05/10/2011 04:15 GMT+7

Chuyển hướng tăng trưởng "vừa phải"

V.V.THÀNH - H.GIANG
V.V.THÀNH - H.GIANG

TT - Thay thế mục tiêu “phát triển nhanh” bằng “duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế”, đó là một trong những nội dung mới nhất của dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2011-2015) được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh giới thiệu với các đối tác nước ngoài tại hội thảo ngày 4-10.

Ông Bùi Quang Vinh nói VN đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Cao Viết Sinh bổ sung có nhiều ý kiến cho rằng kinh tế thế giới có thể rơi vào đợt suy thoái mới. Kinh tế trong nước đang đứng trước nhiều thách thức lớn, “năm 2011 có số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động cao hơn bất cứ năm nào trước đây” (chín tháng qua đã có 48.700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động).

“Chúng ta phải làm sao có cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài là vấn đề không dễ dàng. Nhưng khó vẫn phải làm, vì nếu không thì không giải quyết được lạm phát, không giải quyết được vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và cũng không giải quyết tính bền vững trong đầu tư của đất nước” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh nói.

Từ bối cảnh nêu trên, ông Bùi Quang Vinh cho biết định hướng năm năm tới vẫn phải bám vào ba trụ cột là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Tốc độ tăng trưởng trong 2-3 năm đầu của giai đoạn 2011-2015 có thể “ở mức vừa phải” để tạo ra sự ổn định, nếu có điều kiện thuận lợi sẽ phát triển ở mức độ cao hơn từ sau năm 2013.

Bộ Kế hoạch - đầu tư dự kiến hai kịch bản tăng trưởng cho năm năm tới. Trong đó, kịch bản thứ nhất có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng đến năm 2015 khoảng 7%. Kịch bản thứ hai nêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 khoảng 7%, chỉ số giá tiêu dùng đến năm 2015 khoảng 5%. VN dự kiến chọn kịch bản tăng trưởng 7%.

Theo ông Bùi Quang Vinh, để thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới tăng trưởng, trong năm năm tới VN dự kiến tập trung ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư; doanh nghiệp nhà nước; hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính. Ông Cao Viết Sinh nói quy mô kinh tế VN với khoảng 100 tỉ USD còn nhỏ bé nhưng số ngân hàng lại nhiều hơn một số nước khác.

Bên cạnh đó, ông Vinh nhấn mạnh việc tái cơ cấu các ngân hàng là để hệ thống ngân hàng VN mạnh hơn, chất lượng tín dụng tốt hơn, tính rủi ro giảm đi. “Hiện nay kênh đầu tư chủ yếu dựa vào ngân hàng, chiếm đến gần 90%, trong khi đó lãi suất cao nên hiệu quả thấp. Trong chiến lược sắp tới sẽ từng bước thu hẹp tín dụng đầu tư, mở rộng và phát triển hơn nữa thị trường chứng khoán” - ông Vinh nói.

Ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, nói: “Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế và một số tổ chức quốc tế khác, từ năm 2007-2010 GDP thực tế của VN cao hơn GDP tiềm năng. Đây là nguyên nhân khiến lạm phát ở VN cao hơn các nước đang phát triển khác dù họ cũng chịu bối cảnh kinh tế thế giới giống VN”. Do đó, WB cho rằng dự thảo kế hoạch năm năm lần này tập trung vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và chú trọng chất lượng tăng trưởng là cần thiết.

Đại diện Liên minh châu Âu tại VN nói hai động năng quan trọng cho tăng trưởng thời gian tới là củng cố niềm tin của người dân vào đồng tiền VN và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh của VN. Đại diện Sứ quán Úc nói trên thị trường thế giới không thiếu vốn, còn nhiều quỹ đầu tư hàng tỉ USD tại nhiều nước khác.

Các quỹ này chỉ thiếu nơi đến an toàn, do vậy VN nên thu hút đầu tư có trọng điểm vào một số dự án quan trọng thay vì dàn trải khắp các tỉnh thành. Bên cạnh đó, ông Tsuno Motonori, trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), lại nhấn mạnh tầm quan trọng của tốc độ cải cách để có thể phát triển năng lực cạnh tranh của nền kinh tế VN trong khu vực Asean. Để làm được điều đó, ông Motonori hi vọng Chính phủ VN sẽ đưa ra ưu tiên rõ ràng của mình (ví dụ phát triển hạ tầng thì đâu là dự án ưu tiên nhất).

V.V.THÀNH - H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên