18/06/2009 15:59 GMT+7

Chứng khoán phái sinh (tt): Hợp đồng kỳ hạn...

LÊ VĂN THÀNH(Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo chứng khoán - UBCKNN)
LÊ VĂN THÀNH(Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo chứng khoán - UBCKNN)

TTO - Hợp đồng kỳ hạn (forward contract) là một thỏa thuận trong đó một người mua và người bán chấp thuận thực hiện một giao dịch hàng hóa với khối lượng xác định, tại một thời điểm xác định trong tương lai với một mức giá xác định trước.

- Giá cả và khối lượng giao dịch được xác định trước, nhưng thực hiện hợp đồng vào một thời điểm trong tương lai;

- Chỉ có hai bên tham gia vào việc ký kết, giá cả do hai bên tự thỏa thuận với nhau dựa trên những ước tính mang tính cá nhân;

- Khi có sự thay đổi giá cả trên thị trường giao ngay, rủi ro thanh toán sẽ tăng lên khi một trong hai bên không thực hiện hợp đồng.

Ví dụ: Bob muốn mua một căn nhà trong năm tới. Đồng thời Andy hiện tại đang sở hữu một căn nhà trị giá 100.000 USD mà anh ta muốn bán trong năm tới. Hai người ký một hợp đồng kỳ hạn với giá mua bán căn nhà là 104.000 USD trong vòng một năm tới. Một năm sau, giá thị trường của căn nhà là 110.000 USD. Khi đó Andy cũng buộc phải bán căn nhà cho Bob với giá 104.000 USD.

Hoặc,

Ông A cần 15.000 USD vào ngày 15-11-2009 cho một mục đích nào đó, để đề phòng tỉ giá có thể tăng cao ông A ký một hợp đồng kỳ hạn sáu tháng vào 15-5 với một ngân hàng, theo đó ông A sẽ mua 15.000 USD từ ngân hàng này vào ngày ông cần tiền là 15-11 với giá là 17.800đ/USD.

Hợp đồng tương lai (futures contract)

Là hợp đồng đã được chuẩn hóa, giao dịch trên sở giao dịch các hợp đồng tương lai, để mua và bán một loại hàng hóa xác định đã được tiêu chuẩn hóa vào một ngày xác định trong tương lai ở một mức giá được xác định trước dựa trên cân bằng cung cầu trên sàn giao dịch tại thời điểm mua bán của hợp đồng.

- Hợp đồng tương lai là những sản phẩm do các sở giao dịch tạo ra. Là một thỏa thuận giữa một người mua hoặc bán với sở giao dịch. Trung tâm thanh toán của SGD đóng vai trò là đối tác của tất cả hợp đồng, họ đưa ra yêu cầu về ký quỹ và quan trọng là cũng cung cấp một cơ chế thanh toán.

- Các bên trong hợp đồng tương lai phải thực hiện hợp đồng vào ngày thanh toán. Để thoát khỏi cam kết trước ngày thanh toán, các bên có thể bán (mua) một hợp đồng đối ứng, để thoát khỏi vị thế và nghĩa vụ hợp đồng của mình.

- Vị thế mua (long position): người nắm giữ vị thế mua có nghĩa vụ mua tài sản cơ sở theo giá đã thỏa thuận vào ngày đáo hạn của hợp đồng.

- Vị thế bán (short position): người nắm giữ vị thế bán có nghĩa vụ bán tài sản cơ sở theo giá đã thỏa thuận vào ngày đáo hạn của hợp đồng.

Hợp đồng quyền chọn (options)

Là một hợp đồng giữa người mua và người bán, nó cho phép người mua có quyền-không phải là nghĩa vụ- mua hoặc bán một khối lượng nhất định hàng hóa hay tài sản tại một mức giá xác định và trong một thời hạn nhất định. Đổi lại, người bán quyền chọn sẽ thu một mức phí từ người mua. Nếu người mua quyền chọn thực hiện quyền, người bán quyền buộc phải bán hay mua hàng hóa tại mức giá đã thỏa thuận. Người mua có thể chọn không thực hiện quyền và để quyền hết hạn. Giá hàng hóa cơ sở này có thể là cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số trái phiếu, hàng hóa, lãi suất hay hợp đồng tương lai…

Một hợp đồng quyền chọn bao gồm bốn đặc điểm cơ bản:

Loại quyền (chọn mua hoặc bán - call hoặc put option)

Chủng loại và khối lượng hàng hóa cơ sở (underlying asset)

Giá thực hiện của hàng hóa cơ sở (strike price)

Ngày hết hạn (expiration date)

Điều kiện thanh toán (Settlement terms)

Phí mua quyền (Premium)

* Các yếu tố ảnh hưởng đến giá của quyền chọn:

Giá hiện hành của chứng khoán cơ sở

Giá thực hiện của quyền (strike price)

Chi phí để giữ một vị thế mua hay bán, gồm cả lãi suất và cổ tức

Thời gian cho đến ngày hết hạn của quyền và các hạn chế về việc thực hiện quyền đi kèm;

Dự đoán về mức dao động giá dự đoán của chứng khoán cơ sở (volatility);

* Rủi ro

Pin risk: rủi ro nảy sinh khi giá hàng hóa cơ sở tiến sát giá thực hiện vào ngày cuối cùng trước ngày đáo hạn của hợp đồng. Người bán quyền không biết chắc chắn được liệu quyền có được thực hiện hay không? Vì thế người bán quyền có thể còn nhiều vị thế mở còn lại (residual position) không mong muốn vào ngày cuối cùng có hiệu lực của quyền.

Counterparty risk: Rủi ro đối tác không thực hiện hợp đồng.

* Giao dịch hợp đồng quyền chọn

Trên các sàn giao dịch hợp đồng tương lai và quyền chọn:

Việc thực hiện hợp đồng được hỗ trợ bởi sàn giao dịch;

Đối tác là vô danh;

Những qui định đảm bảo sự công bằng và minh bạch;

Đảm bảo trật tự của thị trường, đặc biệt trong những điều kiện giao dịch sôi động;

Trên thị trường OTC

* Các giao dịch cơ bản về quyền chọn chứng khoán (kiểu Mỹ đối với các trader)

Long call: mua quyền chọn mua cổ phiếu;

Long put: mua quyền chọn bán cổ phiếu

Short call: bán khống cổ phiếu hoặc bán một quyền chọn mua;

Short put: mua cổ phiếu hoặc bán một quyền chọn bán.

* Chiến lược mua bán quyền chọn (option strategies)

Quyền chọn mua (call option): Trao cho người nắm giữ quyền mua một hàng hóa cơ sở vào một ngày xác định (thông lệ sau 3-9 tháng)

Ví dụ: quyền chọn mua 1.000 cổ phiếu XYZ với giá 100.000/cổ phiếu sau ba tháng. Phí trả cho quyền chọn là 8 triệu.

Nếu giá thị trường sau ba tháng là 110.000/cổ phiếu

Lãi: (10.000 * 1000) – 8 triệu = 2 triệu (thực hiện quyền)

Nếu giá thị trường sau ba tháng là 102.000/cổ phiếu

Lỗ: (10 ngàn * 2000) -8 triệu = -6 triệu (thực hiện quyền)

Nếu giá thị trường sau 3 tháng là 99.000/cp

Lỗ: 8 triệu (không thực hiện quyền)

Quyền chọn bán (put option): trao cho người nắm giữ quyền bán một hàng hóa cơ sở vào một ngày xác định

Hợp đồng hoán đổi (swap)

Hợp đồng hoán đổi là hợp đồng giữa hai bên nhằm hoán đổi một dòng tiền này lấy một dòng tiền khác. Những dòng tiền này được gọi là những thành phần của hợp đồng hoán đổi.

Những dòng tiền này được tính dựa trên giá trị nguyên tắc danh nghĩa, mà giá trị danh nghĩa này thường không được trao đổi giữa các bên. Kết quả là hợp đồng hoán đổi có thể được sử dụng để tạo ra những giá trị của hàng hóa cơ sở không được đảm bảo tài trợ, vì các bên có thể kiếm lời hay chịu lỗ từ sự biến động giá cả mà không ký gởi khoản giá trị danh nghĩa bằng tiền mặt hay bằng tài sản đảm bảo.

Hợp đồng hoán đổi được sử dụng để phòng ngừa rủi ro lãi suất, hay đầu cơ vào sự thay đổi của giá cả hàng hóa cơ sở.

Ví dụ: Hợp đồng hoán đổi lãi suất cố định với lãi suất thả nổi. Bên A thanh toán lãi suất định kỳ cho bên B dựa trên lãi suất thả nổi là LIBOR + 50 điểm cơ bản. Bên B thanh toán lãi suất định kỳ cho bên A dựa trên lãi suất cố định 3%. Những khoản thanh toán được tính dựa trên giá trị danh nghĩa.

* Giao dịch các hợp đồng swap:

Swap là hợp đồng giữa hai bên để trao đổi dòng tiền mặt trong tương lai theo những công thức đã định sẵn. Swaps có thể được xem là những danh mục đầu tư của hợp đồng kỳ hạn. Những biến số phải được xác định khi ký hợp đồng có thể là lãi suất, tỉ giá, giá chứng khoán hay giá hàng hóa.

Hầu hết các hợp đồng Swaps được giao dịch trên OTC, một số loại Swaps được giao dịch trên sàn giao dịch các hợp đồng tương lai

Các loại hợp đồng swaps thông dụng:

Hoán đổi lãi suất (interest rate swaps)

Hoán đổi tiền tệ (currency swaps)

Hoán đổi tín dụng (credit swaps)

Hoán đổi hàng hóa (commodity swaps)

Hoán đối chứng khoán vốn (equity swaps)

* Hợp đồng hoán đổi lãi suất: (Interest rate swap) là một hợp đồng phái sinh mà theo đó một bên trao đổi dòng lãi suất để lấy dòng tiền mặt của một bên khác.

Được sử dụng để quản lý tài sản hoặc nợ cố định hay thả nổi, hoặc đầu cơ kiếm lợi từ sự thay đổi lãi suất. Đây là một công cụ rất phổ biến và có tính thanh khoản cao.

Hợp đồng thông dụng nhất là một bên trả một mức lãi suất cố định (the swap rate) cho bên kia, trong khi nhận lại một lãi suất thả nỗi (thường gắn với lãi suất tham chiếu LIBOR)

A trả lãi suất cố định cho B (A nhận lãi suất thay đổi)

B trả lãi suất cố định cho A (B nhận lãi suất thay đổi)

Ví dụ: Hợp đồng swap như sau: bên A đồng ý trả cho bên B một số tiền theo lãi suất cố định là 3%, trong khi nhận lại khoản thanh toán là theo lãi suất LIBOR +50 điểm (0,50%). Lưu ý rằng sẽ không có sự trao đổi số tiền danh nghĩa của hợp đồng và lãi suất được dựa trên số tiền danh nghĩa. Tới ngày đáo hạn, số tiền thanh toán lãi suất sẽ được thanh toán như sau: nếu LIBOR là 1,3% bên B sẽ nhận 1,2% (3%-(LIBOR+50điểm) và bên A sẽ trả 1,2% của số tiền danh nghĩa. Lãi suất cổ định (3%) được xem như là lãi suất hoán đổi (Swap rate).

* Hợp đồng hoán đổi tiền tệ (currency swap): là một hợp đồng về trao đổi ngoại tệ theo đó hai bên sẽ trao đổi khoản tiền gốc và lãi cố định của một khoản vay để lấy một khoản tiền gốc và lãi cố định tương đương một khoản vay của một đồng tiền khác.

Hoán đổi tiền tệ thường kết hợp với hóa đổi lãi suất.

Ví dụ: Một công ty có trụ sở ở Mỹ cần đồng franc Thụy Sỹ và một công ty đóng ở Thụy Sỹ cần đồng USD. Hai công ty này có thể thỏa thuận trao đổi tiền tệ bằng cách thỏa thuận một mức lãi suất, số tiền đồng ý trao đổi và ngày đáo hạn. Thời gian đáo hạn thường kéo dài ít nhất 10 năm.

* Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (credit default swap CDS): là một hợp đồng phái sinh tín dụng mà theo đó bên mua sẽ thanh toán một khoản tiền định kỳ cho bên bán, đổi lại họ sẽ nhận được khoản bồi thường nếu công cụ tài chính cơ sở bị mất khả năng thanh toán.

Ví dụ: một nhà đầu tư mua một CDS từ ngân hàng Citi Banh, tổ chức tham chiếu cho CDS là AIG. Nhà đầu tư phải trả phí định kỳ cho Citi Bank, và nếu AIG mất khả năng thanh toán các khoản nợ (vd: chậm trả lãi suất cupon hoặc không trả nó), nhà đầu tư sẽ nhận được khoản thanh toán một lần từ Citi Bank và hợp đồng CDS chấm dứt. Nếu nhà đầu tư thật sự sở hữu nợ của AIG, CDS được coi là công cụ phòng chống rủi ro. Nhưng nhà đầu tư có thể mua CDS mà không sở hữu nợ của AIG, điều này thực hiện vì mục đích đầu cơ, đánh cược về khả năng mất thanh toán của AIG để kiếm tiền, hoặc để phòng ngừa rủi ro cho các khoản đầu tư vào các công ty khác mà số phận của nó có thể tương đương với AIG.

* Hợp đồng hoán đổi cổ phiếu (equity swap): là hợp đồng hoán đổi mà tổ hợp các dòng tiền được thỏa thuận trao đổi giữa hai bên vào một ngày xác định trong tương lai. Hai dòng tiền thường được đề cập như là những vế của hợp đồng Swap; một trong hai vế thường gắn với một lãi suất thả nổi như LIBOR. Vế này được xem như là vế nổi. Vế còn lại dựa trên kết quả của một cổ phiếu hoặc một chỉ số thị trường. Vế này được xem như là vế cổ phiếu. Hầu hết những hợp đồng loại này gồm một vế lãi suất thả nổi đối với vế cổ phiếu, mặc dù một số loại hợp đồng tồn tại với hai vế cổ phiếu.

Ví dụ: Hợp đồng Swap về chỉ số: Bên A hoán đổi 5.000.000 bảng với lãi suất LIBOR + 3 điểm cơ bản lấy 5.000.000 bảng (dựa vào chỉ số FTSE đối với giá trị danh nghĩa 5.000.000). Trong trường hợp này bên A sẽ trả cho bên B mức lãi suất thả nổi LIBOR+ điểm cơ bản trên số tiền danh nghĩa là 5.000.000 và sẽ nhận lại từ bên B bất kỳ sự gia tăng theo tỉ lệ phần trăm của chỉ sổ cổ phiếu FTSE cho giá trị danh nghĩa là 5.000.000 bảng.

* Hợp đồng hoán đổi hàng hóa (commodity swap): là một thỏa thuận mà theo đó giá thả nổi của hàng hóa (giá giao ngay) được trao đổi lấy giá cố định trong một khoản thời gian xác định.

Người sử dụng hàng hóa muốn đảm bảo giá ở mức tối đa và đồng ý trả cho tổ chức tài chính một mức giá cố định. Đổi lại người sử dụng sẽ nhận được những khoản thanh toán dựa trên giá cả thị trường cho những hàng hoá liên quan. Ngược lại, người sản xuất muốn cố định thu nhập và đồng ý trả giá thị trường cho tổ chức tài chính, đổi lại cho việc nhận những khoản thanh toán cố định cho hàng hoá.

LÊ VĂN THÀNH(Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo chứng khoán - UBCKNN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên