Xe
13/05/2011 07:20 GMT+7

Phù phép ôtô

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Thị trường gara sửa chữa ôtô tại TP.HCM đang mọc lên như nấm. Và để cạnh tranh, một số nơi đã tìm mọi cách kéo khách hàng kể cả việc “liên kết” với các giám định viên bảo hiểm nhằm trục lợi khi khách hàng đưa ôtô đi sửa chữa, bảo hành...

EfPkbgHt.jpgPhóng to
Theo các chuyên gia, cần chọn những gara có thương hiệu khi đưa xe đi sửa chữa, bảo hành - Ảnh: L.N.

Nhiều khách hàng đã phải ngậm đắng nuốt cay khi ôtô bị đưa vào các gara không chuyên nghiệp, không đủ trình độ hoặc không đủ trang thiết bị sửa chữa để rồi lại phải bỏ tiền sửa chữa thêm. Khi khiếu nại với gara thì bị từ chối.

Bát nháo

Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm ôtô thừa nhận thị trường gara sửa ôtô ở VN rất bát nháo, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến việc đôi khi họ chính là nạn nhân kèm theo thiệt hại của khách hàng. Từng có trường hợp khách hàng của một hãng xe nhập khẩu từ châu Âu bị vỡ kính chắn gió, sau khi được bảo hiểm đền bù bằng một kính mới thì đưa xe đến xưởng chính hãng kiểm tra vì chạy xe thấy rung rung. Nghi ngờ kính lắp ráp không qua máy móc đúng chuẩn, keo dán không đều nên nhà nhập khẩu ôtô này quyết định chấp nhận trả tiền một tấm kính mới để tháo kính được bảo hiểm lắp gửi sang châu Âu nhờ kiểm tra. Kết quả cho thấy đây là kính trôi nổi.

Rước họa vào thân

Bà H., chủ một chiếc xe siêu sang trị giá hơn 2 tỉ đồng, mới đây khi di chuyển tại TP.HCM xe bị tai nạn làm bung ba túi khí, gãy trục bánh trước, vỡ lốc máy, vỡ cản trước... Giám định viên bảo hiểm tư vấn bà đưa xe đến một gara ở Q.Gò Vấp.

Biết tin, đại diện hãng ôtô bán xe cho bà H. đã có mặt và tư vấn với thiệt hại nặng nề như chiếc xe này cần phải có hệ thống máy móc chuyên dụng đánh giá, cân chỉnh, từ đó sẽ biết được cần phải thay thế những thiết bị gì, tìm mua những thiết bị tốt ở đâu và đề nghị kéo ôtô về gara công ty để sửa chữa.

Tuy nhiên đại diện công ty bảo hiểm không đồng ý. Một thời gian sau, khi đưa xe đến kiểm tra định kỳ tại hãng bà H. mới phát hiện: bộ vi xử lý điều khiển dây an toàn và cho ba túi khí đã không được thay thế (bộ phận này buộc phải thay khi túi khí đã bung - NV) và nếu có tai nạn các túi khí này sẽ không bung nữa.

Riêng cản xe, logo xe đáng lẽ phải thay mới thì được hàn lại và phủ lên một lớp sơn mà mới nhìn qua đã thấy sự khác biệt với màu sơn nguyên thủy.... Quá bức xúc, bà H. tức tốc quay lại gara phàn nàn thì được trả lời xe đã đưa ra khỏi gara, nơi này không còn trách nhiệm. Còn hãng xe phân phối cũng không dám nhận lại xe này vì không biết còn những bộ phận nào bị ảnh hưởng sau lần sửa chữa nọ.

Theo ông Trần Tấn Trung - giám đốc Công ty Liên Á quốc tế, nhà phân phối xe Audi tại VN, đã có khách hàng sau khi được giám định viên bảo hiểm tư vấn đưa đến gara không uy tín sửa chữa đã thay thế thiết bị thắng (phanh) bánh sau của một chiếc xe Audi không đạt chuẩn, khiến hệ thống thắng sau hoàn toàn tê liệt sau một thời gian.

Thông đồng

Một số chủ gara thừa nhận do hiện trên thị trường có quá nhiều gara sửa ôtô nên để thu hút khách họ phải có “cà phê phí” với giám định viên của các công ty bảo hiểm để đưa xe về sửa chữa. Chỉ việc đưa được xe về gara giám định viên bảo hiểm đã có một khoản “cà phê phí” vài trăm ngàn đồng, chưa kể phần trăm trong từng hợp đồng đền bù của khách hàng.

Tr. - từng là chủ một gara tại Q.4, giờ chuyển sang buôn bán ôtô - chia sẻ trong một số trường hợp khách hàng không để ý họ sẽ chủ động thêm vào một hoặc hai chỗ thiệt hại. Chẳng hạn trầy hoặc móp chỗ gần đèn xe họ sẽ ghi luôn vào là đèn xe bể, và sau khi khách hàng ký vào bản giám định họ sẽ gửi lại cho công ty bảo hiểm.

“Phổ biến là các trường hợp làm phần đồng, sơn do xe hay bị va quẹt, trầy xước, móp và giá thành sửa chữa tùy trường hợp chỉ khoảng 45-60% giá báo cho bảo hiểm, phần còn lại gara và giám định viên chia nhau” - Tr. tiết lộ.

Những trường hợp xe bị tai nạn nặng phải thay thế nhiều thiết bị, linh kiện cũng chính là khoản mà các gara và giám định viên bảo hiểm sẽ ăn chia nhiều nhất. Gara sẽ mua hàng trôi nổi bên ngoài hoặc thậm chí sử dụng lại những thiết bị đã thay thế từ xe khác của khách (hư hỏng hoặc trục trặc chưa quá nặng) trong những lần sửa chữa trước và tính lại mức phí như hàng mới nguyên, chính hãng cho khách hàng, chỉ khi xảy ra chuyện hoặc đi kiểm tra định kỳ như các trường hợp ở trên mới phát hiện.

Trong những trường hợp này chẳng gara nào chấp nhận sửa chữa hoặc thay thế lại những gì họ đã làm vì “xe đã đưa ra khỏi gara, hết trách nhiệm”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm lớn ở TP.HCM thừa nhận có một bộ phận giám định viên bảo hiểm không trung thực trong việc đánh giá thiệt hại và chủ động móc nối với gara để hưởng hoa hồng.

Ông này cho rằng việc lựa chọn gara để giới thiệu cho khách hàng hiện chỉ có thể đánh giá trên ba tiêu chí chung: mặt bằng có đủ đảm bảo khối lượng công việc, đầu tư trang thiết bị và trình độ đội ngũ kỹ thuật viên chứ không thể đảm bảo tránh khỏi những sai phạm như đề cập ở trên.

“Nhiều gara khi bắt đầu hợp đồng hợp tác làm ăn thì rất uy tín nhưng sau đó mất dần chất lượng, câu kết với một vài nhân viên bảo hiểm để trục lợi và hậu quả là các công ty bảo hiểm đã mất khá nhiều khách hàng sau khi kết thúc hợp đồng” - vị phó tổng giám đốc cho hay.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên