03/06/2013 14:34 GMT+7

VN cần tiếp tục cải cách mạnh, giảm tham nhũng

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Sáng nay 3-6, Diễn đàn kinh tế VN (VBF) giữa kỳ, với sự tham gia của hơn 100 hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan đại diện nước ngoài tại VN, đã khai mạc với nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ VN cải cách mạnh hơn, chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính…

Theo ông Kim Jung In, chủ tịch Phòng thương mại Hàn Quốc tại VN (KorCham), các thành viên của KorCham vẫn gặp phải nhiều khó khăn tại VN. Ví dụ, VN đang ưu tiên dự án công nghệ cao nhưng điều kiện xác định các dự án ứng dụng công nghệ cao và Dự án đầu tư vào hoạt động sản xuất ứng dụng công nghệ cao của VN là rất khó. Như quy định, phải có số người có bằng đại học, trên đại học trực tiếp tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phải đạt tối thiểu 5% tổng số nhân viên của dự án.

Theo KorCham, doanh nghiệp thực chất sẽ rất khó để đáp ứng yêu cầu 5% này, dự án càng lớn càng khó. Bởi với những dự án lớn có số lượng nhân viên từ trên 1.000 đến 2.000 người, đáp ứng 5% là điều không dễ. Ngoài ra, còn quy định tổng mức chi tiêu bình quân cho công tác nghiên cứu, ứng dụng hằng năm ở Việt Nam phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu dự án. Mức 1% này có thể tương đương với một số tiền lớn đối với những dự án có quy mô vốn đầu tư lớn…

Chính sách hỗ trợ còn chậm

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), công nhận với những gì VCCI kiến nghị tại VBF 2012 như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%, bỏ trần cho phép mức chi phí quảng cáo, Chính phủ đã có tiếp thu như đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và mức phổ biến là 23%; trình Quốc hội nâng trần cho phép chi phí quảng cáo từ 10% tổng chi phí lên 15%...

Khẳng định diễn đàn là hữu ích, được lắng nghe, thực hiện, tuy vậy, trước thực tế doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp phá sản vẫn tăng lên, ông Lộc cho rằng chính sách hỗ trợ của Chính phủ còn chậm, chưa đủ mạnh. Đặc biệt, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước rất chậm.

VCCI tiếp tục kiến nghị kiên định ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cải cách cơ cấu. Đặc biệt, theo ông Lộc, cần có đột phá hỗ trợ doanh nghiệp, và VCCI tiếp tục kiến nghị cần đưa thuế thu nhập doanh nghiệp về mức thống nhất là 20%, bỏ trần chi phí quảng cáo, hoặc tối thiểu trần phải là 15-20%...

Theo báo cáo của nhóm công tác Đầu tư và Thương mại của diễn đàn VBF, như quy định của VN hiện nay, chỉ cần có nhà đầu tư nước ngoài nắm 1% cổ phần thì doanh nghiệp đó đã bị coi như doanh nghiệp FDI, chịu quy định rất phức tạp về cấp giấy chứng nhận đầu tư, giới hạn sản xuất kinh doanh, nhất là trong kinh doanh bất động sản, dược phẩm. Nên đã có doanh nghiệp dược phẩm VN bị từ chối cho lập hệ thống phân phối khi kinh doanh dược phẩm vì trót có nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Kết quả doanh nghiệp này phải hủy niêm yết để loại bỏ nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nhóm nghiên cứu kiến nghị đã đến lúc VN nên xem lại khái niệm thế nào là doanh nghiệp FDI.

KhaHvgde.jpgPhóng to
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đến dự và phát biểu trong hội nghị - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
KIVfkr8b.jpgPhóng to
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
rlYoiAZW.jpgPhóng to
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Vấn đề thứ hai mà nhóm công tác Đầu tư Thương mại báo cáo là lãi suất ngân hàng của VN hiện cao gấp đôi nước ngoài, cơ chế lại là hiện muốn đi vay mới để trả cũ không được. Doanh nghiệp muốn đi vay nước ngoài dài hạn cũng phải đăng ký với ngân hàng nhà nước và sẽ bị đòi dự án, giấy chứng nhận đầu tư. Nên doanh nghiệp thực tế chỉ được đi vay ngắn hạn để đáp ứng vốn lưu động…

Cần có hành động thực tế

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại VN Mark Gillin đề nghị Chính phủ VN cần có hành động trên thực tế để cải cách, cần chống tham nhũng, quản lý kém… bởi Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên bị vấn nạn tham nhũng và quản lý kém ảnh hưởng nền tảng của nền kinh tế. Một số người cho rằng những thách thức trên rất khó giải quyết và tình hình đặc thù ở Việt Nam không cho phép thực hiện những giải pháp khả thi. “Chúng tôi không tin điều đó là sự thật”, ông Mark Gillin nói.

Nhóm báo cáo về bất động sản của VBF khi trình bày báo cáo của mình đã kiến nghị giải pháp mạnh: VN cần có chính sách thuế tốt hơn cho giao dịch đất đai, giảm theo thời gian bất động sản được bán. Đặc biệt, nên cho doanh nghiệp nước ngoài mua đất đai ở VN, cho người nước ngoài mua nhà. Bởi hiện ở Malaysia, người nước ngoài có thể mua nhà ở và kinh doanh, VN chỉ cho một số đối tượng mua để ở. Việc cho người nước ngoài mua nhà ở VN sẽ ảnh hưởng tốt tới thu thuế của Chính phủ và giúp thị trường bất động sản VN phát triển. “Người nước ngoài chưa được mua nhà để bán, cho thuê trong khi họ được mở công ty 100% vốn tại VN”, nhóm bất động sản băn khoăn nêu sự khó hiểu về chính sách tại VN.

Trước phản ánh của nhóm công tác về du lịch của diễn đàn lo ngại việc VN đang miễn thị thực (visa) cho các công dân Nhật, Hàn, Nga… đến VN du lịch dưới 15 ngày, trong khi các nước khác đều mở để thu hút khách, ông Bùi Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết việc miễn thị thực kể trên là do Chính phủ chỉ đạo dạng thí điểm. Đến nay đã hết hạn.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết cùng 3 nước kể trên, 4 nước Bắc Âu là Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển cũng đang được hưởng cơ chế này. “Đó là thí điểm, hết hạn thì yêu cầu các bộ ngành đánh giá hiệu quả”, ông Sơn nói và thông tin: Trước mắt Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục duy trì miễn thị thực 7 nước với thời hạn lưu trú dưới 15 ngày.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tham dự đã chỉ đạo các bộ ngành tiếp thu, nghiên cứu các góp ý của VBF và cho rằng đây là đối thoại quan trọng để hoàn thiện chính sách.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên