07/05/2011 09:14 GMT+7

Sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân: Cuối năm 2012 trình Quốc hội

V.V.THÀNH - L.HOÀI thực hiện
V.V.THÀNH - L.HOÀI thực hiện

TT - Chiều 6-5, ngay sau cuộc làm việc của Bộ Tài chính với Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội về Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Ngọc Xuyên (phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách).

R2wdASiI.jpgPhóng to
Ông Cao Ngọc Xuyên - Ảnh: V.V.Thành

Ông Cao Ngọc Xuyên cho biết:

- Thời gian vừa qua báo chí có nêu nhiều thông tin liên quan đến Luật thuế TNCN, vì vậy Ủy ban Tài chính và ngân sách đã làm việc với Bộ Tài chính để tìm hiểu thông tin chính thức. Theo đó, đạo luật này dự kiến sẽ được trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung toàn diện vào cuối năm 2012 (kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII).

* Nhưng có thông tin Luật thuế TNCN dự kiến được sửa đổi, bổ sung ngay trong năm nay và đã có đại biểu Quốc hội ủng hộ việc này?

- Tôi biết có những thông tin như vậy, tuy nhiên thông tin chính thức từ những người có trách nhiệm thì như tôi đã nêu. Bộ Tài chính có trao đổi với chúng tôi về việc hoàn thiện Luật thuế TNCN trong sáng nay (6-5) nhưng chưa có phương án chính thức nào được đưa ra. Nghĩa là có kế hoạch sửa đổi đạo luật này nhưng chưa có nội dung cụ thể.

* Một số báo đưa tin Bộ Tài chính dự kiến đưa ra phương án miễn thuế cho ba đối tượng: cá nhân độc thân có thu nhập 5 triệu đồng/tháng trở xuống; người nộp thuế có một người phụ thuộc có mức thu nhập 6,6 triệu đồng/tháng trở xuống và người nộp thuế có hai người phụ thuộc có mức thu nhập 8,2 triệu đồng/tháng trở xuống?

- Theo tôi biết đây là phương án mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tại phiên họp cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ có thảo luận nhưng không kết luận. Vì vậy, phương án này cũng không được trình ra Ủy ban Tài chính và ngân sách.

* Thời gian qua kinh tế khó khăn, lạm phát cao, do vậy cần thiết phải dùng chính sách thuế để khoan sức dân và sự điều chỉnh thuế TNCN phải kịp thời mới có thể phát huy được hiệu quả?

- Thuế TNCN khác với thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, tinh thần là những người có mức thu nhập nhất định nào đó trở lên đều phải đóng thuế cho Nhà nước. Tại thời điểm xây dựng đạo luật này (Luật thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009), thu nhập bình quân của xã hội còn thấp, chưa đến 2 triệu đồng, vì vậy đưa ra mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng là đã có tính dự báo ở mức cao hơn so với thu nhập bình quân của xã hội, bên cạnh đó còn có quy định về giảm trừ gia cảnh...

Từ năm 2009 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người dân chứ không riêng những người phải nộp thuế TNCN. Quan điểm của tôi là quy định về mức khởi điểm chịu thuế như hiện nay chưa thật sự quá bất hợp lý. Nói chung lúc xây dựng đạo luật này đã có tính toán để ngày càng có nhiều người phải nộp thuế, tất nhiên là không giữ mãi (mức khởi điểm chịu thuế - PV) nhưng phải giữ được một thời gian.

* Nghĩa là ông cũng đồng ý đến lúc nào đó phải tăng khởi điểm chịu thuế lên cao hơn nữa?

- Như báo cáo của Bộ Tài chính thì đạo luật này cũng có một số bất cập, chúng tôi sẽ nghiên cứu trên tinh thần thống nhất rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN sẽ được trình ra Quốc hội vào cuối năm 2012. Lúc đó sẽ đặt lên bàn cân tất cả các thứ: từ mức thu nhập phải chịu thuế đến các loại thu nhập chịu thuế, biểu thuế... Tôi cũng nhận thấy mức khởi điểm chịu thuế hiện nay có thể không còn phù hợp sau một vài năm tới, cần thiết nâng lên, mức nào thì Quốc hội sẽ quyết định nhưng cần giữ được ổn định trong năm năm, chứ không phải đến lúc làm xong có biến động mới lại ào ào xoay xở. Tức là tính toán mức phù hợp cho ít nhất là năm năm tới.

* Nhiều chuyên gia cho rằng không nên quy định cứng nhắc mức khởi điểm chịu thuế 4 hay 5 triệu đồng/người/tháng mà phải theo lương cơ bản, gấp 10 lần lương cơ bản, tức khoảng 8,3 triệu đồng/người/tháng?

- Ít có nước nào quy định theo mức lương cơ bản, mà thường quy định đến một mức thu nhập nào đó là phải nộp thuế. Có thể mức này mấy năm người ta quy định lại một lần. Tôi nghĩ rằng việc tính toán mức khởi điểm chịu thuế cần căn cứ trên nhiều tham số khác nhau, trong đó có yếu tố quan trọng là thu nhập bình quân đầu người.

* Đã có kiến nghị nên quy định mức giảm trừ gia cảnh cho người sống tại đô thị phải khác người ở nông thôn, ở đồng bằng khác với miền núi?

- Hiện nay ở Hà Nội và TP.HCM có giá cả thị trường cao hơn nhiều khu vực khác, tuy nhiên chúng ta còn có mục đích điều tiết thu nhập sao cho khoảng cách giàu nghèo đỡ căng thẳng.

* Đã có đề xuất Quốc hội chỉ nên quy định khung về thuế TNCN, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể cho linh hoạt?

- Luật thuế là đụng chạm đến quyền lợi của công dân, mà Hiến pháp quy định những gì ảnh hưởng đến quyền lợi của dân thì Quốc hội quyết định. Các vấn đề như hướng dẫn thủ tục kê khai, nộp thuế... là do Chính phủ, còn các quy định cụ thể khác phải do Quốc hội.

V.V.THÀNH - L.HOÀI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên