25/04/2011 12:00 GMT+7

Giá tiêu dùng bốn tháng tăng gần 10%

H.GIANG
H.GIANG

TT - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2011 là 3,32%. Đây là mức cao nhất từ đầu năm nói riêng và trong ba năm trở lại đây nói chung. So với tháng 12-2010, CPI tăng 9,64%.

Read this on Tuoitrenews.vn

ZeDVWDfK.jpgPhóng to
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng bốn tháng năm 2011 - Đồ họa: V.CƯỜNG - Ảnh: N.C.THÀNH

Góp phần đáng kể vào mức tăng này, tương tự như tháng trước, vẫn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 4,5% so với tháng 3-2011), nhóm giao thông vận tải tăng 6,04%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,38%...

Nhiều nhóm hàng khác có mức tăng CPI trên 1% là may mặc - mũ nón - giày dép, thiết bị và đồ dùng gia đình, văn hóa - giải trí và du lịch, thuốc và dịch vụ y tế... Chỉ số giá vàng đã giảm 1,2% và chỉ số giá USD giảm 1,61% so với tháng trước.

Không bất ngờ trước công bố này, TS Võ Trí Thành - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho biết nguyên nhân là do ảnh hưởng tích lũy của các đợt tăng giá xăng, giá điện. TS Thành dự báo CPI tính theo năm sẽ có xu hướng tiếp tục tăng trong vài tháng tới và chỉ có thể dịu đi vào quý 3 và quý 4 với hai điều kiện: thực hiện nghiêm túc nghị quyết 11 của Chính phủ và không có cú sốc nào từ bên ngoài (chẳng hạn giá dầu tăng đột biến).

Theo thường lệ, CPI tăng giá cao nhất vào tháng tết và giảm dần sau tết. Nhưng theo TS Lê Đăng Doanh, do tác động của hai lần tăng giá xăng, một lần tăng giá điện và các lần điều chỉnh tỉ giá USD nên đã dẫn đến việc hình thành mặt bằng giá mới. Chỉ số CPI cao như vậy đang ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

“Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, còn người dân cũng phải điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Hàng tiêu dùng lâu bền không còn được ưu tiên mà người ta sẽ dành ưu tiên cho những tiêu dùng thiết yếu để bảo đảm nhu cầu sinh hoạt hằng ngày” - TS Doanh nói.

Tương tự như TS Võ Trí Thành, TS Doanh dự báo CPI tháng 5 và 6 sẽ tiếp tục tăng nhưng có thể ở mức thấp hơn nếu nghị quyết 11 được thực hiện triệt để. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước đã có các chính sách hạn chế cung tín dụng và cung tiền nhưng việc hút tiền đã đưa ra thị trường từ những năm trước thì chưa làm được bao nhiêu.

Bên cạnh các biện pháp tiền tệ, tín dụng, TS Doanh cho rằng rất cần có bước cắt giảm đầu tư công mạnh mẽ.

“Đầu tư công của Hà Nội trong quý 1 vừa qua tăng hơn 30%. Như vậy rất khó nói là có thể cắt giảm đầu tư công nhiều theo nghị quyết 11. Mặc dù rất thông cảm khó khăn của cắt giảm đầu tư công, nhưng vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân và ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa” - TS Doanh nói.

Như vậy, CPI bốn tháng đầu năm (9,64% so với tháng 12-2010) đã tăng gần gấp đôi tốc độ tăng GDP quý 1 (5,5%) và vượt chỉ tiêu 7% của Quốc hội đề ra.

H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên