28/05/2013 06:18 GMT+7

Tái cơ cấu chậm, nhiều cơ hội bị bỏ lỡ

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ngày 27-5, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ĐH Kinh tế và ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố Báo cáo kinh tế VN 2013, trong đó khẳng định quá trình tái cơ cấu chậm làm VN mất nhiều cơ hội...

XSczNlMU.jpgPhóng to
Việc chậm tái cơ cấu, chậm xử lý nợ xấu khiến nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, “kẹt” lãi suất cao... Trong ảnh: sản xuất giấy công nghiệp làm bao bì tại Nhà máy giấy Sài Gòn - Mỹ Xuân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: THANH ĐẠM

Hội chứng “phởn phơ”

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, có thể thời gian qua VN đã mắc “hội chứng phởn phơ” theo cách gọi của người Mỹ. Lý do là thông qua các mối quan hệ, nhiều doanh nhân đã có đất và thành đại gia quá dễ. Chính quyền cũng cho thuê đất, kiếm tiền dễ. Tất cả mục tiêu đề ra lại nằm trên “hội chứng phởn phơ”. Có ảo tưởng, chủ quan không? - ông Nghĩa đặt câu hỏi và nhận định thời gian qua, chiến lược của VN đề ra một đường, chiến thuật lại đi một nẻo. Ông Nghĩa cho rằng hai lần khủng hoảng năm 1997-1998 và hiện nay, chính đầu tư nước ngoài đã “xách tai chúng ta từ bùn đen lên”.

“Kinh tế VN như một cỗ xe nặng nề đang chậm chạp đi vào tương lai trên một con đường gập ghềnh” - báo cáo nhận định. Theo TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc VEPR, sáu năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng trưởng kinh tế VN giảm, chỉ còn trung bình 5,8%/năm so với mức 7,8%/năm giai đoạn trước đó. Ngược lại, lạm phát hậu gia nhập WTO của VN trung bình lại lên tới 11,5% so với mức trung bình 7,35% trước đó. Cũng theo ông Thành, cải cách của VN không thực hiện mạnh như mong muốn, như đòi hỏi bức thiết của xã hội.

Đánh giá tổng quan về kinh tế VN 2012, báo cáo khẳng định “đã có sự do dự về chính sách”, đẩy nền kinh tế vào sự trì trệ chưa từng có. “Gần như toàn bộ nền kinh tế rơi vào trạng thái suy kiệt khi cả đầu tư và tiêu dùng cá nhân tiếp tục thu hẹp, trong khi Chính phủ cho đến tận cuối năm không đưa ra giải pháp nào mang tính nền tảng”... Sự suy yếu môi trường kinh doanh cùng lãi suất “kẹt” ở mức cao, theo VEPR, đã khiến hơn 50.000 doanh nghiệp phải rời thị trường, cuốn theo thành quả nhiều năm cải cách.

Dự báo cho năm 2013, báo cáo của VEPR đưa ra hai phương án. Thứ nhất, phương án cẩn trọng với ổn định vĩ mô, e dè trong điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý thì tăng trưởng GDP của VN năm nay sẽ chỉ ở mức 5,04%, lạm phát khoảng 4,95%. Thứ hai, phương án “nới lỏng”, tăng trưởng GDP 2013 của VN sẽ khoảng 5,35%, lạm phát 6,64%.

Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh nên có nhu cầu rất lớn về tài nguyên thô. Họ mua từ khắp nơi đẩy giá tài nguyên tăng. Trong khi đó, Trung Quốc sản xuất sản phẩm rẻ. Vì vậy, các nước đang phát triển sẽ thấy lợi nhuận sản xuất kém mà giá tài nguyên tăng. Nên những quốc gia giàu tài nguyên, trong đó có VN, có xu hướng tập trung vào khai thác tài nguyên, dần lệ thuộc vào tài nguyên, thay vì thúc đẩy phát triển công nghiệp để tăng giá trị gia tăng.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đánh giá cao báo cáo của VEPR khi cho rằng bằng số liệu, báo cáo đã chứng minh được VN chủ yếu xuất khẩu công nghiệp thô sang Trung Quốc, giá trị gia tăng rất thấp. Ông Doanh cho rằng đây là một mối đe dọa thật sự, bởi nền công nghiệp VN sẽ không thể cạnh tranh được, mà ngày càng teo tóp đi.

Ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, cũng “đặt hàng” nhóm nghiên cứu VEPR vì cho rằng đã đến lúc xem xét cả Luật cạnh tranh của VN. Bởi không chỉ hàng Trung Quốc, mà ngay các doanh nghiệp FDI nước ngoài cũng đang giết chết gần như hết các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngành nước uống, thức ăn gia súc...

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên