21/05/2013 09:10 GMT+7

Tình hình kinh tế - xã hội: đối mặt hàng loạt khó khăn

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Sáng 20-5, Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Hai báo cáo này đều cho thấy kinh tế trong nước vẫn đang đối mặt hàng loạt khó khăn như: nợ xấu cao, sức mua yếu, hàng tồn kho cao, số doanh nghiệp ngưng hoạt động tiếp tục gia tăng...

Qj7K20ET.jpgPhóng to
Trong bốn tháng đầu năm 2013, cả nước chỉ có 23.800 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi có hơn 19.600 doanh nghiệp giải thể. Trong ảnh: người dân đến làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: H.T.Vân
9TI8Kqy8.jpgPhóng to
Dữ liệu: bạch Hoàn - Ảnh: Thanh Đạm - Đồ họa: N.Khanh

Đi vào giải pháp, Ủy ban Kinh tế đã mạnh dạn đề nghị cần tính đến giải pháp đối với chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tổng cầu... Đồng thời xác định rõ thời gian, mục tiêu để giảm nợ xấu, hàng tồn...

Nợ xấu vẫn cao

"Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các giải pháp đối với chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện ngay, việc linh hoạt các chính sách phải theo diễn biến và liều lượng thích hợp, kiên định và nhất quán với mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô"

Ông Nguyễn Văn Giàu

Báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đã thẳng thắn nêu rõ mặc dù kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu nhưng còn chậm, chưa vững chắc và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong đó có những mặt nổi lên như: sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn. Mặt bằng lãi suất cho vay có giảm nhưng còn cao (mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 9-11%, đối với các lĩnh vực khác ở mức 11-13%). Tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức thấp so với định hướng tăng 12% của năm 2013. Nợ xấu tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn cao (theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu là 7,8% tại thời điểm cuối năm 2012; theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 3-2013 tỉ lệ nợ xấu là 4,51%). Quản lý thị trường vàng mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa huy động được nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của Chính phủ, chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tuy sớm được ban hành nhưng việc hướng dẫn cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện còn chậm nên không ít trường hợp chưa đi vào cuộc sống. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho vẫn khá cao; khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Thị trường bất động sản thanh khoản kém, phục hồi chậm...

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ xác định nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Một trong những nội dung đầu tiên là giảm mặt bằng lãi suất hợp lý, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 12% cả năm 2013.

Chính phủ nêu rõ việc tiếp tục thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và chủ trương điều chỉnh giá điện, than cho điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch. Thực hiện tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương) trong những tháng còn lại của năm 2013; trong đó tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu...

Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục liên quan đến xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc xử lý nợ xấu, thành lập và phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam.

Đến lúc ưu tiên tăng trưởng?

Ngành xây dựng bắt đầu phục hồi?

Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Chính phủ, lãi suất huy động và cho vay trong bốn tháng đầu năm 2013 tương đối ổn định và hiện đang có xu hướng giảm. Tính đến ngày 18-4, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 5,04% so với cuối năm 2012; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,44% so với tháng 12-2012.

Một trong những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế được thể hiện rõ qua tăng trưởng kinh tế cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ngành xây dựng sau một thời gian trì trệ nay đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đạt mức 4,79% trong quý 1-2013.

B.H.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng khu vực doanh nghiệp, động lực chính tạo ra của cải vật chất, việc làm gặp rất nhiều khó khăn, đến hết năm 2012 cả nước có tới 69% số doanh nghiệp báo lỗ. Theo Ủy ban Kinh tế, nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 hết sức nặng nề. “Vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn” - ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nhấn mạnh.

Theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đa số ý kiến trong ủy ban này cho rằng sau một thời gian dài kiểm soát tăng trưởng tín dụng để ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản, một bộ phận lớn doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa. Ông Giàu cho biết quan điểm của đa số là: “Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các giải pháp đối với chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện ngay...”. Cũng theo ông Giàu, một số ý kiến cho rằng trong những tháng còn lại của năm 2013, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% như nghị quyết của Quốc hội.

Phải minh bạch thông tin

Ủy ban Kinh tế cho rằng về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc triển khai thực hiện chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh... Đồng thời chưa ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nhất là vấn đề xử lý các khoản lỗ, dôi dư cán bộ, người lao động.

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, theo ông Nguyễn Văn Giàu, một số ý kiến cho rằng các ngân hàng đã triển khai có kết quả bước đầu nhưng cần minh bạch thông tin, kể cả các ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh và các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém để minh chứng đã triển khai đúng hướng và không bị chi phối bởi nhóm lợi ích.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu việc điều hành thị trường vàng có một số kết quả ban đầu, nhưng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, chưa đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế như nghị quyết của Quốc hội. Số liệu nợ xấu thông tin ra công chúng có lúc thiếu nhất quán cũng tạo hoài nghi, tác động tâm lý xã hội, thị trường.

Bên cạnh cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bổ sung trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tập trung thêm một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án hoặc kế hoạch triển khai cụ thể về mục tiêu, chỉ tiêu, hạn định thời gian và các biện pháp mạnh hơn nhằm giảm hàng hóa tồn kho và giảm nợ xấu. Đặc biệt, có các giải pháp cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý và các giải pháp hỗ trợ, khai thông thị trường bất động sản theo chủ trương đã ban hành. “Tiếp tục cụ thể hóa và tập trung thực hiện những chủ trương, những mục tiêu đã được xác định trong đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế” - ông Giàu nhấn mạnh.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần thiết rà soát, điều chỉnh các quy định về sở hữu của các tổ chức tín dụng, giám sát hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất, không gây xáo trộn trong hệ thống tổ chức tín dụng và đảm bảo an toàn tiền gửi của người gửi tiền; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trích đủ dự phòng rủi ro và đảm bảo nguồn tự xử lý nợ xấu phát sinh.

Tiếng nói cử tri

* Ông Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính): Hãy trả về cho thị trường điều chỉnh

Thật ra, cái người ta đang quan tâm nhất hiện nay là giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 6,5% theo tôi nhận định là có thể đạt được. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 5,5% lại khó hơn trước thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay. Nếu không có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, khi hàng tồn kho vẫn tiếp tục tăng, doanh nghiệp sản xuất bị đình trệ thì tăng trưởng kinh tế khó đạt được.

Tái cấu trúc nền kinh tế cần phải làm ngay. Chúng ta đã mất năm tháng đầu năm 2013, chỉ còn bảy tháng nữa nên không thể chần chừ hơn. Tái cấu trúc phải đi vào vấn đề chất lượng nền kinh tế, chiều sâu của tăng trưởng kinh tế và chất lượng sản phẩm, hàng hóa làm ra. Riêng việc tái cơ cấu ngành ngân hàng, theo tôi hoạt động sáp nhập ngân hàng vẫn chưa đạt được mức độ cần thiết. Với những ngân hàng quá yếu, không cứu được thì hãy trả nó về thị trường điều chỉnh, cho phá sản theo những tiêu chí được đặt ra cụ thể. Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu cần được xử lý cấp bách. Cứ bàn mãi giải pháp mà chưa xử lý, nợ xấu mỗi ngày lại tăng lên thì khó khăn sẽ càng lớn.

* Ông Phan Đức Long (cán bộ công chức tại Q.Tân Bình, TP.HCM): Hạn chế tổn thất từ đầu tư công

Ở góc độ người dân, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc rà soát tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra tổn thất cho ngân sách nhà nước. Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến hàng loạt dự án đầu tư công rơi vào đình trệ khi gặp khó khăn về vốn và đầu ra. Đó là cái lỗi rất lớn về thẩm định dự án, về chất lượng quy hoạch. Các dự án đình trệ, ngưng thi công không chỉ kéo theo sự trì trệ cho những lĩnh vực kinh tế liên quan mà còn làm tổn hại nguồn ngân sách hạn hẹp. Việc rà soát các dự án, tìm lối ra khác cho những dự án”đắp chiếu” gây lãng phí lớn này là điều người dân mong đợi.

* Ông Nguyễn Cảnh Hà (giám đốc Công ty An Thiên Lý, TP.HCM): Tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp

Tôi thấy trong đề án đưa ra có bàn đến mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay lãi suất hợp lý. Chuyện này đã nói nhiều, bàn nhiều nhưng thực tế việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng còn quá khó khăn trước cả “núi” thủ tục, điều kiện khắt khe. Theo tôi, ngân hàng ưu tiên tiêu chí nào thì chọn một tiêu chí ứng với từng doanh nghiệp. Chẳng hạn, đánh giá dự án tốt thì cho vay tín chấp, hoặc vay thế chấp bằng tài sản của doanh nghiệp. Chứ như hiện nay doanh nghiệp vừa phải chứng minh dự án tốt, thế chấp bằng ba lần tiền vay rồi đến chứng minh thu nhập của chính doanh nghiệp với các hoạt động hiện hữu... Chưa kể đến hàng loạt “hàng rào kỹ thuật” khác mà ngân hàng đưa ra. Chính từ đây nảy sinh các tiêu cực, chạy chọt làm khổ doanh nghiệp đủ đường.

BẠCH HOÀN - ĐÌNH DÂN ghi

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên