16/04/2014 10:27 GMT+7

Đề nghị chủ động giảm tải hàng container

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - Ngày 15-4, tại cảng Cát Lái (TP.HCM)- nơi tập trung hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất khu vực phía Nam - hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường, do cảng đã chủ động làm việc với chủ hàng để giảm tải hàng đóng trong container.

Đưa xe cân hơn 2 tỉ đồng vào cân xeKhông có cách nào tốt hơn là chở đúng tảiKiên quyết xử lý xe quá tải

b2bDZ124.jpgPhóng to
Lực lượng thanh tra giao thông hướng dẫn lái xe vào trạm cân lưu động, đoạn đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM (ảnh chụp trưa 15-4) - Ảnh: T.T.D.

Trong khi đó, nhiều chủ hàng nhập khẩu hàng container đang than trời vì tình trạng tải trọng “chuẩn quốc tế” nhưng lại quá tải ở VN.

Lệch pha

Không xảy ra cảnh ùn tắc trên quốc lộ 1

Ngày 15-4, Sở Giao thông vận tải Bình Thuận phối hợp với các lực lượng cảnh sát giao thông, kiểm soát quân sự, cảnh sát cơ động tổ chức ngày hoạt động đầu tiên của trạm kiểm tra tải trọng trên quốc lộ 1, thuộc địa bàn xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam).

Do trạm kiểm tra trên được đặt tại đường dẫn vào Khu công nghiệp Hàm Kiệm, nên khi lực lượng chức năng hướng dẫn xe tải chạy từ quốc lộ 1 vào bên trong trạm thì không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông như các tỉnh khác.

Tính đến 16g30 ngày 15-4, Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho biết có 64 xe tải được kiểm tra tải trọng. Trong số này có 14 xe vi phạm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-4, bà Nguyễn Thị Hoan, văn phòng đại diện Công ty Tong Teik Pte Ltd tại TP.HCM - đơn vị thường nhập khẩu mặt hàng bông để sản xuất sợi từ nhiều nước trên thế giới về bán cho các doanh nghiệp VN, tỏ ra khá bức xúc vì sự “lệch pha” trong tiêu chuẩn đóng hàng container quốc tế với quy định tải trọng của VN.

“Tôi không ủng hộ doanh nghiệp vận tải chở quá tải lên gấp đôi, gấp ba quy định làm hư hại cầu đường. Tuy nhiên, với hàng nhập khẩu container thì cần xem xét lại. Nếu có quá tải thì cũng không phải lỗi của doanh nghiệp, bởi họ không chủ động được trọng lượng hàng hóa đóng trong container” - bà Hoan nói.

Bà Hoan phân tích: theo tiêu chuẩn quốc tế, một container 40 feet được đóng ít nhất 25 tấn hàng. Vỏ container nặng 4-5 tấn, cộng với xe rơmooc thì đã lên đến vài chục tấn, rất dễ bị quá tải.

“Hiện các doanh nghiệp khách hàng đang chủ động yêu cầu chúng tôi khi nhập hàng về chỉ đóng hàng với tải trọng 20 tấn/container. Như vậy, VN đang đòi một tiêu chuẩn riêng mà rất khó thực hiện được” - bà Hoan bức xúc.

Trường hợp vẫn nhập về bình thường, sau khi làm xong các thủ tục thì sẽ mở container tại cảng và dỡ ra vài chục kiện hàng để đảm bảo hàng trong container đáp ứng được tiêu chí tải trọng theo quy định, số còn lại chở về sau lại gây thêm nhiều phiền hà, nhân lực, chi phí cho doanh nghiệp và khó thực hiện. Vì vậy bà Hoan cho rằng quy định tải trọng xe container cần theo thông lệ của thế giới.

Phó giám đốc một công ty chuyên làm dịch vụ xuất nhập khẩu ở TP.HCM cho rằng rất khó để có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa đóng container với trọng lượng thấp hơn. Thay vào đó, cần phải nâng tiêu chuẩn tải trọng của đường sá lên để phù hợp với đặc thù của ngành vận tải container.

Cảng vẫn hoạt động bình thường

Một số chủ hàng cho biết những ngày gần đây chưa dám lấy hàng sợ bị phạt quá tải. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, những trường hợp này chủ yếu rơi vào các mặt hàng rời như gạo, phân bón, hoặc hàng nặng như ximăng, sắt thép... Với hàng container, một cán bộ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - đơn vị phụ trách khai thác cảng Cát Lái - cho biết những ngày qua hoạt động ở cảng vẫn diễn ra bình thường.

Theo phía cảng Cát Lái, sở dĩ như vậy là do trước đợt siết tải trọng từ ngày 1-4, TP.HCM đã thực hiện siết khá mạnh, cân tải trọng ngay trên đường ra vào cảng nên thời điểm đó đã xảy ra khá nhiều vấn đề. Vì thế, cảng đã chủ động làm việc với các chủ hàng để đóng hàng sao cho phù hợp. Còn với hàng nhập khẩu, doanh nghiệp phải làm việc với bạn hàng nhằm giảm tải hàng container.

Trước đó trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hùng, phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN, cho rằng chuẩn container thì theo quốc tế nhưng vào VN lại không phù hợp. Trong khi chờ cầu đường nâng cấp, trước mắt các chủ hàng xuất nhập khẩu cần chủ động điều chỉnh lượng hàng đóng trong container cho phù hợp để tránh bị xử phạt. “Ngay khi ký hợp đồng ngoại thương, chủ hàng VN có thể đưa ngay ý kiến về việc điều chỉnh lượng hàng xếp trong container cho phù hợp với mức tải trọng giới hạn của đường sá VN” - ông Hùng cho hay.

Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Thiên Nam - doanh nghiệp thường xuyên nhập hàng nguyên liệu về qua cảng Cát Lái, dù nhận được thông báo của cảng nhưng việc thương lượng với bạn hàng rất khó. Nhà xe đành phải chạy ban đêm để né kiểm tra. Hơn nữa, đây là lỗi của Nhà nước chứ không phải của chủ hàng hay nhà xe. Bởi lẽ ra khi xây dựng cầu đường, cấp đăng kiểm xe phải tính đến đặc thù của hàng hóa container và chuẩn quốc tế. Vì thế, nếu đột xuất áp đặt như hiện nay thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Bà Hoan cũng cho rằng cần có ưu tiên hơn cho hàng container vì nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp.

TP.HCM: đưa xe cân hiện đại vào cân xe

Ngày 15-4, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đưa chiếc xe cân di động hiện đại trị giá hơn 2 tỉ đồng vào hoạt động trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh (Q.7). Theo đó, chiếc xe cân này được lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị cân tải trọng xe và có thể tổ chức cân xe ở bất kỳ tuyến đường nào. Việc cân xe diễn ra nhanh chóng, đồng thời các thiết bị trong xe ghi nhận, chụp ảnh và in đầy đủ thông tin về chiếc xe có hay không vượt quá tải trọng thiết kế xe...

* Cùng ngày, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước đã chính thức đưa vào hoạt động trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên quốc lộ 14.

Theo đó, trạm được đặt xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước). Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước cho biết trạm cân này hoạt động 24/24 giờ, chia làm ba ca trong ngày.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên