02/06/2014 07:25 GMT+7

Đừng đẩy khó cho dân

TRẦN TRUNG KIÊN
TRẦN TRUNG KIÊN

TT - Qua thông tin trong bài viết “Khai khống để giảm thuế” (Tuổi Trẻ 29-5) cho thấy cách giải quyết của cơ quan thuế (Chi cục Thuế quận 3, TP. HCM) còn cứng nhắc khi yêu cầu người dân phải tự liên hệ với doanh nghiệp để giải quyết việc gỡ tên mình ra khỏi danh sách nhận lương.

Khai khống để giảm thuếChi cục Thuế quận 3 bị kiện ra tòaGiao lưu trực tuyến về quyết toán thuế 2013

Không biết có khi nào cán bộ thuế tự hỏi liệu người dân đã phải mất bao nhiêu công sức, thời gian để đi làm việc này, và liệu doanh nghiệp có dễ dàng hợp tác với người dân không khi chính doanh nghiệp đã kê khai một cách không trung thực về danh sách nhận thu nhập.

Hiện nay, một người “bỗng dưng...có thu nhập” ở một doanh nghiệp nào đó khi bản thân thực tế không làm việc không phải là chuyện hiếm gặp. Đã có nhiều trường hợp người dân khi đi làm quyết toán thuế mới “ngớ người” khi biết mình còn có làm việc và kèm theo là thu nhập chịu thuế (TNCT) ở một doanh nghiệp lạ hoắc. Nhưng điều khiến người dân cảm thấy bức xúc nhất trong chuyện này chính là cách giải quyết của cơ quan thuế. Đó là yêu cầu người có TNCT phải giải trình và... xin xác nhận của doanh nghiệp kia về việc bản thân không làm việc ở đó.

Với cách làm này, cơ quan thuế đã “đá” toàn bộ trách nhiệm chứng minh về phía người dân, khiến người dân - người bị vi phạm phải lặn lội tìm đến doanh nghiệp - người có hành vi vi phạm, để “năn nỉ” xin doanh nghiệp rút lại hành vi vi phạm của mình. Chuyện ngược đời này chắc chỉ có ở VN. Hơn nữa, cách xử lý của cơ quan thuế cũng chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp khai khống, điều đó khiến doanh nghiệp “lờn thuốc” và tiếp tục vi phạm.

Có thể lấy ngay trường hợp của ông Nguyễn Văn Nhàn (được nêu trong bài viết) làm ví dụ. Năm 2012 ông Nhàn đã bị kê khai khống có thu nhập tại một công ty, ông Nhàn đã phải bỏ công sức liên hệ giải quyết để rồi qua năm 2013 lại chính công ty này tiếp tục kê khai khống ông Nhàn vào danh sách nhận thu nhập của công ty. Không thể nói rằng những người có trách nhiệm của doanh nghiệp không biết hoặc không liên can đến việc khai khống danh sách này vì việc quyết toán các khoản thu chi trong kinh doanh đều phải qua nhiều cấp ký duyệt tùy từng doanh nghiệp.

Theo tôi, để giảm bớt phiền hà cho người dân và tăng tính nghiêm minh của pháp luật, khi phát hiện người kê khai có khoản TNCT ở doanh nghiệp khác mà người đó không thừa nhận, cơ quan thuế phải hướng dẫn người kê khai làm bản cam kết không có khoản TNCT trên (làm căn cứ để xử lý nếu sau này phát hiện người kê khai có gian đối) và tiếp tục giải quyết hồ sơ kê khai, hoàn thuế cho người dân.

Đồng thời, cơ quan thuế làm việc với doanh nghiệp đã kê khai và yêu cầu giải trình, nếu xác định doanh nghiệp đã khai khống thì cần lập biên bản và xử lý ngay lập tức về hành vi gian dối nhằm trốn thuế, gian lận thuế, đồng thời yêu cầu cải chính thông tin. Còn nếu do người kê khai gian đối thì căn cứ vào bản cam kết đã lập trước đó để xử lý. Giải quyết như vậy vừa giảm bớt phiền hà cho người dân lại tăng tính nghiêm minh của pháp luật.

TRẦN TRUNG KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên