16/04/2011 07:20 GMT+7

Tìm cơ hội qua từng sản phẩm

T.V.N. - NHƯ BÌNH
T.V.N. - NHƯ BÌNH

TT - Bà Hai Lý, cơ sở bánh tét Hai Lý (Trà Cuôn, Trà Vinh), cười: “Không uổng công tôi dậy từ 5 giờ sáng để theo xe kịp dự tọa đàm. Tôi học rất nhiều kinh nghiệm từ những chia sẻ chân tình của các doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm mới”.

O5qMznsQ.jpgPhóng to
Ông Pascal Billaud, tổng giám đốc hệ thống Big C VN (bìa phải), nghe ông Thái Quốc Huy - chủ cơ sở đường thốt nốt Thảo Hương, An Giang - giới thiệu sản phẩm tại buổi tọa đàm sáng 15-4 - Ảnh: THANH ĐẠM

Cùng với bà Hai Lý còn có gần 70 doanh nghiệp khác ở TP.HCM, An Giang, Trà Vinh... đến chia sẻ những câu chuyện phát triển sản phẩm mới tại buổi tọa đàm “Giải pháp để sản phẩm mới thành lợi thế cạnh tranh” do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) tổ chức tại báo Tuổi Trẻ ngày 15-4.

Từ nhu cầu thị trường

Chọn Long An làm nơi khảo sát về nhu cầu bóng đèn thắp sáng để trồng thanh long trái vụ sau khi nhìn thấy nông dân thường có thói quen sử dụng các bóng đèn tròn công suất 60-75W, Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang phát hiện những bóng đèn tròn sợi đốt tuổi thọ vừa kém lại quá tốn điện. Thế là sau hơn một năm nghiên cứu, Điện Quang đã cho ra thị trường bóng đèn compact chống ẩm.

Ông Trần Quốc Toản, phó tổng giám đốc công ty, cho biết so với bóng đèn thông thường, bóng đèn compact chống ẩm được làm kín tuyệt đối, vỏ thủy tinh dày hơn và linh kiện lắp ráp chịu được nhiệt. Nếu so với bóng đèn tròn sợi đốt, đèn compact chống ẩm của Điện Quang tiết kiệm điện hơn đến sáu lần với giá bán chỉ khoảng 25.000 đồng/bóng. Theo ông Toản, từ lúc thai nghén ý tưởng đến khi có được sản phẩm hoàn chỉnh, phần khảo sát thị trường rất quan trọng vì “sẽ đánh giá chính xác được nhu cầu thật sự của người tiêu dùng đối với dòng sản phẩm dự định sản xuất”.

Tâm đắc với sự chủ động tạo ra sản phẩm mới của Điện Quang, ông Nguyễn Quốc Khánh - giám đốc điều hành sản xuất và phát triển sản phẩm của Vinamilk - nhìn nhận để đưa một sản phẩm mới ra thị trường và đứng vững được không hề đơn giản. “Người tiêu dùng sẽ quyết định thời gian tồn tại của sản phẩm trên thị trường, vì vậy các sản phẩm mới của chúng tôi đều ra đời để đáp ứng những gì người tiêu dùng cần” - ông Khánh nói. Chẳng hạn để có được sản phẩm sữa Dielac Pedia - sản phẩm dinh dưỡng đặc thù dành cho trẻ biếng ăn - vừa được Vinamilk tung ra thị trường cách đây vài hôm, ông Khánh cho biết Vinamilk đã phải hợp tác với Viện Dinh dưỡng quốc gia khảo sát trên 50.000 trẻ em VN về thực trạng dinh dưỡng trẻ em VN. “Trẻ em VN phần lớn thiếu chất sắt, kẽm và vitamin A, nếu không có vi chất bổ sung sẽ không đảm bảo được sự phát triển toàn diện cho trẻ” - ông Khánh cho biết.

Cơ hội chia đều

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Văn Dũng - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết buổi tọa đàm là hoạt động mở đầu của chương trình “Tiếp sức hàng Việt” giai đoạn 3 với chủ đề “Sức sáng tạo Việt qua sản phẩm mới” do báo Tuổi Trẻ, Trung tâm BSA và Vinamilk tổ chức nhằm đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng hơn nữa. Theo đó, ngoài chuyên trang trên báo Tuổi Trẻ xuất hiện vào mỗi thứ bảy hằng tuần còn có các hoạt động giao lưu, tọa đàm... giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng.

Tại buổi tọa đàm, bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc BSA, nói cơ hội đến từ sản phẩm mới luôn được chia đều cho các doanh nghiệp nếu biết nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, biến sản phẩm mới thành lợi thế cạnh tranh cho mình.

Nhận xét mình chỉ là “doanh nghiệp nhỏ xíu”, bà Bùi Thị Thúy Loan - giám đốc Công ty cổ phần bột thực phẩm Tài Ký - tâm sự đưa ra sản phẩm mới luôn có trong suy nghĩ của tất cả doanh nghiệp, bất kể doanh nghiệp đó lớn hay nhỏ. Bà Loan cho rằng áp lực tạo ra sản phẩm từ chính nhu cầu cấp bách của thị trường trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như các loại bột dùng để đổ bánh xèo, bánh bèo hay làm bánh cuốn, dù chỉ là sản phẩm dành cho ẩm thực bình dân nhưng Tài Ký vẫn tìm tòi làm mới các loại bột này theo hướng ngày càng tiện ích, dễ sử dụng. “Sâu xa hơn, chúng tôi muốn thay đổi quan điểm về sản phẩm không chỉ dành cho phụ nữ mà đàn ông cũng có thể sử dụng một cách dễ dàng” - bà Loan nói.

Thu hút rất nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi, trong đó nổi bật nhất vẫn là trăn trở của các doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm mới nhưng làm sao triển khai và thuyết phục người tiêu dùng đón nhận sản phẩm của mình. Ông Toản cho biết xác định đối tượng tiêu dùng là nông dân, công ty đã kết hợp với hội nông dân các tỉnh thành tổ chức các hội thảo giới thiệu tính năng của đèn compact chống ẩm cũng như điểm phân phối, làm cơ sở thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm.

Ông Khánh cho rằng với các sản phẩm mới, doanh nghiệp cần đảm bảo năng lực sản xuất rồi mới tung ra chiến dịch tiếp thị hỗ trợ. “Một khi chưa bao phủ được thị trường mà doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá sẽ dẫn đến người tiêu dùng không tiếp cận được sản phẩm, họ sẽ dần mất lòng tin” - ông Khánh nhấn mạnh.

Cần thông điệp cho sản phẩm

“Đằng sau hình ảnh một sản phẩm mới ra đời chính là một người tiêu dùng”. Câu nói đó dường như càng đúng hơn với trường hợp của “doanh nghiệp siêu nhỏ” sản xuất đường thốt nốt Thảo Hương (An Giang). Cầm gói đường thốt nốt trọng lượng 100g, ông Thái Quốc Huy - giám đốc công ty - đem đến buổi tọa đàm câu chuyện: “Ngộ” ra sản phẩm đường thốt nốt của mình - dù rất được yêu thích - nhưng lại khó bán vì “hồi trước chỉ sản xuất từng bánh đường có trọng lượng khoảng nửa ký. Nấu chè hay làm bánh thì không sao chứ để ăn chơi thì... thua”.

Được sự góp ý của người tiêu dùng, ông Huy nhanh chóng thay đổi quy cách sản phẩm, mạnh dạn đầu tư thiết bị để tạo sản phẩm đường thốt nốt viên nhỏ (5g/viên) và loại 40 viên cho vào gói 200g bên cạnh loại bao bì chứa 50g (10 viên/gói), mỗi viên để trong túi PE nhỏ, rất tiện ích cho khách hàng.

Theo bà Thúy Loan, mỗi doanh nghiệp có một sản phẩm đặc thù khác nhau, vì vậy kinh nghiệm cách thức tổ chức, phát triển sản phẩm mới cũng sẽ rất riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp phải có thông điệp cụ thể qua sản phẩm mới, tạo được nét đặc trưng riêng để khi nhắc đến một tính chất, công dụng nào đó người tiêu dùng sẽ nhớ đến sản phẩm của mình.

Trong khuôn khổ chương trình “Sức sáng tạo Việt qua sản phẩm mới”, ban tổ chức tiếp tục mời gọi bạn đọc tham gia cuộc thi “Sản phẩm mới, dịch vụ mới tôi đang cần”.

1. Nội dung bài dự thi

- Trình bày rõ nhu cầu, giới thiệu ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ và mô tả về sản phẩm (mô tả sản phẩm với những chi tiết: công năng, quy cách, mẫu mã, chất liệu, mức giá...).

2. Hình thức dự thi

- Cuộc thi dành cho tất cả bạn đọc báo Tuổi Trẻ, không phân biệt quốc tịch, nơi sinh sống, nghề nghiệp hoặc độ tuổi.

- Bạn đọc dự thi bằng hình thức bài viết không quá 600 chữ. Bài dự thi cá nhân hoặc tập thể đều được chấp nhận.

3. Thời gian

- Bắt đầu nhận bài từ ngày công bố đến hết ngày 15-7-2011.

- Công bố và phát giải: dự kiến vào đầu tháng 8-2011.

4. Tiêu chí chấm giải

- Bài viết có các tiêu chí: thiết thực, cụ thể và khả thi.

5. Ban giám khảo

- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

- Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm BSA.

- Ông Đỗ Văn Dũng, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.

6. Giải thưởng

- Giải nhất: 10 triệu đồng (một giải). Giải nhì: 8 triệu đồng (hai giải). Giải ba: 5 triệu đồng (ba giải). Giải khuyến khích: 3 triệu đồng (năm giải).

Bạn đọc có bài viết vui lòng gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hoặc email: thihangviet@tuoitre.com.vn

T.V.N. - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên