19/06/2013 11:58 GMT+7

Nông dân chặt bỏ vườn cacao

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Nhiều nông dân ở Đắk Lắk đang phải phá bỏ vườn cacao đã trồng 3-5 năm để quay về trồng các loại cây từng bị chặt bỏ trước đó.

7mW3WZV0.jpgPhóng to
Ông Maro Y Pắc (buôn Ea Sar, huyện Ea Ka, Đắk Lắk) chặt bỏ vườn cacao - Ảnh: T.MẠNH

Không “dễ ăn” như thông tin ban đầu của các dự án, nhiều mô hình trồng cacao thất bại vì không hợp điều kiện thổ nhưỡng, quá sức đầu tư của các hộ nghèo và giá cả bấp bênh...

Dự án hết, cacao cũng đi

Chúng tôi đến rẫy nhà ông Maro Y Pắc, 44 tuổi, buôn Ea Sar, huyện Ea Ka (Đắk Lắk) khi ông đang chặt bỏ những cây cacao cuối cùng để chuẩn bị trồng khoai mì. Trước đây, mảnh rẫy này trồng điều nhưng từ năm 2007, theo khuyến khích của một dự án nước ngoài, ông Maro Y Pắc đốn bỏ điều để chuyển sang trồng cacao với hi vọng nhanh chóng thoát nghèo.

“Hồi ấy dự án phát miễn phí cho tôi 250 cây cacao giống và phân vi sinh. Mỗi lần đi học cách chăm sóc cacao chúng tôi đều nghe thông tin cacao đang có giá nên ham lắm. Ai ngờ mới trồng được một thời gian thì cacao bắt đầu chết dần, số còn lại phát triển kém và chậm ra quả, đến năm nay tôi mới thu hoạch được hơn chục ký quả tươi” - ông Maro Y Pắc nói.

Còn ông Y Thin Byă, trưởng buôn Ea Sar, cũng được dự án cho 300 cây cacao giống nhưng khi chúng tôi đến nhà thì không còn cây nào. “Trồng cacao khó lắm, chết nhiều nên giờ tôi chuyển sang trồng mía. Trồng mía ít phải chăm sóc và thu nhập cũng khá hơn” - ông Y Thin Byă cho biết.

Trường hợp phá bỏ cacao sau mấy năm trồng như ông Maro Y Păc, Y Thin Byă không phải hiếm. Theo ông Nguyễn Văn Sỹ - chủ tịch UBND xã Ea Sar, khi dự án mới triển khai có 77 hộ nghèo tham gia nhưng đến nay còn 2/3. Diện tích cacao từ mức cao nhất là 300ha đến nay còn 139ha và chưa có hộ trồng cacao cho thu nhập cao ở xã. “Do diện tích trồng cacao của mỗi hộ nhỏ, thu nhập thấp nên đến nay mục tiêu xóa đói giảm nghèo chưa thực hiện được” - ông Sỹ nói.

Cách Ea Ka khoảng 100km, tình trạng bỏ cây cacao cũng diễn ra khá phổ biến tại huyện Lăk. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cacao đang héo úa vì thiếu nước, ông Y Krông Du ở buôn Biăp (xã Yang Tao, huyện Lăk) cho biết đây là vườn trồng 150 cây cacao mà dự án Adivoca cho cây giống hồi năm 2009. Do đất ở đây thường xuyên khô hạn nên cây cacao phát triển chậm, mãi đến năm 2013 mới cho thu bói.

Làm theo phong trào?

Phát triển quá nhanh

Theo Ủy ban Điều phối cacao VN (VCC), đến cuối năm 2012 diện tích cacao cả nước đạt khoảng 25.700ha, tăng 5.600ha so với cuối năm 2011. Trong đó, diện tích cacao cho thu hoạch là 11.000ha với năng suất bình quân 0,6 tấn/ha. Mục tiêu đến năm 2020 diện tích cacao VN là 50.000ha, năng suất 1,2 tấn/ha, xuất khẩu 60-70 triệu USD.

Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu cho cacao như vậy là phát triển quá nhanh trong khi đây là cây trồng mới. Ngay cả hồ tiêu mỗi năm xuất khẩu gần 1 tỉ USD nhưng chỉ quy hoạch ở mức 50.000ha.

Anh Niê Hoàng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Lak, cho biết dự án cacao ở Lak bắt đầu từ năm 2007 do Adivoca tài trợ. Theo đó, dự án sẽ chọn một số nông dân biết chữ và có năng lực trong cộng đồng để làm tập huấn viên.

Đây là những hạt nhân để thành lập các câu lạc bộ (CLB) cacao tại địa bàn họ ở, mỗi CLB gồm 40 người. Dự án phát miễn phí cho mỗi thành viên CLB 200 cây giống, phân vi sinh và thuốc trừ mối. Lúc cao điểm có trên 1.500 hộ tham gia. Nhưng theo anh Niê Hoàng, cây cacao chăm sóc ban đầu rất khó khăn, nhiều người chưa có kinh nghiệm nên bỏ bê cây này dẫn đến thất bại.

“Hiện còn 1.200 hộ trồng cacao, lúc cao điểm diện tích vượt trên 1.200ha, nay chỉ còn 500ha” - anh Niê Hoàng giải thích.

Một số nghiên cứu mới đây của các tổ chức phi chính phủ, trong đó có Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội và môi trường (iSEE) cho thấy nhiều chương trình phát triển cacao tại Tây nguyên, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đang cho thấy sự thiếu bền vững.

TS Nguyễn Minh Phong, cán bộ hiện trường của iSEE, cho biết nhiều người trồng cacao bởi họ được cho cây giống chứ thật ra cây này không phù hợp với họ. Việc phát triển cacao quá nhanh khi chưa có những nghiên cứu đầy đủ về thổ nhưỡng đã để người dân chịu hậu quả. “Nhiều vùng đất thiếu nước ở Tây nguyên không thể trồng cacao nhưng vẫn nằm trong quy hoạch trồng” - TS Phong cho biết.

Ông Phong cho rằng sự phát triển nóng của cây cacao thời gian qua có tác động từ những công ty nước ngoài. Trong khi tại nhiều quốc gia trồng cacao lớn như Costa Rica, Indonesia..., người dân đã bỏ cacao để chuyển sang trồng cây khác thì VN lại đặt ra mục tiêu phát triển quá nóng. Có thể diện tích giảm là do người dân nhận ra cacao không thật sự đem lại lợi ích như các loại cây trồng khác. Để đảm bảo nguồn cung ổn định, các tập đoàn buôn bán và chế biến cacao lớn buộc phải có những chính sách để phát triển vùng cacao nguyên liệu ở các quốc gia khác và VN là một lựa chọn.

Theo Hiệp hội Cà phê - cacao VN (Vicofa), nhiều nông dân chê cây cacao do có năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao như các cây trồng khác như hồ tiêu, cà phê, cao su... nên không hấp dẫn nông dân đầu tư. Hiện cacao chủ yếu được trồng xen với vườn dừa, điều, sầu riêng và các cây lâu năm khác.

Ông Nguyễn Văn Sỹ nói: “Chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào cacao vì giá bấp bênh, hơn nữa việc thoát nghèo từ cacao thì chưa thấy. Hiện địa phương đã tạm dừng, không có kế hoạch trồng thêm”.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên