và cán bộ lãnh đạo vẫn là chuyện lớn cần giải quyết. Và nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng ngay tại kỳ họp này.

Nhân vật mà chúng tôi muốn nói đến chính là ông Phạm Văn Xô, thường gọi là ông Hai Xô. “Các cậu đã viết về đồng chí Trần Kiên, vậy thì không thể không nhắc đến con người này”. Nhà báo Hữu Thọ (nguyên trợ lý của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh) nói vậy, khi trao cho phóng viên Tuổi Trẻ một cuốn sách vừa ra lò...

...Gấp sách lại, tôi nhớ mãi một chi tiết nhỏ: vào thời trẻ, ông Hai Xô đã từng đi bán bánh mì để lấy tiền góp vào quĩ hoạt động của Đảng.

Có lúc đói quá, nhưng ông vẫn nhất định không ăn dù chỉ một ổ. Ông tâm sự: sợ mình ăn xong rồi không có tiền bù lại, Đảng đã khó khăn càng khó khăn hơn (lúc đó Đảng Cộng sản Đông Dương vừa mới thành lập và ông vào Đảng tại Sài Gòn cũng vào năm ấy - 1930).

Ông Hai Xô từng bôn ba hoạt động khắp Đông Dương, kể cả Thái Lan. Ông trở thành trung ương ủy viên ngay tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Macau. Một “ông trùm kinh tài Việt cộng” thời kháng chiến chống Mỹ và phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương sau ngày đất nước thống nhất.

Với cương vị đó, công lao đó, ông Phạm Văn Xô được UBND TP.HCM cấp một miếng đất 4.000m2 ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ông về đó cất nhà, nuôi heo, thả cá, trồng cây... để hưởng những ngày thanh bình, sau mấy mươi năm hiến dâng đời mình cho hai cuộc kháng chiến.

Nhưng thật bất ngờ, một ngày kia ông quyết định trả lại cơ ngơi trị giá hàng ngàn cây vàng đó cho UBND TP.HCM, rồi chuyển đến một ngôi nhà nhỏ hơn. Và những năm cuối đời ông về sống trong một cư xá ở quận Bình Thạnh. Cũng giống như ông Trần Kiên, nhiều người nói ông Hai Xô là “dại”. Nhưng, “cán bộ cứ chiếm đất nhiều như thế, coi sao được. Mai này dân lấy chỗ đâu mà ở”. Ông tâm sự vậy. Có lẽ ngày xưa ông không dám ăn một “ổ bánh mì của Đảng” vì lo Đảng còn nghèo. Còn ngày nay ông trả lại cơ ngơi rộng lớn của mình, chắc ông lo lòng dân không thuận, trước những “đặc quyền đặc lợi” được ban phát tùy tiện cho nhiều cán bộ lãnh đạo.

Miếng đất ngày xưa của ông Hai Xô hiện là trụ sở một cơ quan nhà nước. Thật là ngược đời, khi thấy bây giờ vô số trụ sở cơ quan, nhà công vụ đã và đang biến dần thành nhà riêng quan chức. Không ít trong số đó thực chất là những vụ chiếm đoạt ngang nhiên và trắng trợn tài sản nhà nước. Nhiều vị đã toan tính thiệt hơn đến phát sợ. Mà ông trước “làm” rồi, ông sau cũng “làm” theo, cứ như một chuyện đương nhiên ở chốn quan trường thời nay.

Chắc bây giờ không ai đi bán bánh mì để lấy tiền nuôi Đảng hoạt động. Ngược lại, nhiều người khi trở thành quan chức đã tìm mọi cách để “xơi” những “ổ bánh mì của Đảng”, những “ổ bánh mì của dân chúng”. Thậm chí, họ còn tìm cách “xơi” luôn cả cái lò bánh mì.

Câu chuyện “từ ổ bánh mì đến 4.000m2 đất” của ông Hai Xô không bao giờ cũ!

BÙI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên